Tin tức

Trẻ sâu răng phải làm sao để hết?

Ngày 27/02/2023
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Sâu răng là tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Điều này không những gây mất thẩm mỹ cho hàm răng mà còn khiến trẻ thường xuyên cảm  thấy đau nhức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Nếu các bậc phụ huynh đang băn khoăn không biết trẻ sâu răng phải làm sao thì những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn.

1. Tổng quan về tình trạng sâu răng ở trẻ

Giai đoạn từ khi sơ sinh đến năm 12 tuổi là khi răng sữa của trẻ hình thành và phát triển. Thường thì thời điểm khi trẻ được 5 - 7 tháng tuổi sẽ là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của chiếc răng sữa đầu tiên. 24 - 30 tháng tuổi là giai đoạn trẻ sẽ mọc chiếc răng sữa cuối cùng.

Ngày nay số trẻ em bị sâu răng đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Viện Răng Hàm Mặt quốc gia cho hay, có khoảng 80% trẻ em từ 4 - 8 tuổi gặp phải tình trạng này, khoảng 91% trẻ không biết vệ sinh răng miệng đúng cách. Sâu răng có thể xảy ra tại bất kỳ loại răng nào, từ răng hàm, răng nanh hay răng cửa. Sâu răng ở trẻ được phân thành những loại sau:

  • Sâu răng hàm: đây là loại răng nằm sâu trong khoang miệng và cũng là răng cứng nhất. Nhiều phụ huynh cho rằng không nhất thiết phải chú ý đến răng sữa vì sau này chúng sẽ được thay bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên cần nhớ rằng răng số 6 thay rất sớm nên nguy cơ loại răng này bị sâu cũng rất cao;

  • Trẻ bị sâu răng viêm nướu: nướu còn được gọi là lợi răng là bộ phận mô mềm ôm lấy chân răng. Tình trạng viêm khiến phần lợi hay bị đau nhức, sưng đỏ, phần lớn chỉ ảnh hưởng bên ngoài không lan sâu vào cấu trúc dây chằng hoặc xương trong ổ răng. Tuy nhiên viêm lợi cũng khiến trẻ bị mệt mỏi, số, bỏ bữa, chán ăn;

  • Trẻ bị sâu răng vào tủy: nếu răng sâu vào tủy mà không được điều trị đúng cách, kịp thời thì sẽ khiến trẻ bị đau nhức dữ dội, phần bị sâu có thể hình thành những ổ áp xe, thậm chí là phải nhổ bỏ răng.

Trẻ rất dễ bị sâu răng sữa do nhiều nguyên nhân khác nhau

Trẻ rất dễ bị sâu răng sữa do nhiều nguyên nhân khác nhau

2. Vì sao trẻ lại dễ bị sâu răng? 

Tình trạng sâu răng ở trẻ có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

Do di truyền 

Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị sâu răng đôi khi là do điều này đã tiềm ẩn từ trước khi trẻ ra đời. Cụ thể là do tình trạng nhiễm khuẩn lây từ mẹ sang con. Nếu các mẹ bầu trong quá trình mang thai bị viêm nha chu thì sẽ làm tăng nguy cơ sinh non cao hơn bình thường. Trẻ sau này ra đời cũng dễ bị sâu răng, sứt răng, răng thiếu khoáng chất và ảnh hưởng đến sự phát triển của răng. 

Sâu răng là do mắc phải các bệnh lý về răng miệng

Nếu trẻ mắc phải những bệnh về răng miệng như viêm tủy răng, viêm nướu răng mọc lệch gây trở ngại cho quá trình vệ sinh răng miệng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu răng ở trẻ. Đặc biệt men răng sữa của trẻ em có cấu trúc yếu hơn so với răng vĩnh viễn. Vì thế răng sữa dễ bị vi khuẩn tấn công gây sâu răng.

Do thói quen ăn uống

Nếu trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ chứa nhiều carbohydrate (tinh bột và đường), điển hình là nước ngọt, bánh kẹo,... nó sẽ dính lại trên răng và chuyển hóa thành axit làm tổn thương và phá hủy men răng.

Cần lưu ý rằng hầu như trẻ nhỏ nào cũng có nguy cơ bị sâu răng nhưng những trẻ thuộc nhóm đối tượng sau thì dễ gặp phải tình trạng này hơn cả:

  • Thực đơn ăn uống chứa quá nhiều chất tinh bột và đường;

  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách;

  • Trong khoang miệng tiết ít nước bọt nhưng lượng vi khuẩn lại nhiều hơn mức bình thường.

3. Sâu răng có thể ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?

Mặc dù răng sữa sau này sẽ được thay thế bởi răng vĩnh viễn nhưng trong giai đoạn răng sữa bị sâu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ. Cụ thể:

  • Không chỉ răng sữa mới bị ảnh hưởng bởi tình trạng sâu mà nó còn tác động đến phần lợi và xương bên dưới;

  • Sâu răng khiến trẻ đau nhức, dẫn tới tâm lý biếng ăn, ăn không ngon, thậm chí là còi xương, suy dinh dưỡng;

  • Trong trường hợp sâu răng nghiêm trọng, bé có thể phải nhổ răng sớm kéo theo hệ quả là răng vĩnh viễn mọc sai vị trí. Sau này sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khung xương hàm, khó phát âm;

  • Nếu sâu răng nặng không được điều trị có thể dẫn tới hình thành áp xe răng, nhiễm trùng nướu, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu.

Sâu răng sữa có thể ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này

Sâu răng sữa có thể ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này

4. Trẻ bị sâu răng phải làm sao để hết?

4.1. Trị sâu răng cho trẻ bằng thuốc 

Nếu cha mẹ đang băn khoăn về vấn đề trẻ sâu răng phải làm sao thì có thể tìm hiểu về các loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc Enamel Pro Varnish: loại thuốc này được sản xuất tại Hoa Kỳ với thành phần chính là Flouride và ACP có công dụng lấp đầy các lỗ li ti trên bề mặt răng, tái tạo cấu trúc men răng. Loại thuốc này được rất nhiều bậc phụ huynh tin tưởng sử dụng cho trẻ nhỏ;

  • Thuốc Zymauor 0.25mg: đây là thuốc có xuất xứ từ Pháp. Trong thuốc bao gồm các thành phần như keo silica khan, vàng oxit sắt, tinh dầu bạc hà, natri clorua, magnesi stearat, sorbitol,... Chỉ sau vài lần sử dụng thuốc sẽ cho bạn thấy hiệu quả rõ rệt;

  • Thuốc Hamikea: là một loại thuốc ngừa sâu răng có nguồn gốc từ Nhật Bản, thuốc Hamikea được bào chế theo dạng chai xịt vô cùng tiện lợi, phù hợp đối với những trẻ chưa biết đánh răng. Trong thuốc chứa các hoạt chất như Ester glycerin, Polyphenol chiết xuất từ lá trà xanh và maltinol;

  • Các loại thuốc khác: viêm ngậm IgYgate DC-PG của Nhật, viêm ngậm Chuchu L8020, Sano Fluoretten, que chấm sún răng/sâu răng Enamelast,...

Trước khi dùng các thuốc trị sâu răng cho trẻ, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đi khám Nha khoa để lựa chọn được phương án điều trị phù hợp nhất. Bên cạnh việc dùng thuốc cần kết hợp với các biện pháp khác như vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ và thay đổi thói quen ăn uống sao cho hợp lý, khoa học hơn.

4.2. Đến nha khoa chữa sâu răng cho trẻ

Nhìn chung cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đi khám khi bị sâu răng. Nếu răng chưa có biểu hiện lung lay hoặc viêm nghiêm trọng thì chưa cần phải loại bỏ ngay. Bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng các phương pháp sau để khắc phục tình trạng sâu răng cho trẻ:

  • Trường hợp trẻ chớm bị sâu răng: tùy từng trường hợp cụ thể sẽ cho dùng thuốc kháng sinh khoảng 3 - 5 ngày;

  • Nếu sâu răng nặng hơn: loại bỏ những phần bị sâu và tiến hành trám răng, lấp kín những chỗ bị sâu ngăn chặn tình trạng tổn thương men răng;

  • Nếu răng sâu nghiêm trọng: có thể sẽ phải nhổ chiếc răng bị sâu để không làm ảnh hưởng đến các răng lân cận cũng như phần nướu bên dưới.

Bên cạnh can thiệp về y khoa, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý là phải thay đổi chế độ ăn uống cho trẻ ngay tại nhà, bằng cách hạn chế các món ăn chứa nhiều đường và chất ngọt. Ngoài ra hãy dạy trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày, kết hợp điều trị các bệnh về răng miệng mà trẻ đang mắc và thăm khám Nha khoa định kỳ.

Hãy đưa trẻ đi khám nha khoa khi bị sâu răng

Hãy đưa trẻ đi khám nha khoa khi bị sâu răng

Trên đây là những điều ba mẹ cần biết khi cần xử trí trước hiện tượng sâu răng ở trẻ. Nếu các bậc phụ huynh vẫn cần được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề răng miệng của trẻ, hãy liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tổng đài viên tư vấn, hỗ trợ đặt lịch khám cùng các bác sĩ tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC ngay hôm nay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.