Tin tức

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm là gì? Nguyên nhân do đâu?

Ngày 25/04/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt cao, choáng váng,... là những triệu chứng ngộ độc thực phẩm điển hình. Tình trạng này không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn trở thành nỗi ám ảnh của người bệnh khi ăn các món này vào lần sau. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu các thông tin sau đây.

1. Nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm? 

Ngộ độc thực phẩm hay trúng thực xảy ra khi một người bị nhiễm phải độc tố do ăn phải những thức ăn hay uống phải đồ uống bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Điều này cũng có thể là do các món ăn này bị ôi thiu, biến chất, hay chất bảo quản/chất phụ gia có trong thức ăn bị vượt mức cho phép.

Trường hợp triệu chứng ngộ độc thực phẩm chỉ ở mức nhẹ thì sau vài ngày tình trạng này có thể thuyên giảm. Tuy nhiên nếu nặng hơn sẽ tác động đến thể chất, tinh thần của bệnh nhân, thậm chí có thể khiến người bệnh bị tử vong nếu không được cứu chữa và xử trí kịp thời. 

Sau đây là những tác nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm:

  • Sán lá gan: loại sán này thường trú ngụ trong các món ốc, gỏi cá sống, món ăn chưa được chế biến kỹ;

  • Vi khuẩn Salmonella: đây là nguyên nhân gây bệnh thương hàn. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này thường có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, sốt, choáng váng và tiêu chảy;

  • Vi khuẩn Clostridium botulinum: được tìm thấy trong thịt cá ươn, chúng có khả năng hủy hoại hành tủy và hệ thần kinh trung ương khiến người bệnh bị tử vong nếu nhiễm phải;

  • Độc tố do tụ cầu Staphylococcus tiết ra xuất hiện trong thịt gia cầm sống, sữa có thể gây đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, buồn nôn, mạch đập nhanh,...;

  • Vi nấm Aflatoxin sản sinh ra độc tố trong các loại hạt như đậu nành, đậu phộng, hạt điều, hướng dương, hạt ngô, và các loại bột hữu cơ được làm từ những loại hạt bị nấm mốc;

  • Virus Norwalk và viêm gan A hiện diện trong các món ăn như rau sống, đồ nguội, hến, sò, ốc ở trong vùng nước bị ô nhiễm;

  • Ăn uống phải chất bảo vệ thực vật;

  • Thực phẩm chứa nhiều các kim loại nặng (thủy ngân, chì, asen, selenium);

  • Các chất bảo quản, chất phụ gia quá liều lượng hoặc bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm,...

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi một người bị nhiễm phải độc tố từ thực phẩm bị nhiễm khuẩn

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi một người bị nhiễm phải độc tố từ thực phẩm bị nhiễm khuẩn

2. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Bệnh nhân sau khi ăn những món bị nhiễm độc thì có thể xuất hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm chỉ sau vài phút hoặc vài giờ. Đôi khi điều này sẽ xảy ra sau một vài ngày khi cơ thể đã tiêu hóa hết số thực phẩm này. 

Dựa trên nguyên nhân gây ngộ độc có thể xác định được các biểu hiện của tình trạng này như sau:

  • Ngộ độc do hóa chất trong thực phẩm: triệu chứng ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra ở hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng cả ở những cơ quan khác với các biểu hiện như chóng mặt, đau đầu, trụy mạch, tim đập bất thường,...;

  • Ngộ độc do vi sinh vật gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm mốc) có trong thức ăn: bệnh nhân sẽ có dấu hiệu như khô môi, khát nước, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đổ nhiều mồ hôi, sốt,...;

  • Ngộ độc do bản thân chất độc tự nhiên từ thực phẩm: ví dụ như măng, sắn, cóc, cá nóc,... Nếu chế biến sai cách những món này có thể khiến cho người bệnh gặp phải những triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm

3. Xử trí ra sao khi bị ngộ độc thực phẩm? 

Nếu gặp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thì người bệnh nên xử trí theo những cách sau:

Gây nôn:

Nếu sau khi ăn bệnh nhân bị nôn mửa, vẫn trong trạng thái tỉnh táo thì cần phải kích thích cho bệnh nhân nôn hết thức ăn khỏi dạ dày. Có thể ép góc lưỡi của bệnh bằng ngón tay trỏ, hoặc cho bệnh nhân uống nước muối hòa tan với nước ấm cũng giúp bệnh nhân nôn ra và hạn chế được tình trạng chất độc ngấm vào cơ thể người bệnh.

Một số lưu ý khi kích thích nôn cho bệnh nhân:

  • Để bệnh nhân nằm nghiêng, phần đầu kê cao hơn tránh làm trào ngược chất độc vào phổi, điều này sẽ giúp phòng tránh nguy cơ ngạt thở và sặc gây nguy hiểm cho người bệnh;

  • Giữ lại những mẫu chất nôn hoặc mẫu thực phẩm mà người bệnh đã ăn để đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Bù nước:

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường là tiêu chảy và nôn nhiều, do đó cơ thể bệnh nhân sẽ bị mất nước nên cần phải bù nước, bù dịch kịp thời bằng oresol cho người bệnh. 

Khi dùng oresol phải pha chế theo đúng liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và bác sĩ, không nên pha quá nhiều hoặc quá ít nước. Dung dịch sau khi đã pha không được đun sôi và không nên để quá 24 tiếng. Trong trường hợp có nhiều bệnh nhân bị trúng thực cùng lúc thì phải pha riêng, không được uống chung vì có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng ngộ độc.

Đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong thời gian sớm nhất có thể: 

Nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu bất thường như rối loạn ý thức, co giật hay suy hô hấp thì không được áp dụng biện pháp kích thích nôn vì sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Thay vào đó hãy ngay lập tức đưa bệnh nhân đi cấp cứu để được những người có chuyên môn y tế điều trị.

Khi bị trúng thực bệnh nhân cần phải nôn hết chất độc ra ngoài

Khi bị trúng thực bệnh nhân cần phải nôn hết chất độc ra ngoài

4. Những cách giúp phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm 

Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân nên lựa chọn những nơi thu mua thực phẩm uy tín, chất lượng, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách, ăn uống hợp vệ sinh, nên ăn chín uống sôi, tránh ăn đồ tái sống. Cụ thể:

  • Cách lựa chọn thực phẩm: nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không biến chất, không đổi màu hay ôi thiu, còn hạn sử dụng. Ngoài ra không ăn những thực phẩm chứa chất độc như khoai tây mọc mầm, nấm lạ, cá nóc, đồ đóng hộp chưa được kiểm định, đồ nhiễm chất hóa học, phóng xạ,...;

  • Cách chế biến: vệ sinh sạch sẽ bàn tay, nguyên liệu, dụng cụ nấu nướng trước khi chế biến món ăn;

  • Cách bảo quản: thực phẩm chưa ăn đến cần được bảo quản trong tủ lạnh. Thức ăn không nên để bên ngoài quá 2 giờ, nhất là vào thời tiết nắng nóng vì dễ sinh vi khuẩn gây ôi thiu, hư thối;

  • Luôn ăn chín uống sôi: nên hạn chế ăn các món tái, đồ sống như gỏi. Chỉ nên ăn ở những khu vực được vệ sinh sạch sẽ, tránh nơi ẩm mốc, nhiều bụi bẩn,...

Có thể nói rằng hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn rất nhiều bất cập. Việc lựa chọn cho mình một nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng cũng vô cùng quan trọng. Tuân thủ những nguyên tắc trên sẽ giúp bạn hạn chế được nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm một cách hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.