Tin tức

Triệu chứng, nguyên nhân nhiễm trùng hậu sản và cách phòng ngừa

Ngày 26/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nhiễm trùng hậu sản là một trong những biến chứng thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy hiểm đến sản phụ nếu như không được điều trị sớm và đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về tình trạng này, nguyên nhân, triệu chứng, cũng như cách phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe sau sinh.

1. Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng gì?

Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng sản dịch thường xảy ra trong vòng 6 tuần sau khi sinh. Đây là một trong những tai biến sản khoa thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người mẹ.

Các hình thái nhiễm trùng hậu sản thường gặp là: 

- Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo

- Nhiễm trùng tử cung

- Viêm dây chằng rộng và phần phụ

- Viêm phúc mạc (VPM) tiểu khung

- Viêm phúc mạc toàn thể

- Nhiễm khuẩn huyết

- Viêm tắc tĩnh mạch

2. Triệu chứng nhiễm trùng hậu sản

Các triệu chứng của nhiễm trùng hậu sản có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng: 

- Sốt cao: Nếu sau sinh, nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38°C, kéo dài hơn 24 giờ, kèm theo rét run, đau đầu, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng sau sinh.

Nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38°C kéo dài hơn 24 giờ là dấu hiệu của nhiễm trùng sau sinh

Nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38°C kéo dài hơn 24 giờ là dấu hiệu của nhiễm trùng sau sinh

- Đau bụng dưới: Đau vùng bụng dưới, đặc biệt là ở khu vực tử cung, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung.

- Sản dịch bất thường: Sản dịch (chất dịch ra sau sinh) có màu hoặc mùi bất thường, thậm chí có mủ, là dấu hiệu nhiễm trùng mẹ cần chú ý.

- Đau và sưng ở vết mổ hoặc vết khâu tầng sinh môn: Nếu khu vực vết mổ hoặc tầng sinh môn sưng đỏ, có mủ, đau nhức kéo dài, đây là dấu hiệu nhiễm trùng.

- Tiểu buốt hoặc tiểu khó: Nhiễm trùng hậu sản có thể lan sang đường tiết niệu, gây ra các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu khó, hoặc thậm chí tiểu ra máu. Điều này thường gặp ở những sản phụ có quá trình sinh kéo dài hoặc sử dụng ống thông tiểu.

- Nhịp tim nhanh: Nhiễm trùng có thể gây ra sự tăng nhịp tim (trên 100 nhịp/phút) do cơ thể đang phản ứng với sự hiện diện của vi khuẩn. Nhịp tim nhanh, kết hợp với triệu chứng sốt cao và khó thở, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng huyết – một biến chứng rất nguy hiểm cần được can thiệp y tế ngay lập tức.

- Cảm giác mệt mỏi, chóng mặt: Phụ nữ sau sinh thường cảm thấy mệt mỏi, nhưng nếu tình trạng này đi kèm với các dấu hiệu nhiễm trùng, sản phụ nên đi khám sớm để được kiểm tra và hỗ trợ y tế kịp thời. 

3. Nguyên nhân nhiễm trùng hậu sản

Trong quá trình sinh thường hoặc sinh mổ, tử cung và các cơ quan khác có thể bị tổn thương. Những tổn thương này là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng.

- Thiết bị y tế không vô trùng: Trong một số trường hợp, nếu các thiết bị y tế không được vô trùng kỹ càng, vi khuẩn có thể lây lan trong quá trình chăm sóc sản phụ.

- Vệ sinh sau sinh kém: Vệ sinh chăm sóc không đúng cách sau sinh, đặc biệt là vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.

- Sức đề kháng suy yếu: Phụ nữ sau sinh thường có hệ miễn dịch yếu hơn, khiến cơ thể dễ dàng bị nhiễm trùng hơn nếu không chăm sóc cẩn thận.

4. Biến chứng nguy hiểm do nhiễm trùng gây nên

Nhiễm trùng hậu sản có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Các hình thái nhiễm trùng thường gặp bao gồm:

- Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo: Thường do khâu tầng sinh môn sai cách. Triệu chứng bao gồm sốt nhẹ, vết khâu sưng tấy, có thể có mủ. Nếu điều trị sớm, mẹ có thể hồi phục tốt.

- Viêm cơ tử cung: Nhiễm khuẩn toàn bộ cơ tử cung, có thể gây viêm phúc mạc và nhiễm trùng máu. Biểu hiện điển hình gồm sốt cao, sản dịch mùi hôi. Tiên lượng phụ thuộc vào chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Viêm niêm mạc tử cung: Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm tử cung toàn bộ và các biến chứng khác. Triệu chứng bao gồm sốt xuất hiện sau sinh 2-3 ngày, sản dịch hôi, tử cung co hồi chậm.

Nhiễm trùng hậu sản có thể phát triển nhanh chóng, gây ra nhiều biến chứng

Nhiễm trùng hậu sản có thể phát triển nhanh chóng, gây ra nhiều biến chứng

- Viêm dây chằng rộng và phần phụ: Xuất hiện muộn từ 8-10 ngày sau sinh, với triệu chứng sốt cao và tình trạng nhiễm trùng toàn thân. Điều trị cần kháng sinh và theo dõi chặt chẽ.

- Viêm phúc mạc tiểu khung: Là biến chứng thứ phát từ nhiễm trùng ở tử cung và các bộ phận khác. Triệu chứng điển hình là sốt cao, đau bụng dưới, và các dấu hiệu nhiễm trùng. Cần điều trị kịp thời càng sớm càng tốt.

- Viêm phúc mạc toàn bộ: Có thể do mổ lấy thai không vô khuẩn hoặc sót rau. Triệu chứng của viêm phúc mạc toàn bộ là sốt cao, khó thở, và tình trạng nhiễm độc. Điều trị cần sự can thiệp phẫu thuật kịp thời.

- Nhiễm khuẩn huyết: Là hình thái nặng nhất, với các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt mỏi toàn thân và dấu hiệu của các ổ nhiễm khuẩn thứ phát. Cần được phát hiện kịp thời và chữa trị sớm vì có nguy cơ tử vong cao.

Do đó, việc nhận biết và điều trị nhiễm trùng hậu sản ngay từ giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.

5. Cách phòng ngừa nhiễm trùng hậu sản

Phòng ngừa nhiễm trùng hậu sản là một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe của sản phụ. Một số biện pháp là:

- Vệ sinh cá nhân đúng cách: Sau sinh, phụ nữ cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vùng sinh dục. Thay băng vệ sinh thường xuyên, vệ sinh với nước sạch hàng ngày để giảm thiểu tối đa nhiễm trùng.

- Chăm sóc vết thương theo chỉ dẫn: Nếu sinh mổ hoặc sinh thường có cắt tầng sinh môn, sản phụ cần chăm sóc vết thương cẩn thận theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh để vết thương nhiễm trùng.

- Khám định kỳ sau sinh đầy đủ: Sau khi xuất viện, sản phụ cần tuân thủ các lịch hẹn tái khám để bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nếu có.

Sau khi xuất viện, sản phụ cần khám định kỳ sau sinh đầy đủ

Sau khi xuất viện, sản phụ cần khám định kỳ sau sinh đầy đủ

- Sử dụng thuốc theo chỉ định: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng, đặc biệt đối với sản phụ sinh mổ. Sản phụ tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.

- Chủ động nâng cao sức đề kháng: Sau sinh, sản phụ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý để giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng và tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt, đau bụng, dịch sản có mùi hôi hoặc đau nhức vết mổ, cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Nếu bạn hoặc người thân đang có những dấu hiệu của nhiễm trùng hậu sản hoặc muốn tìm hiểu thêm về cách chăm sóc sức khỏe sau sinh, hãy liên hệ ngay với Hệ thống y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ