Tin tức

Tủy răng bị thối: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 01/12/2023
Nguyễn Thị Hồng
Tủy răng bị thối không chỉ gây ra nhiều khó chịu mà còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và có khả năng biến chứng nguy hiểm. Vậy bị thối tủy răng do đâu? Tác hại như thế nào? Điều trị và phòng ngừa thối tủy bằng cách nào? Câu trả lời cho những thắc mắc này sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.

1. Tủy răng bị thối là gì? 

Tủy răng bị thối là tình trạng tủy răng bị nhiễm trùng hoặc hoại tử không còn khả năng hồi phục. Thối tủy răng là giai đoạn cuối của bệnh viêm tủy dẫn đến nhiều vấn đề gây khó chịu như đau nhức, hôi miệng,… làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

Thối tủy răng là tình trạng nhiễm trùng hoặc hoại tử phần tủy của răng

Thối tủy răng là tình trạng nhiễm trùng hoặc hoại tử phần tủy của răng

2. Các triệu chứng thường gặp khi tủy răng bị thối

Khi có hiện tượng thối tủy răng, người bệnh thường gặp những triệu chứng bao gồm:

       Đau nhức là triệu chứng đầu tiên và bất kỳ ai bị thối tủy răng cũng gặp phải. Cơn đau có thể diễn biến từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy theo mức độ nhiễm trùng và tổn thương bên trong.

       Răng và men răng đổi màu, thường sẫm màu hơn các răng bình thường do máu không đủ để cung cấp nuôi dưỡng răng. Ban đầu là màu vàng sau đó chuyển sang xám và cuối cùng là đen.

       Răng mất cảm giác và không phản ứng với các tác động như gõ, ăn thức ăn nóng, lạnh.

       Hơi thở và bên trong khoang miệng có mùi hôi khó chịu do tủy răng thối.

       Nướu có triệu chứng viêm, loét hoặc áp xe chân răng.

       Màng nha chu quanh răng sưng đỏ.

3. Tủy răng bị thối do đâu?

Thối có thể do bệnh lý hoặc tác động từ bên ngoài.

Bệnh lý 

Người bị các bệnh lý răng miệng như viêm tủy răng, sâu răng, răng bị nứt nẻ, gãy, vỡ,… nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và thối tủy.

Những tác động từ bên ngoài 

Thối tủy răng còn có thể do những tác động từ bên ngoài bao gồm:

       Tai nạn hoặc chấn thương trong quá trình chơi thể thao, sinh hoạt, làm việc, điều khiển phương tiện giao thông.

       Những va chạm mạnh khiến chân răng và xương ổ răng bị yếu.

       Các cuộc phẫu thuật điều trị xâm lấn trên răng để lại di chứng. 

 Thối tủy răng sẽ dẫn đến tình trạng đau nhức dữ dội

Thối tủy răng sẽ dẫn đến tình trạng đau nhức dữ dội

4. Những tác hại khi tủy răng bị thối 

Thối tủy răng có thể gây ra những tác hại sau:

Ăn uống khó khăn

Ảnh hưởng rõ ràng nhất khi xảy ra tình trạng thối tủy răng là cản trở vấn đề ăn uống do các cơn đau nhứt, ê buốt. Tình trạng kéo dài khiến ăn uống kém, bệnh nhân sụt kí, rối loạn tiêu hóa.

Mất ngủ

Thối tủy răng dẫn đến những cơn đau nhức âm ĩ hoặc dữ dội và nặng hơn về đêm dẫn đến mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Tình trạng này nếu không khắc phục sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, thiếu tập trung trong công việc.

Áp xe ổ xương răng

Thổi tủy răng sẽ đi kèm với những vấn đề như viêm tủy, viêm nướu, viêm quanh chóp răng,… dẫn đến áp xe ổ xương răng. Những trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể biến chứng làm biến dị xương hàm. Trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp. 

Mất răng

Những trường hợp răng bị thối tủy nghiêm trọng có thể lan đến xương dẫn đến tiêu xương và mất răng. Ngoài ra, khi răng không có khả năng phục hồi, bác sĩ cũng sẽ chỉ định nhổ răng để ngăn ngừa tình trạng lan rộng và biến chứng.

Răng bị thối tủy có thể dẫn đến tiêu xương và làm mất răng

Răng bị thối tủy có thể dẫn đến tiêu xương và làm mất răng

Nhiễm trùng máu

Biến chứng nguy hiểm nhất của tình trạng thối tủy răng là nhiễm trùng máu. Răng bị thối tủy là ổ vi khuẩn, nếu không loại bỏ làm lây lan sang những khu vực khác trong khoang miệng và có thể đi vào máu dẫn đến nhiễm trùng. Nếu tình trạng này không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

5. Cách điều trị tủy răng bị thối

Tùy theo từng trường hợp mà biện pháp điều trị thối tủy răng cũng sẽ khác nhau.

       Những trường hợp tủy răng thối nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định lấy tủy răng và trám bít ống tủy đồng thời khuyến cáo bệnh nhân bọc sứ để bảo vệ răng, tăng tuổi thọ và cải thiện chức năng nhai.

       Những trường hợp tủy răng thối nặng và không còn khả năng phục hồi hoặc lung lay, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để tránh tình trạng biến chứng. Ngoài ra, để tránh tình trạng tiêu xương, bác sĩ cũng sẽ tư vấn bệnh nhân trồng răng mới để thay thế răng đã nhổ bỏ. Hiện nay, trồng răng Implant là một trong những giải pháp hiệu quả nhờ tuổi thọ cao và không làm hư tổn những răng xung quanh.

6. Hướng dẫn phòng ngừa tủy răng bị thối

Để phòng ngừa trường hợp tủy răng bị thối dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bạn có thể tham khảo những biện pháp dưới đây.

Vệ sinh răng miệng đúng cách 

Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thối tủy răng. Khi vệ sinh răng miệng, bạn cần lưu ý:

       Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày sáng và tối.

       Thao tác đánh theo chiều dọc từ trên xuống và bên trong trước rồi mới đến phần ngoài.

       Sử dụng bàn chải có đầu mềm, thay bàn chải từ 3 - 4 tháng/lần.

       Có thể sử dụng tăm nước hoặc chỉ nha khoa để hỗ trợ làm sạch các mảng bám, thức ăn trong kẽ răng.

       Ưu tiên lựa chọn kem đánh răng có hoạt chất Fluoride giúp chống lại vi khuẩn gây sâu răng đồng thời bảo vệ men răng.

       Súc miệng bằng nước muối hàng ngày để làm sạch và sát khuẩn khoang miệng. 

Chế độ dinh dưỡng

Để đảm bảo răng miệng luôn chắc khỏe thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường hoặc có tính acid cao, nước uống có gas, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá,… để bảo vệ men răng. Đồng thời, tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, nhất là canxi, vitamin D để giúp răng luôn khỏe mạnh. 

Ngoài những cách trên thì đừng quên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 2 lần/năm. Thông qua kiểm tra, bác sĩ sẽ sớm phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng và từ đó lên phương án điều trị hiệu quả.

 Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 2 lần/năm để sớm phát hiện bệnh lý

Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 2 lần/năm để sớm phát hiện bệnh lý

Nếu bạn có biểu hiện bất thường hoặc xuất hiện triệu chứng nghi ngờ tủy răng bị thối, hãy liên hệ ngay với các bác sĩ thuộc Hệ thống Nha khoa MedDental – MEDLATEC thông qua hotline: 1900 4000 66 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ