Tin tức
U sụn xương: Triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
- 11/03/2025 | Mũi xương ức nhô cao: 5 điều cần biết
- 17/03/2025 | Người bị suy tủy xương sống được bao lâu và những lưu ý trong điều trị
- 20/03/2025 | Cách bấm huyệt Phong Thị giúp giảm đau nhức xương khớp nhanh chóng
- 20/03/2025 | Cường cận giáp: Điều cần biết để bảo vệ sức khỏe xương và tuyến nội tiết
- 31/03/2025 | Người bị ung thư xương sống được bao lâu và tỷ lệ sống theo từng giai đoạn
1. Khái quát về u sụn xương
U sụn xương hình thành khi phần sụn và phần xương tại phần đầu xương hoặc phần sụn tăng trưởng quá nhanh, loại u này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào. Trong đó, xương dài như xương đùi, xương cánh tay hoặc cẳng tay, xương chày,... là một số vị trí dễ xuất hiện các khối u.
Nhìn chung, đây là dạng tổn thương lành tính, ít gây biến chứng nguy hiểm. Người từ 10 đến 20 tuổi là đối tượng dễ bị u sụn xương. Tỷ lệ xuất hiện dạng u này ở cả nam giới và nữ giới không quá chênh lệch.
Trẻ em hoặc thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ cao bị u sụn xương
Khối u sụn xương thường phát triển đơn lẻ hoặc phát triển theo dạng đa u với màu trắng đặc trưng, hầu như không di truyền. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của u sụn xương.
Trong phần lớn trường hợp, người bị u sụn xương không cần phải can thiệp y tế nhưng vẫn cần được theo dõi. Trường hợp khối u phát triển quá lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như vận động hằng ngày, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp can thiệp y tế cần thiết.
2. Triệu chứng có thể xuất hiện
Khi phần sụn hoặc phần xương phát triển quá mức, dẫn đến sự hình thành của các khối u, người bệnh có thể biểu hiện một vài triệu chứng như:
- Cảm nhận hoặc sờ thấy khối u liền xương nhưng chưa gây đau trong thời gian đầu.
- Cảm thấy đau tại phần cơ bắp gần với khối u.
- Chiều cao của trẻ bị u sụn xương có thể sẽ thấp hơn bạn bè cùng trang lứa.
- Hai bên tay hoặc hai bên chân không cân đối, bên dài bên ngắn hoặc bên cao bên thấp.
- Bên tay hoặc bên chân xuất hiện khối u thường bị biến dạng (cong, vẹo).
Khối u đôi khi sẽ khiến phần cơ bắp xung quanh bị đau
Thực tế, không phải lúc nào người bị u sụn xương cũng biểu hiện đầy đủ những triệu chứng trên. Ở một số người, dấu hiệu cảnh báo đôi khi sẽ hơi khác. Triệu chứng của dạng u lành tính này dễ bị nhầm với nhiều bệnh khác. Tốt nhất, nếu nhận thấy có biểu hiện lạ thì bạn nên đi bác sĩ thăm khám.
3. Biến chứng của u sụn xương
U sụn xương không phải dạng u ác tính. Chúng hiếm khi gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động. Trong một số trường hợp, khối u sẽ gây suy giảm chức năng khớp.
Trong phần lớn trường hợp, u sụn xương thường không gây biến chứng nguy hiểm
Ngoài ra, các u tế bào kích thước lớn hay u sụn có khả năng gây chảy máu tại phần mô mềm. Nhiều khối u sụn cũng có thể tiến triển sang dạng ác tính. Chính vì vậy, khi được chẩn đoán bị u sụn xương, người bệnh cần thận trọng theo dõi biểu hiện của cơ thể, thăm khám định kỳ để kiểm tra sự phát triển của khối u, thực hiện biện pháp can thiệp kịp thời trong trường hợp cần thiết.
4. Chẩn đoán
Triệu chứng ở người bị u sụn xương khá giống với một số bệnh lý khác. Do đó bên cạnh kiểm tra lâm sàng, thăm hỏi tiền sử bệnh lý, bác sĩ thường chỉ định thêm những phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác. Chẳng hạn như:
- Chụp X-quang: Kỹ thuật này hỗ trợ khá đắc lực bác sĩ trong quá trình xác định vị trí, kích thước của các khối u.
- Chụp cắt lớp vi tính: Cung cấp hình ảnh rõ nét hơn về từng khối u. Nếu nghi ngờ khối u phát triển tại các vị trí khó chẩn đoán như xương sườn, xương bả vai,... bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán loại trừ u sụn xương với dạng tổn thương khác.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Đây cũng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương xương cũng như phần mô mềm lân cận.
Chụp X-quang cho phép bác sĩ xác định vị trí cũng như kích thước khối u
5. Điều trị
U sụn xương không phải lúc nào cũng gây nguy hiểm cho cơ thể. Người bệnh vẫn có thể sống chung với những khối u này. Việc can thiệp điều trị cần được bác sĩ dựa vào nhiều yếu tố, cụ thể là:
- Tuổi tác của người bệnh.
- Thể trạng và tiền sử bệnh lý.
- Tốc độ phát triển của khối u nhanh hay chậm, kích thước khối u đã lớn hay chưa.
- Khả năng đáp ứng điều trị trong từng trường hợp.
- Mong muốn của người bệnh trong và sau quá trình điều trị.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị dựa theo tình hình thực tế của khối u. Chẳng hạn như vị trí, kích thước khối u sụn xương, mức độ xâm lấn của khối u, số lượng các khối u. Trong đó, một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định là:
- Phẫu thuật loại bỏ khối u.
- Sử dụng các loại thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng, nhất là khi khối u bắt đầu gây đau.
Trường hợp cần can thiệp phẫu thuật, bác sĩ thường thực hiện khi bệnh nhân đã đến tuổi trưởng thành. Bởi khi đó, khối u bị loại bỏ sẽ không còn khả năng tái phát.
Nếu khối u đã lớn, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật
Nếu chưa biểu hiện triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân không nhất thiết phải điều trị. Tuy vậy, người bệnh vẫn cần tái khám định kỳ.
Như vậy, có thể thấy rằng trong thời gian đầu phát triển, khối u gần như không biểu hiện triệu chứng. Phần lớn người bệnh chỉ phát hiện khi khối u đã lớn, gây đau hoặc thông qua thăm khám định kỳ. Để chủ động phát hiện sớm, can thiệp điều trị kịp thời, mọi người nên duy trì lịch khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Trường hợp nghi ngờ bị u sụn xương, không nên chủ quan mà hãy tìm đến những địa chỉ y tế uy tín như chuyên khoa Cơ xương khớp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu cần đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
