Tin tức

Viêm lỗ chân lông ở tay: nguyên nhân, nhận biết và hướng xử trí

Ngày 01/07/2023
Lương Thanh Thủy
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Những biểu hiện viêm lỗ chân lông ở tay khiến làn da đánh mất đi vẻ đẹp mịn màng tự nhiên, làm người bệnh tự ti khi giao tiếp và gặp khó khăn trong lựa chọn trang phục hàng ngày. Vậy tình trạng này là do đâu và nên làm gì để sớm khôi phục tổn thương, giúp da trở lại như bình thường? Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu bài viết sau đây để có câu trả lời.

1. Viêm lỗ chân lông ở tay: nguyên nhân và cách nhận biết

1.1. Nguyên nhân gây ra viêm lỗ chân lông ở tay

Viêm lỗ chân lông ở tay (viêm nang lông) là tình trạng các tác nhân xấu bên ngoài như nấm, vi khuẩn,... tấn công và gây viêm nhiễm nang lông. Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy cho sự tấn công này gồm:

Lỗ chân lông bị bít tắc là một trong các nguyên nhân dẫn đến viêm lỗ chân lông ở tay

Lỗ chân lông bị bít tắc là một trong các nguyên nhân dẫn đến viêm lỗ chân lông ở tay

- Thời tiết nóng bức hoặc rối loạn nội tiết làm da tiết nhiều bã nhờn khiến cho lỗ chân lông bị bít tắc.

- Sử dụng phương pháp làm sạch lông tay sai cách khiến cho nang lông bị tổn thương.

- Dùng mỹ phẩm kém chất lượng gây kích ứng và khiến cho lớp màng bảo vệ tự nhiên của da bị suy yếu nên dễ bị tác nhân xấu tấn công.

- Thường xuyên mặc đồ bó sát, chất liệu không thoáng mát khiến di bị ẩm ướt.

- Vệ sinh da kém sạch sẽ, da không được tẩy tế bào chết thường xuyên.

- Điều kiện môi trường sống kém vệ sinh, ô nhiễm.

- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý: ăn quá nhiều đồ dầu mỡ, uống nước có ga, ăn nhiều đồ ngọt,...

1.2. Các dấu hiệu nhận biết viêm lỗ chân lông ở tay

Không ít người nhầm lẫn viêm lỗ chân lông ở tay với các bệnh lý da liễu khác nên không biết mình mắc bệnh viêm nang lông, điều trị sai cách khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng. Để nhận diện viêm lỗ chân lông ở tay bạn có thể căn cứ vào một số dấu hiệu như:

- Da cánh tay có các nốt sần đỏ phân bố lẻ tẻ khắp bề mặt da hoặc tập trung thành từng mảng lớn, đỏ ửng.

- Lông tay không mọc thẳng như bình thường mà hay mọc ngược, bị xoắn lại hoặc chìm bên dưới da.

- Da tay hay bị khô, ngứa, rát.

- Có các mụn mủ to trên bề mặt da khiến cho nhiều vùng da tay bị đau nhức, sưng tấy. Dấu hiệu này chứng tỏ viêm lỗ chân lông ở tay đã chuyển biến nghiêm trọng.

2. Xử trí như thế nào khi bị viêm lỗ chân lông ở tay?

2.1. Chăm sóc da tại nhà

Viêm lỗ chân lông ở tay không phải là hiện tượng hiếm gặp và về cơ bản không quá khó khắc phục. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ thì có thể chăm sóc da tại nhà bằng cách:

Tay bị viêm lỗ chân lông luôn cần được vệ sinh sạch sẽ

Tay bị viêm lỗ chân lông luôn cần được vệ sinh sạch sẽ

- Luôn chú ý vệ sinh da tay sạch sẽ, đảm bảo khô thoáng bằng cách dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm thông thường để làm sạch da cánh tay.

- Không để cho ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị viêm trong bất cứ hoàn cảnh nào.

- Không được sờ, nặn và tìm cách làm vỡ các nốt mụn bên trên da do viêm lỗ chân lông vì điều này dễ làm cho tổn thương lan rộng, dễ bị nhiễm trùng.

- Không cào gãi làm trầy xước vùng da bị viêm vì điều này sẽ khiến cho viêm nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, việc điều trị sau đó trở nên phức tạp.

- Tuyệt đối không dùng sản phẩm chăm sóc da nào chứa thành phần gây kích ứng da. Thay vào đó nên chọn lựa để dùng sản phẩm chứa thành phần tự nhiên, dùng riêng cho người bị viêm lỗ chân lông.

- Đảm bảo mỗi ngày uống đủ 2 lít nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây vì đây là nguồn cung cấp vitamin rất tốt cho sức khỏe của da, giúp hàn gắn tổn thương da để da sớm được hồi phục.

2.2. Can thiệp y tế trị viêm lỗ chân lông ở tay

Nếu tình trạng viêm lỗ chân lông ở tay sau 2 tuần không có chuyển biến hay thấy xuất hiện các nốt mủ trắng, da khô ráp và sần sùi hơn, mụn nước trên tay vỡ ra làm chảy dịch ra ngoài,... thì nên đến gặp bác sĩ da liễu ngay để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị bệnh hiệu quả.

Để hỗ trợ điều trị viêm lỗ chân lông ở tay, các phương pháp thường được áp dụng gồm:

Bị viêm lỗ chân lông ở tay lâu ngày nên khám bác sĩ da liễu để tìm hướng điều trị

Bị viêm lỗ chân lông ở tay lâu ngày nên khám bác sĩ da liễu để tìm hướng điều trị

- Kem bôi ngoài da

Với những người bị viêm lỗ chân lông ở tay mức độ nhẹ bác sĩ thường kê đơn thuốc bôi ngoài da chứa thành phần Axit Salicylic hoặc Benzoyl Peroxide. Thuốc sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng viêm nhiễm ở da sau khoảng 4 - 8 tuần.

- Thuốc uống trị viêm nang lông

Nếu các triệu chứng của viêm lỗ chân lông ở tay diễn tiến phức tạp thì bác sĩ có thể cân nhắc dùng:

+ Thuốc kháng sinh: nhằm ức chế hoạt động của tác nhân gây bệnh, giảm viêm. Có trường hợp cần dùng đồng thời kháng sinh đường bôi và đường uống trong khoảng 2 tháng mới khỏi được tình trạng viêm nhiễm.

+ Thuốc tác động tới hormone hoặc thuốc tránh thai: gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất dầu trên da, nhờ đó kiểm soát được tình trạng viêm lỗ chân lông. Việc dùng thuốc cần khoảng 3 - 4 tháng mới thấy chuyển biến rõ rệt.

+ Isotretinoin: thuốc có tác dụng khá mạnh nên bác sĩ sẽ cân nhắc tùy từng trường hợp cụ thể mới đưa ra chỉ định.

- Tiểu phẫu

Với một số trường hợp viêm lỗ chân lông ở tay không hiệu quả với thuốc, diễn tiến nặng hơn, bác sĩ có thể tiến hành tiểu phẫu loại bỏ ổ viêm để ngăn chặn bệnh tiến triển.

- Điều trị laser

Đây là biện pháp điều trị viêm lỗ chân lông ở tay bằng công nghệ cao, không gây đau đớn, loại bỏ triệt để tác nhân gây bệnh, giữ an toàn cho da và không để lại sẹo sau điều trị. Tia laser với bước sóng phù hợp sẽ loại bỏ tế bào chết trên da, loại bỏ bã nhờn và vi khuẩn gây viêm lỗ chân lông để giúp da lấy lại độ đàn hồi và vẻ láng mịn, săn chắc vốn có.

Nội dung bài viết trên đây hy vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích đối với khách hàng trong quá trình tìm hiểu về bệnh viêm lỗ chân lông ở tay. Nếu cần trợ giúp y tế để chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý này, quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng bác sĩ da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ