Tin tức
Viêm màng ngoài tim: Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả
- 29/03/2023 | Tầm soát bệnh lý tim mạch bởi chuyên gia đầu ngành chỉ từ 920K
- 14/04/2023 | Khám tim mạch cần khám những gì và các vấn đề liên quan
- 08/06/2023 | Khám tim mạch chuẩn bị những gì? Nên khám ở đâu?
- 01/10/2023 | Một số xét nghiệm tim mạch quan trọng bạn nên biết
- 23/08/2024 | CCS tim mạch (hội chứng động mạch vành mạn): triệu chứng và hướng phòng ngừa hiệu quả
1. Viêm màng ngoài tim là gì?
Màng ngoài tim, hay còn gọi là pericardium, là một lớp màng mỏng bao bọc và bảo vệ tim. Màng ngoài tim có hai lớp: một lớp trong mỏng dính sát với tim và một lớp ngoài dày hơn. Khi lớp màng ngoài tim này bị viêm, tình trạng này gọi là viêm màng ngoài tim. Viêm có thể làm cho các lớp của màng ngoài tim ma sát với nhau, gây ra cơn đau ngực dữ dội, khó thở, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng ngoài tim.
Viêm màng ngoài tim có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc diễn biến kéo dài (mạn tính). Bệnh có thể xuất hiện một lần duy nhất hoặc tái phát nhiều lần, tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của bệnh nhân.
Viêm ngoài màng tim gây nguy hiểm cho sức khỏe, cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời
2. Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim
- Nhiễm trùng
Các nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm màng ngoài tim. Nhiễm trùng có thể do virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng. Trong đó, virus là tác nhân phổ biến nhất, với các loại virus như cúm, viêm gan, HIV, hoặc herpes simplex virus. Bên cạnh đó, các nhiễm khuẩn như Streptococcus hoặc Staphylococcus cũng có thể gây viêm màng ngoài tim.
- Cơn nhồi máu cơ tim
Sau một cơn nhồi máu cơ tim, màng ngoài tim có thể bị viêm do sự tổn thương cơ tim. Đây là một nguyên nhân quan trọng, đặc biệt trong những trường hợp viêm màng ngoài tim diễn ra sau nhồi máu cơ tim.
- Bệnh tự miễn
Các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Crohn có thể dẫn đến tình trạng viêm màng ngoài tim. Khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào mô khỏe mạnh của cơ thể, bao gồm cả màng ngoài tim, gây viêm và tổn thương.
- Chấn thương hoặc phẫu thuật
Những chấn thương vùng ngực hoặc sau phẫu thuật tim mạch cũng có thể gây viêm màng ngoài tim. Điều này xảy ra khi các mô và màng ngoài tim bị tác động, gây tổn thương và viêm.
- Suy thận mạn tính
Các bệnh lý như suy thận hoặc các rối loạn chuyển hóa có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim. Tình trạng này thường xảy ra khi các chất thải trong cơ thể không được lọc ra ngoài một cách hiệu quả, gây tích tụ dịch và viêm tại màng ngoài tim.
3. Triệu chứng viêm ngoài màng tim
Các triệu chứng của bệnh này có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau ngực
Đây là triệu chứng phổ biến và thường gặp nhất. Cơn đau thường có cảm giác nhói, rát và có thể tăng lên khi bệnh nhân hít vào sâu hoặc thay đổi tư thế. Đau ngực có thể kéo dài và cảm giác như có sự chèn ép trong lồng ngực.
Đau ngực là triệu chứng phổ biến của người bị viêm ngoài màng tim
- Khó thở
Người bệnh có thể cảm thấy khó thở hoặc thở ngắn, đặc biệt khi nằm xuống. Tình trạng này có thể làm tăng cảm giác mệt mỏi và làm giảm chất lượng cuộc sống.
- Sốt nhẹ
Viêm màng ngoài tim có thể gây ra sốt nhẹ kèm theo cảm giác ớn lạnh. Đây là phản ứng của cơ thể đối với viêm nhiễm.
- Mệt mỏi
Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến khi cơ thể đang phải chiến đấu với tình trạng viêm nhiễm, đồng thời năng suất làm việc của tim bị suy giảm khiến người bệnh cảm thấy yếu ớt, không đủ năng lượng để thực hiện các công việc hàng ngày.
- Ho khan và đau ngực khi ho
Một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng ho khan và đau ngực khi ho, điều này thường là kết quả của sự cọ xát giữa các lớp màng ngoài tim.
4. Chẩn đoán viêm màng ngoài tim
Để chẩn đoán viêm màng ngoài tim, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra lâm sàng. Các phương pháp phổ biến bao gồm:
- Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ nghe tim và phổi của bệnh nhân bằng ống nghe (stethoscope) để phát hiện tiếng cọ xát giữa các lớp màng ngoài tim.
- Siêu âm tim
Siêu âm tim (echocardiogram) là phương pháp quan trọng giúp bác sĩ kiểm tra tình trạng của màng ngoài tim. Phương pháp này cho phép nhìn thấy sự tích tụ dịch trong màng ngoài tim hoặc dấu hiệu của viêm.
- Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm máu giúp phát hiện dấu hiệu viêm trong cơ thể, chẳng hạn như mức độ CRP (C-reactive protein) và tốc độ lắng máu (ESR). Những chỉ số này thường tăng cao khi có viêm.
Xét nghiệm tổng phân tích máu, xét nghiệm vi sinh để xác định nguyên nhân gây bệnh, xét nghiệm miễn dịch nếu nghi ngờ nguyên nhân do bệnh tự miễn.
- Chụp CT - MRI ngực
Chụp CT hoặc MRI ngực giúp xác định kích thước của tim và tìm dấu hiệu tràn dịch màng ngoài tim, một biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
CT ngực giúp phát hiện tràn dịch ngoài màng tim.
5. Điều trị viêm màng ngoài tim hiệu quả
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Các thuốc chống viêm thường được sử dụng để giảm viêm và đau. Những loại thuốc này giúp giảm cơn đau ngực và làm dịu các triệu chứng viêm.
- Kháng sinh và thuốc kháng virus
Nếu nguyên nhân gây bệnh là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, bác sĩ sẽ chỉ định các loại kháng sinh hoặc thuốc kháng virus để điều trị.
- Thuốc giảm đau
Paracetamol và các thuốc giảm đau khác có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau và làm giảm khó chịu.
- Phẫu thuật
Trong trường hợp dịch tích tụ quá nhiều trong màng ngoài tim (tràn dịch màng ngoài tim), bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để rút dịch hoặc cắt bỏ phần màng ngoài tim bị viêm.
- Điều trị các bệnh lý nền
Nếu viêm màng ngoài tim là kết quả của một bệnh lý khác như lupus hay viêm khớp dạng thấp, điều trị các bệnh lý này sẽ giúp kiểm soát viêm màng ngoài tim.
6. Phòng ngừa viêm màng ngoài tim
Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:
- Điều trị sớm các bệnh lý nhiễm trùng: Khi mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm phổi, hãy điều trị kịp thời để tránh gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
- Giữ vệ sinh cơ thể: Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Điều trị các bệnh lý nền: Kiểm soát các bệnh tự miễn hoặc các bệnh lý về tim mạch có thể giúp giảm nguy cơ mắc viêm màng ngoài tim.
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau ngực, khó thở, và mệt mỏi, hãy liên hệ tới Hotline 1900 56 56 56 để được bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa MEDLATEC tư vấn và đặt lịch khám chữa bệnh.
Chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa MEDLATEC quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ phát hiện và điều trị các bệnh lý tim mạch hiệu quả.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!