Tin tức
Viêm mào tinh hoàn ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
- 26/01/2021 | Viêm mào tinh hoàn uống thuốc gì và những câu hỏi thường gặp
- 06/02/2025 | Viêm mào tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
- 21/04/2025 | Viêm mào tinh hoàn ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
- 31/10/2023 | Trẻ bị tinh hoàn ẩn: Nguyên nhân, điều trị và cách chăm sóc
1.Viêm mào tinh hoàn ở trẻ em là gì?
Mào tinh hoàn là bộ phận sinh dục quan trọng, có dạng hình ống nhỏ cuộn lại và nằm ở vị trí phía sau tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn là tình trạng nhiễm trùng dẫn đến viêm một hoặc hai bên tinh hoàn, gây sưng, đau và khó chịu cho trẻ. Bệnh có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Viêm mào tinh hoàn ở trẻ không phổ biến như người lớn, bao gồm 2 loại chính là viêm mào tinh hoàn cấp tính và viêm mào tinh hoàn mạn tính. Chúng được phân theo diễn biến bệnh, với mỗi loại sẽ có đặc điểm hình thái riêng. Cụ thể:
- Viêm mào tinh hoàn cấp tính: Tình trạng này thường diễn ra đột ngột với các triệu chứng điển hình như sốt, đau, sưng bìu. Nguyên nhân dẫn đến viêm mào tinh hoàn cấp tính phần lớn là do nhiễm trùng hoặc biến chứng quai bị, thường gặp ở nhóm trẻ độ tuổi 5 - 10 tuổi. Bệnh cần được điều trị sớm, đúng cách để hạn chế biến chứng không mong muốn.
- Viêm mào tinh hoàn mạn tính: Là tình trạng viêm kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần, triệu chứng âm ỉ và không điển hình. Bệnh thường gặp ở nhóm trẻ độ tuổi dưới 5 tuổi hoặc trẻ có bệnh lý nền liên quan.
2.Triệu chứng viêm mào tinh hoàn
Nhận biết chính xác triệu chứng viêm mào tinh hoàn sẽ giúp ba mẹ chủ động hơn trong việc đưa con đi khám, hỗ trợ quá trình điều trị cho kết quả tốt. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của bệnh:
- Đau hoặc sưng đỏ vùng bìu: Bên tinh hoàn bị viêm sẽ có triệu chứng đau, sưng đỏ và gây khó chịu cho trẻ.
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao: Trẻ bị viêm mào tinh hoàn có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, cơ thể mệt mỏi, quấy khóc.
- Tiểu buốt, tiểu rắt: Trường hợp viêm do nhiễm trùng tiểu, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rắt, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của con.
- Tinh hoàn bị đỏ hoặc nóng: Vùng da bìu có thể nóng hoặc đỏ lên.
- Trẻ quấy khóc: Với những trẻ chưa biết nói, ba mẹ nên chú ý đến cử chỉ và hành động của con. Trẻ có thể quấy khóc nhiều hơn, kém ăn hoặc lăn lội khi thay tã hoặc cử động.
Trẻ bị viêm mào tinh hoàn có thể bị sốt cao hoặc sốt nhẹ
3.Nguyên nhân viêm mào tinh hoàn ở trẻ em
Viêm mào tinh hoàn ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể liên quan đến các yếu tố như nhiễm trùng đường tiểu, biến chứng quai bị, chấn thương vùng kín, sự xâm nhập của vi khuẩn E.coli và dị tật bẩm sinh đường tiết niệu. Dưới đây là thông tin chi tiết:
- Nhiễm trùng đường tiểu: Vi khuẩn từ bàng quang hoặc niệu đạo đi ngược lên mào tinh hoàn, khu trú và gây tình trạng viêm. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm mào tinh hoàn ở trẻ em.
- Biến chứng quai bị: Virus quai bị sau khi tấn công tuyến nước bọt có thể lan đến tinh hoàn và gây viêm. Viêm mào tinh hoàn do quai bị có thể làm teo biểu mô mầm và giảm khả năng sinh tinh, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này nếu không được điều trị kịp thời.
- Chấn thương vùng kín: Chấn thương vùng kín do té ngã hay va đập mạnh sẽ làm tổn thương mào tinh hoàn và gây viêm.
- Xâm nhập của vi khuẩn E.coli: Đây là loại vi khuẩn thường gặp trong nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em.
- Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu: Với những trẻ không may bị dị tật bẩm sinh đường tiết niệu sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn và gây viêm mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn.
Viêm mào tinh hoàn ở trẻ em do vi khuẩn E.coli
4. Viêm mào tinh hoàn có nguy hiểm không?
Viêm mào tinh hoàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể khỏi hoàn toàn và không để lại bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào. Tuy nhiên, nếu để kéo dài hoặc điều trị không đúng cách có thể gây ra một số bệnh lý liên quan khác như:
- Teo tinh hoàn: Tinh hoàn và mào tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, mất khả năng sinh tinh và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản.
- Áp xe bìu: Tình trạng viêm kéo dài dễ hình thành áp xe bìu, gây đau đớn và cần can thiệp phẫu thuật.
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này: Viêm mào tinh hoàn tái đi tái lại nhiều và không được điều trị đúng cách sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng sau này.
5. Biện pháp phòng tránh viêm mào tinh hoàn ở trẻ em
Ba mẹ có thể phòng tránh viêm mào tinh hoàn cho trẻ bằng một số biện pháp sau:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín: Ba mẹ cần chú ý làm sạch cẩn thận vùng kín cho trẻ, đặc biệt là khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho con.
- Tiêm phòng quai bị đầy đủ: Đây là biện pháp đơn giản và mang lại hiệu quả phòng bệnh viêm mào tinh hoàn tốt nhất.
- Cẩn thận khi chơi thể thao: Ba mẹ nên hướng dẫn con tránh va đập mạnh vào vùng hạ bộ khi chơi thể thao để không gây tổn thương vùng kín và làm tăng nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn.
- Theo dõi và đưa trẻ đi thăm khám nếu có dấu hiệu bất thường: Nếu trẻ có các dấu hiệu như đỏ vùng bìu, sốt, khó chịu vùng kín,.. ba mẹ nên đưa con đi thăm khám bác sĩ để phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp.
Ba mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu có dấu hiệu bất thường
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh viêm mào tinh hoàn ở trẻ em. Bệnh thường gặp ở trẻ độ tuổi 2 - 12 tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: nhiễm trùng đường tiểu, biến chứng quai bị, vi khuẩn E. coli và dị tật bẩm sinh đường tiết niệu. Viêm mào tinh hoàn có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này, vì vậy ngay khi con có các dấu hiệu như sưng, đau bìu kèm sốt, ba mẹ nên đưa con tới thăm khám bác sĩ.
Nếu ba mẹ có bất kỳ câu hỏi liên quan, hãy liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
