Tin tức
Viêm sụn sườn: Triệu chứng lâm sàng và phương pháp chẩn đoán
- 02/07/2024 | Đau vùng hạ sườn trái cảnh báo những bệnh lý nào?
- 31/01/2024 | Giải phẫu xương sườn và khám phá chức năng của loại xương này
- 01/01/2024 | Paget ở xương là bệnh gì? Có thể chữa được không?
1. Viêm sụn sườn là bệnh gì?
Sụn sườn là phần sụn nối giữa xương sườn và xương ức. Viêm sụn sườn là tình trạng viêm đau xảy ra tại vùng sụn sườn. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau ngực nhưng lại dễ nhầm lẫn với cơn đau ngực trong bệnh tim và phổi.
Viêm sụn sườn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến hơn ở người trưởng thành và cao tuổi. Đại đa số trường hợp mắc bệnh do tự phát. Đôi khi viêm sụn sườn cũng có thể là kết quả của chấn thương, nhiễm khuẩn, hoặc các bệnh lý tự miễn.
Viêm sụn sườn thường được nhắc đến cùng với viêm sụn ức nhưng đây là hai tình trạng khác nhau. Viêm sụn sườn gây đau tại vùng sụn nối giữa xương sườn và xương ức mà không có sưng hay đỏ da. Ngược lại, viêm sụn ức lại gây đau kèm sưng đỏ vùng sụn ức.
Hình ảnh mô phỏng vị trí sụn sườn
2. Triệu chứng của bệnh viêm sụn sườn
2.1. Đau ngực dọc theo sụn sườn
Đau ngực là triệu chứng không thể bỏ qua đối với bệnh viêm sụn sườn, nhất là vùng trước ngực - nơi sụn sườn kết nối với xương ức. Đau do viêm sụn sườn thường chỉ tập trung vào một bên ngực, tính chất đau thành từng cơn đợt hoặc kéo dài. Mức độ đau có thể từ nhẹ đến rất nặng, có lúc nhói và đau như dao cắt.
Đau ngực do viêm sụn sườn thường tăng lên khi người bệnh vận động, nhất là khi cử động cánh tay hoặc vai. Cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn nếu người bệnh cười lớn, ho, hít thở sâu.
2.2. Đau khi ấn vào vùng sụn sườn
Cảm giác đau ở người bệnh tăng lên rõ rệt khi ấn vào khu vực sụn sườn bị viêm. Khi dùng tay ấn nhẹ vào vùng ngực bị đau sẽ có cảm giác đau buốt mạnh. Đây cũng là triệu chứng giúp phân biệt viêm sụn sườn với các bệnh lý tim mạch hoặc phổi.
2.3. Đau theo nhịp thở
Do hít thở sâu người bệnh thường đau dữ dội hơn nên khi thở người bệnh sẽ thấy rất khó chịu. Họ có thể tự hạn chế hít thở sâu để giảm cơn đau từ đó gặp tình trạng khó thở và hụt hơi. Tuy nhiên, triệu chứng này thường không nghiêm trọng và không liên quan đến chức năng hô hấp.
2.4. Đau lan sang vùng khác
Trong một số trường hợp, cơn đau từ viêm sụn sườn có thể lan sang vùng vai hoặc cánh tay, gây cảm giác tê hoặc khó chịu. Điều này có thể khiến nhiều người nhầm lẫn với các triệu chứng đau thắt ngực do bệnh tim mạch.
2.5. Cảm thấy khó chịu khi thay đổi tư thế
Khi đột ngột chuyển đổi tư thế hoặc di chuyển, cơn đau viêm sụn sườn trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, người bệnh cảm thấy khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như ngồi, đứng, hoặc nằm. Người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn khi cố gắng giữ cơ thể ở tư thế ít gây đau nhất.
Bệnh nhân bị viêm sụn sườn không chỉ đau khi ấn vào sụn sườn mà còn đau khi đột ngột đổi tư thế
3. Chẩn đoán viêm sụn sườn bằng cách nào?
Chẩn đoán viêm sụn sườn thường là chẩn đoán loại trừ. Điều này có nghĩa là bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để loại trừ các tình trạng khác nghiêm trọng hơn trước khi chẩn đoán viêm sụn sườn.
3.1. Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ sờ ngực và xương sườn của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ còn thực hiện thao tác ấn ngực để bác sĩ quan sát mức độ nhạy cảm của bệnh nhân và xác định vị trí gây đau mạnh nhất. Ngoài ra, bác sĩ cũng kiểm tra thân mình bệnh nhân để tìm các dấu hiệu chấn thương hoặc tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng nghi ngờ viêm sụn sườn.
3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu
Dù xét nghiệm máu không trực tiếp giúp chẩn đoán viêm sụn sườn nhưng lại rất hữu ích trong việc kiểm tra nhiễm trùng và loại trừ các nguyên nhân gây viêm khác:
+ Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Phát hiện sự hiện diện của nhiễm khuẩn hoặc tình trạng viêm trong cơ thể.
+ Tốc độ lắng máu ESR và CRP: Bệnh tự miễn.
- Chụp X-quang ngực
Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện tổn thương ở xương sườn, xương ức và vùng ngực. Tuy X-quang không hiển thị rõ viêm sụn sườn nhưng hình ảnh thu được giúp loại trừ các bệnh lý khác cũng gây đau ngực như gãy xương, nhiễm trùng xương.
- Chụp CT-Scanner
Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về các mô mềm xung quanh xương sườn và sụn.
- Chụp MRI
Xác định tình trạng viêm ở sụn để chẩn đoán chính xác viêm sụn sườn.
- Siêu âm
Siêu âm ngực đặc biệt hữu ích trong việc xác định các bất thường nhỏ ở mô mềm mà các phương pháp khác có thể bỏ sót.
- Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ là xét nghiệm đo lường hoạt động điện của tim và có thể phát hiện các bất thường như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim. Nếu điện tâm đồ bình thường và không có dấu hiệu của bệnh tim, khả năng cao là cơn đau ngực có nguồn gốc từ viêm sụn sườn hoặc các nguyên nhân cơ xương khớp khác.
Chụp X-quang ngực giúp bác sĩ loại trừ bệnh lý cũng gây nên triệu chứng gần giống với viêm sụn sườn
Nếu bạn có triệu chứng đau ngực kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác. Đặc biệt, khi đau ngực đi kèm với các triệu chứng bất thường như khó thở, chóng mặt thì không nên trì hoãn thăm khám vì có thể liên quan đến bệnh lý tim mạch.
Tuy bệnh viêm sụn sườn tương đối lành tính nhưng nếu không điều trị sớm, cơn đau trong bệnh lý này dễ kéo dài, gây giảm sút nghiêm trọng đối với sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Chỉ khi được nhận diện và chẩn đoán đúng, điều trị từ sớm thì triệu chứng của bệnh mới được ngăn chặn, nguy cơ tái diễn viêm nhiễm mới được loại bỏ.
Quý khách hàng cần thăm khám, chẩn đoán viêm sụn sườn chính xác, nhanh chóng, hãy liên hệ đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!