Tin tức
Viêm thanh quản ở trẻ em: Cách điều trị và phòng ngừa bệnh
- 17/06/2022 | Viêm thanh quản nên kiêng ăn gì để mau khỏi?
- 29/09/2022 | 6 câu hỏi thường gặp về viêm thanh quản
- 08/03/2023 | Viêm thanh quản cấp và cách phòng ngừa
- 11/07/2024 | Bị viêm thanh quản uống thuốc gì? Cách dùng như thế nào?
1. Phân loại viêm thanh quản ở trẻ em
Bệnh viêm thanh quản rất phổ biến và có thể xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Đây là tình trạng viêm niêm mạc ở thanh quản. Nếu những biểu hiện bệnh xảy ra khoảng dưới 3 tuần thì được gọi là viêm thanh quản cấp tính. Nếu triệu chứng bệnh kéo dài hơn 3 tuần thì được đánh giá viêm thanh quản mạn tính. Ở cấp độ bệnh mạn tính, nếu trẻ không được điều trị sớm có thể gây ra quá sản, teo niêm mạc thanh quản.
Khàn tiếng, khó thở có thể là do trẻ bị viêm thanh quản
Ngoài ra, nếu dựa vào những đặc điểm của bệnh, có thể thành 4 loại viêm thanh quản ở trẻ em như sau:
- Viêm thanh quản thanh môn: Dạng bệnh này chủ yếu gặp ở nhóm đối tượng từ 1 đến 3 tuổi. Những biểu hiện bệnh thường xảy ra vào ban đêm, thường gặp ở những trẻ đang mắc viêm mũi họng thông thường. Những triệu chứng này thường xuất hiện từ từ và sau đó trẻ đột nhiên cảm thấy khó thở thanh quản.
- Viêm thanh quản co thắt: Là những trẻ bị sưng, viêm vùng hạ họng. Co thắt thanh quản là nguyên nhân khiến trẻ có những biểu hiện khó thở, nhất là lúc nửa đêm đến sáng.
- Viêm thanh thiệt: Sụn nhỏ dưới đáy lưỡi được gọi là thanh thiệt, có nhiệm vụ ngăn chặn thức ăn đi vào khí quản. Viêm thanh thiệt hay viêm nắp thanh quản xảy ra khi thanh thiệt của trẻ bị sưng nề, trẻ bị nuốt đau, khó thở và tiết nhiều nước bọt. Khi nằm ngửa, trẻ sẽ cảm thấy khó thở hơn.
2. Nguyên nhân gây viêm thanh quản ở trẻ em
Bệnh viêm thanh quản ở trẻ em thường do một số nguyên nhân trực tiếp như các loại virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm thanh quản, có thể kể đến như:
Trẻ hay la hét dễ bị viêm thanh quản
- Trẻ đang mắc một số bệnh về đường hô hấp, điển hình là viêm mũi xoang, viêm amidan, hay nguy hiểm hơn là viêm phổi,...
- Trẻ thường xuyên nói to hoặc la hét.
- Trẻ bị trào ngược họng thanh quản.
- Trẻ vui chơi và học tập trong môi trường sống ô nhiễm, có chứa nhiều khói thuốc lá, thuốc lào,...
- Thời tiết quá lạnh, thay đổi nhiệt độ thất thường,...
3. Triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em
Những triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em khá đa dạng, có thể ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, cha mẹ nên thường xuyên quan sát, theo dõi những vấn đề sức khỏe bất thường ở trẻ để kịp thời thăm khám. Dưới đây là những triệu chứng bệnh ở trẻ mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua:
- Trẻ nhỏ bị viêm thanh quản thường có biểu hiện quấy khóc, mệt mỏi.
- Trẻ bị khàn tiếng hoặc thở rít.
- Sốt.
- Khó thở: Tuy nhiên, tùy theo thể bệnh mà mức độ khó thở của trẻ có thể khác nhau. Đối với những trường hợp nhẹ, trẻ chỉ ho và khàn tiếng. Ở mức độ trung bình, trẻ thường thở nhanh và thở rít ngay cả khi nằm yên. Đối với những trường hợp bệnh nặng, trẻ khó thở, vật vã, tím tái, tắc nghẽn hô hấp, rất nguy hiểm và cần được can thiệp kịp thời
4. Điều trị viêm thanh quản ở trẻ em
Tùy vào tình trạng của trẻ mà phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau. Với những trường hợp trẻ bị viêm thanh quản nhưng không có biểu hiện khó thở, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ không được nói nhiều, nói to và chú trọng việc giữ ấm cho trẻ.
Cha mẹ nên cho con uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Phương pháp điều trị viêm thanh quản ở trẻ em chủ yếu là nội khoa. Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với trẻ. Một số loại thuốc thường được kê đơn như thuốc kháng sinh, giảm viêm, giảm ho, tiêu đờm,... hoặc điều trị tại chỗ bằng một số loại thuốc như thuốc giảm viêm, men tiêu viêm,...Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên bổ sung dinh dưỡng và bổ sung điện giải cho con, đồng thời kết hợp nâng cao sức đề kháng để trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Nếu trẻ có biểu hiện khó thở thanh quản độ I, bác sĩ điều trị chủ yếu bằng các loại thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc, viêm thanh quản có hạt xơ dây thanh, người bệnh khó thở thanh quản mức độ II, III bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật.
5. Phòng ngừa viêm thanh quản ở trẻ em
Để hạn chế nguy cơ mắc viêm thanh quản cho trẻ, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh cho con bằng một số cách như sau:
- Chú trọng đến việc giữ ấm cho trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.
- Không cho trẻ tiếp xúc với những bệnh nhân đang mắc các bệnh về đường hô hấp, không cho trẻ vui chơi ở môi trường có nhiều khói thuốc lá.
- Chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ để giúp con tăng cường sức đề kháng, phòng tránh bệnh tật hiệu quả.
- Nếu thấy con có những biểu hiện nghi ngờ bệnh ở vùng họng, mũi xoang, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm để được điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng.
Phụ huynh cần cho trẻ đi khám khi con có biểu hiện bất thường
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm thanh quản ở trẻ em, đặc biệt là về cách nhận biết và điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo. Để đảm bảo trẻ được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hiệu quả, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế đáng tin cậy.
Để được giải đáp thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sớm cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, đội ngũ tổng đài viên sẽ tư vấn và hướng dẫn chi tiết cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!