Tin tức
Xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn không: Giải đáp chi tiết
- 15/07/2024 | Giảm mỡ máu bằng thuốc cholesterol: thận trọng khi sử dụng
- 31/12/2023 | Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là đáng lo ngại?
- 31/01/2024 | Gan nhiễm mỡ có hết không? Làm sao để kiểm soát tình trạng mỡ máu?
1. Xét nghiệm mỡ máu: vai trò và đối tượng cần thực hiện
Xét nghiệm mỡ máu giúp kiểm tra nồng độ của 4 chất béo trong máu: Cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, cholesterol HDL và Triglycerides.
Xét nghiệm mỡ máu giúp:
- Phát hiện sớm các rối loạn về cholesterol và triglycerides trong máu - yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch. Nhờ đó người bệnh có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Theo dõi sức khỏe của người có vấn đề về mỡ máu để điều chỉnh phác đồ điều trị hoặc thay đổi thói quen sống.
- Gián tiếp phát hiện một số bệnh lý có liên quan như: đái tháo đường, tăng HA,...
Xét nghiệm mỡ máu cần thiết đối với các trường hợp:
- Trung niên tuổi trở lên.
- Người trên 20 tuổi (định kỳ nên xét nghiệm mỡ máu 4 - 6 năm/lần), có lối sống lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo.
- Người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tiểu đường,.., hoặc tiền sử gia đình có bệnh lý tim mạch.
- Người bị béo phì hoặc duy trì lối sống không lành mạnh trong thời gian dài.
Khách hàng xét nghiệm mỡ máu tại MEDLATEC
2. Bệnh nhân làm xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn hay không?
2.1. Vì sao cần nhịn ăn khi làm xét nghiệm mỡ máu?
Xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn không là câu hỏi quen thuộc của những bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm này. Muốn giải đáp được, người bệnh cần hiểu được ảnh hưởng của việc ăn uống đối với kết quả xét nghiệm.
Thực phẩm tiêu thụ vào cơ thể trước khi làm xét nghiệm mỡ máu có thể làm thay đổi nồng độ chất béo trong máu, đặc biệt là cholesterol và triglycerides. Đặc biệt, thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng, thịt mỡ, da gà, da vịt, thức ăn nhanh,… sẽ làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. Điều này có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm và không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của người bệnh.
2.2. Xét nghiệm mỡ máu yêu cầu nhịn ăn trong bao lâu?
Trong các trường hợp sau, xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn đói tối thiểu 10 giờ và tối đa 14 giờ (tránh quá lâu sẽ thay đổi chuyển hóa năng lượng làm tăng triglycerides):
2.2.1. Xét nghiệm lipid máu
Để đảm bảo độ chính xác của các mỡ máu, đặc biệt là cholesterol và triglycerides, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm lipid máu. Thời gian nhịn ăn tối thiểu 9 - 12 giờ.
2.2.2. Xét nghiệm cholesterol toàn phần
Chỉ số cholesterol toàn phần có thể được đo mà không cần nhịn ăn, tuy nhiên, để có kết quả chính xác nhất, các chuyên gia vẫn khuyến nghị nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm này. Việc ăn uống, đặc biệt là những bữa ăn chứa nhiều chất béo, có thể làm thay đổi tạm thời chỉ số cholesterol LDL và HDL, gây ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.
Xét nghiệm mỡ máu cần nhịn đói 10 - 14 giờ
3. Những điều cần ghi nhớ khi xét nghiệm mỡ máu
Người bệnh không cần quá hoang mang về vấn đề xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn không vì với trường hợp cần thiết bác sĩ sẽ dặn dò kỹ về vấn đề này. Trong trường hợp này, người bệnh cần:
- Nhịn ăn đủ thời gian
Người làm xét nghiệm mỡ máu được yêu cầu nhịn ăn cần nhịn tối thiểu 10 - 14 giờ trước khi làm xét nghiệm. Đây là khoảng thời gian cần thiết để cơ thể ổn định và đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ bữa ăn.
- Uống đủ nước
Người bệnh chỉ cần nhịn ăn và vẫn có thể uống nước lọc trong suốt thời gian nhịn ăn. Việc uống nước sẽ giúp tránh được tình trạng mệt mỏi và giữ cho cơ thể đủ nước, tránh gặp các vấn đề như chóng mặt hay mất sức trước khi làm xét nghiệm.
- Không dùng đồ uống có cồn
Tối thiểu 24 giờ trước khi làm xét nghiệm mỡ máu cần dừng sử dụng đồ uống có cồn hoặc có gas. Đây là tác nhân dễ làm tăng triglycerides trong máu, khiến kết quả xét nghiệm dễ bị sai lệch.
- Giảm căng thẳng
Một số chỉ số trong máu bao gồm cả chỉ số cholesterol có thể tăng tạm thời khi căng thẳng. Vì vậy, trước khi lấy mẫu xét nghiệm mỡ máu, người bệnh hãy cố gắng thư giãn để không bị căng thẳng.
4. Có thể kiểm soát, giảm nguy cơ tăng mỡ máu bằng cách nào?
Giảm mỡ máu vừa phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch vừa tránh được các biến chứng nguy hiểm do tăng mỡ máu. Muốn làm được điều này, mỗi người cần tự giúp mình:
- Xây dựng lại chế độ ăn
+ Hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa và cholesterol như mỡ động vật, thịt đỏ, đồ chiên rán trong chế độ dinh dưỡng.
+ Tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như yến mạch, rau xanh, đậu và trái cây.
+ Ưu tiên các nguồn chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, cá hồi, cá thu, quả bơ và các loại hạt.
- Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và nên duy trì 5 ngày mỗi tuần với các bài tập phù hợp với điều kiện thể trạng. Hoạt động thể chất giúp tăng HDL và giảm LDL, giảm triglyceride.
- Thay đổi lối sống
+ Không hút thuốc lá để tránh nguy cơ giảm HDL và gây tổn thương mạch máu.
+ Hạn chế đồ uống có cồn, có gas bởi uống nhiều có thể làm tăng triglyceride.
- Dùng thuốc theo chỉ định
Với trường hợp mỡ máu cao khó kiểm soát, bác sĩ có thể kê thuốc điều trị. Người bệnh nên thực hiện theo chỉ định này và khám định kỳ để kiểm soát ổn định tình trạng mỡ máu.
Xét nghiệm mỡ máu đều đặn là cách phòng ngừa hiệu quả nguy cơ tăng mỡ máu
Như vậy, với câu hỏi: xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn không thì câu trả lời là đại đa số trường hợp làm xét nghiệm này cần nhịn ăn 10 - 14 giờ trước khi xét nghiệm. Việc nhịn ăn đúng giúp các bác sĩ thu được kết quả chính xác hơn.
Để có câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn không, người bệnh hãy hỏi trực tiếp bác sĩ chuyên khoa.
Quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm mỡ máu có thể đến trực tiếp các chi nhánh trực thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC hoặc liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!