Các tin tức tại MEDlatec

Ăn 1 chén cơm bao nhiêu calo? Bí quyết kiểm soát khẩu phần để giảm cân

Ngày 02/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Thị Nhi
“Ăn 1 chén cơm bao nhiêu calo?” là câu hỏi khiến nhiều người đang giảm cân băn khoăn trước mỗi bữa ăn. Nhiều người lo sợ ăn cơm sẽ làm tăng cân, nên chọn cách cắt giảm hoặc bỏ hoàn toàn cơm khỏi thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên, thực tế việc ăn cơm có tăng cân không còn phụ thuộc vào cách bạn chọn loại cơm, khẩu phần ăn và cách kết hợp thực phẩm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về năng lượng trong 1 chén cơm và hướng dẫn cách ăn cơm mà vẫn giảm cân hiệu quả.

1. Ăn 1 chén cơm bao nhiêu calo?

1 chén cơm bao nhiêu calo còn phụ thuộc vào từng loại gạo và cách chế biến. Dưới đây là mức calo trung bình của từng loại: 

  • Cơm trắng (gạo tẻ thường): Khoảng 130 - 150 calo/chén (tương đương 100g). 
  • Cơm gạo lứt: Khoảng 110 - 120 calo/chén, chứa nhiều chất xơ giúp tăng cảm giác no lâu hơn. 
  • Cơm nếp: Khoảng 200 - 250 calo/chén, chứa nhiều tinh bột hơn so với các loại cơm thông thường. 
  • Cơm chiên: Khoảng 250 - 300 calo/chén, do được chế biến cùng các nguyên liệu như dầu, mỡ, bơ, trứng, xúc xích, khiến hàm lượng calo tăng cao hơn so với cơm trắng thông thường. 

Ngoài ra, kích thước chén cũng ảnh hưởng đến mức năng lượng nạp vào. Một chén cơm đầy có thể có năng lượng gấp đôi so với chén nhỏ dùng để ăn kiêng. 

2. Ăn cơm có làm tăng cân không?

Ăn cơm có thể làm tăng cân, nếu bạn ăn quá nhiều, ăn kết hợp với thức ăn giàu chất béo và không có chế độ tập luyện phù hợp. 

Cơm là món ăn giàu tinh bột, nếu nạp dư năng lượng so với nhu cầu cơ thể, lượng calo dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích trữ tại các vùng như bụng, đùi, bắp tay hoặc lưng dưới. Không riêng gì cơm, với bất kỳ loại thực phẩm nào, nếu bạn không điều chỉnh lượng ăn phù hợp với nhu cầu cơ thể, đều có thể gây tăng cân.

Vậy làm sao để hạn chế tình trạng này? Để tránh tăng cân, bạn cần có kế hoạch kiểm soát khẩu phần và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Khi ăn cơm với lượng vừa đủ, kết hợp với rau xanh, đạm nạc và duy trì thói quen vận động mỗi ngày, bạn vẫn có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả. 

Ngược lại, việc bỏ cơm hoàn hoàn toàn khỏi thực đơn không phải lựa chọn tối ưu, bởi nó có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Ăn cơm có thể làm tăng cân, nếu bạn ăn quá nhiều, thiếu kiểm soát và không có chế độ tập luyện phù hợp

3. Cách ăn cơm mà vẫn giảm cân hiệu quả 

Bạn lo lắng ăn cơm có thể làm tăng cân? Với những mẹo nhỏ dưới đây, bạn vẫn có thể ăn cơm mỗi ngày mà không lo ảnh hưởng đến quá trình giảm cân. 

Kiểm soát khẩu phần ăn 

Mỗi bữa, bạn chỉ nên ăn khoảng ½ đến 1 chén cơm và nên dùng chén nhỏ thay vì chén cơm thông thường để “đánh lừa” cảm giác. Lưu ý, bạn không nên ăn thêm cơm nếu đã đủ năng lượng từ những thực phẩm khác. Điều này giúp bạn giữ được vóc dáng cân đối, thon gọn mà không phải kiêng cơm hoàn toàn. 

Ngoài ra, bạn cần lưu ý ăn chậm, nhai kỹ cơm giúp no nhanh, giảm lượng ăn vào.

Ưu tiên chọn loại gạo tốt cho sức khỏe 

Gạo lứt, yến mạch hoặc gạo lứt nảy mầm là những loại gạo có giá trị năng lượng thấp, rất phù hợp cho những người đang trong quá trình giảm cân. Đồng thời, chúng chứa nhiều chất xơ, giúp bạn no lâu và giảm đáng kể cảm giác thèm ăn

Chọn cách chế biến đơn giản

Nên ăn cơm nấu bình thường thay vì ăn cơm chiên, xối mỡ, cơm trộn sốt béo.

Kết hợp với đạm và rau xanh

Bạn nên ăn cơm cùng với thịt nạc, ức gà, trứng, cá, đậu phụ để cân bằng dưỡng chất dinh dưỡng. Ngoài ra, bạn cần tăng khẩu phần rau xanh trong thực đơn mỗi ngày để bổ sung chất xơ, nước, vitamin và khoáng chất, giúp làm đầy dạ dày mà lại rất ít calo.

Trong bữa ăn, việc ăn rau xanh và thực phẩm giàu đạm trước khi ăn cơm sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu tinh bột, giúp ổn định đường huyết và giảm cảm giác thèm ăn.

Nên kết hợp ăn cơm với đạm và rau xanh để cân bằng dinh dưỡng

Tránh ăn cơm vào buổi tối

Sau 7 giờ tối, bạn nên hạn chế ăn cơm vì lúc này cơ thể ít vận động và dễ tích mỡ. 

Chế độ tập luyện hợp lý

Ngoài chế độ ăn, tập luyện thể dục mỗi ngày cũng là điều mà bạn cần chú ý. Bạn nên bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe hoặc tập cardio cường độ thấp để hỗ trợ đốt cháy calo, nâng cao sức khoẻ mà không gây áp lực cho cơ thể. 

Như vậy, bằng việc áp dụng những mẹo trên, bạn hoàn toàn có thể yên tâm ăn cơm mà không làm ảnh hưởng đến quá trình giảm cân của mình. 

4. Hệ lụy từ việc giảm cân bằng cách cắt cơm hoàn toàn

Thực tế, khá nhiều người hiện nay lựa chọn cắt cơm hoàn toàn khỏi chế độ ăn với hy vọng giảm lượng calo nạp vào để tăng hiệu quả giảm cân. Đây là một nhận định sai lầm, vô tình gây ảnh hưởng đến sức khoẻ chính bản thân. Hệ luỵ từ việc giảm cân bằng cắt cơm hoàn toàn bao gồm: 

  • Thiếu năng lượng và mệt mỏi: Tinh bột là nguồn năng lượng chính cho hoạt động của não bộ và cơ thể. Khi thiếu chất dinh dưỡng này, bạn sẽ rơi vào tình trạng uể oải, mất tập trung và cáu gắt. 
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá: Bỏ cơm hoàn toàn có thể gây rối loạn hệ tiêu hoá, dễ táo bón. 
  • Giảm khối cơ, tăng nguy cơ tăng cân trở lại: Khi thiếu tinh bột, cơ thể có xu hướng lấy năng lượng từ cơ bắp, làm giảm khối cơ, ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất và hiệu quả đốt mỡ. Sau khi quay lại ăn cơm bình thường, bạn có thể tăng cân nhanh hơn trước. 

Nếu cắt bỏ cơm hoàn toàn sẽ dẫn đến thiếu năng lượng và mệt mỏi

Như vậy, bài viết trên đây đã giúp giải đáp chi tiết thắc mắc “1 chén cơm bao nhiêu calo”. Trung bình, 1 chén cơm khoảng 130 - 150 calo. Cơm không phải nguyên nhân chính gây tăng cân, mà nằm ở chính cách bạn ăn và tổng năng lượng nạp vào. Thay vì loại bỏ cơm hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn, bạn hãy học cách ăn cơm khoa học để giảm cân hiệu quả mà vẫn bảo đảm sức khỏe, năng lượng và sự thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Từ khoá: mệt mỏi thèm ăn

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.