Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh Alzheimer có chữa được không? Có thể điều trị bằng phương pháp nào?
- 28/10/2024 | Bệnh Alzheimer ở người trẻ tuổi gây nên ảnh hưởng gì?
- 12/12/2024 | Bệnh Alzheimer sống được bao lâu? Cách kéo dài thời gian sống cho người bệnh
- 01/08/2023 | Cách cải thiện trí nhớ cho người hay quên ai cũng làm được
1. Bệnh Alzheimer: Những thông tin khái quát
1.1. Nguyên nhân mắc bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer xảy ra khi các tế bào não bị hủy hoại dần khiến chức năng nhận thức suy giảm. Ban đầu, bệnh thường có triệu chứng nhẹ nhưng sẽ nghiêm trọng dần và cản trở lớn đến quá trình thực hiện hoạt động sống của người bệnh.
Các yếu tố khiến cho một người có nguy cơ cao đối với bệnh lý này gồm:
- Lão hóa do tuổi tác: Thường gặp ở độ tuổi trên 65.
- Di truyền: Gia đình có người thân bị Alzheimer thì bệnh cũng có nguy cơ gặp phải ở thế hệ kế tiếp.
- Các yếu tố môi trường và lối sống: Chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động thể chất hoặc stress kéo dài có thể tác động tiêu cực đến não bộ và hình thành bệnh Alzheimer.
1.2. Triệu chứng giúp nhận diện người mắc bệnh Alzheimer
- Giai đoạn nhẹ
+ Người bệnh thường quên các thông tin mới, các sự kiện mới diễn ra.
+ Khó khăn trong việc giao tiếp: Người bệnh gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ để giao tiếp, diễn đạt suy nghĩ của mình, nói chuyện không mạch lạc.
+ Rối loạn tư duy và quyết định: Khả năng suy nghĩ và ra quyết định của người bệnh bị suy giảm.
- Giai đoạn nặng
+ Mất khả năng nhận thức: Người bệnh không nhận ra được người thân, không nhớ được các sự kiện trong quá khứ.
+ Khó khăn trong việc chăm sóc bản thân: Người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân trong hoạt động ăn uống, vệ sinh cá nhân, di chuyển.
+ Thay đổi hành vi: Người bệnh dễ bị bối rối, cáu gắt, trở nên hung hăng do không kiểm soát được cảm xúc.
Mô phỏng triệu chứng gặp phải ở bệnh nhân Alzheimer
2. Bệnh Alzheimer có chữa được không?
2.1. Thực tế về khả năng chữa khỏi bệnh Alzheimer
Với vấn đề bệnh Alzheimer có chữa được không, hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh lý này. Các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu tập trung vào việc làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp gia đình người bệnh kiểm soát tốt yếu tố nguy hại cho sự sống của người bệnh:
2.2. Phương pháp điều trị bệnh Alzheimer
2.2.1. Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc hiện nay được phê duyệt chủ yếu tập trung vào việc làm giảm triệu chứng suy giảm trí nhớ và hành vi ở bệnh nhân Alzheimer.
- Chất ức chế cholinesterase
Một số loại thuốc giúp tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine trong não sẽ được sử dụng như: Donepezil, Rivastigmine,... Thuốc khiến cho quá trình suy giảm trí nhớ bị chậm lại, cải thiện khả năng giao tiếp xã hội ở giai đoạn nhẹ và trung bình của bệnh.
- Memantine
Đây là loại thuốc nhắm vào việc điều chỉnh hoạt chất glutamate trong não. Thuốc giúp bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tổn thương do bị kích thích quá mức, chủ yếu dùng cho bệnh nhân ở giai đoạn trung bình và nặng.
- Thuốc giảm các triệu chứng hành vi
+ Thuốc chống trầm cảm: Được sử dụng để điều trị các triệu chứng trầm cảm, lo âu và kích động ở bệnh nhân Alzheimer.
+ Thuốc an thần: Dành cho những bệnh nhân có hành vi gây rối hoặc ảo giác.
Sử dụng thuốc theo phác đồ của bác sĩ có ý nghĩa quan trọng đối với kiểm soát các triệu chứng liên quan đến hành vi của bệnh nhân Alzheimer. Trong quá trình sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần được người thân và bác sĩ giám sát cẩn thận.
2.2.2. Điều trị không dùng thuốc
Đối với vấn đề bệnh Alzheimer có chữa được không có một số phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng sẽ được áp dụng:
- Bài tập dành cho não bộ
Người bệnh Alzheimer được khuyến khích nên tham gia các trò chơi trí tuệ giúp cải thiện khả năng ghi nhớ và nhận thức như: Sudoku, chơi cờ,... Ngoài ra, người thân cũng nên khuyến khích bệnh nhân nhớ lại những kỷ niệm cũ bằng cách sử dụng hình ảnh, âm nhạc hoặc vật dụng quen thuộc để kiểm soát tiến triển triệu chứng bệnh Alzheimer.
- Hoạt động thể chất
Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu lên não, có thể giúp cải thiện chức năng não bộ. Người thân, bạn bè hãy cố gắng động viên và đồng hành để người bệnh thực hiện tốt các bài tập thể chất.
- Tăng tương tác xã hội
Nên khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động xã hội để họ cảm thấy gắn kết, giảm cô đơn và duy trì khả năng giao tiếp.
- Tư vấn tâm lý
Sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh và gia đình dễ dàng hơn trong quá trình đối mặt với các thay đổi về cảm xúc và tinh thần của bệnh nhân.
Tập luyện trí não giúp kiểm soát suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân Alzheimer
3. Cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân Alzheimer như thế nào?
Sự hỗ trợ tích cực của gia đình và cộng đồng sẽ giúp cho cuộc sống sinh hoạt của người bệnh trở nên dễ dàng hơn.
Người bệnh cần được duy trì một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất có thể bảo vệ não bộ khỏi sự suy giảm trí nhớ nhanh chóng. Lối sống lành mạnh với việc tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và giảm stress sẽ góp phần quan trọng đối với cải thiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer.
Người bệnh được bác sĩ giải thích bệnh Alzheimer có chữa được không và hướng dẫn phương pháp điều trị
Thay vì lo lắng tìm hiểu xem bệnh Alzheimer có chữa được không, gia đình bệnh nhân hãy nỗ lực đồng hành, giúp người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ để làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, những phương pháp điều trị mới vẫn đang được nghiên cứu, bệnh nhân và người nhà có thể hy vọng về tín hiệu tích cực cho việc chữa trị bệnh Alzheimer trong tương lai.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể liên hệ đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!