Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh cườm mắt là gì và hướng dẫn chăm sóc sau điều trị bệnh
- 02/07/2024 | Mổ cườm mắt bao lâu thì khỏi và cách giúp mắt nhanh hồi phục
- 25/06/2024 | Cách chữa đau mắt đỏ giúp bệnh mau khỏi, tránh biến chứng
- 27/06/2024 | Một số loại thuốc nhỏ mắt chữa đục dịch kính cho bạn tham khảo
1. Cườm mắt là gì?
Cườm mắt là một trong những bệnh lý về mắt rất phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi, từ 50 - 60 tuổi trở lên. Bệnh lý này được chia thành 2 dạng là cườm nước và cườm khô, ảnh hưởng nhiều đến thị lực của người bệnh.
Cườm nước
Cườm nước là tên gọi khác của chứng tăng nhãn áp. Khi mắc bệnh lý này thì thủy dịch trong mắt bị bít tắc, ứ lại, làm tăng lượng thủy dịch khiến áp lực trong mắt cao hơn bình thường. Biến chứng nghiêm trọng của cườm nước là mù lòa, mất thị lực vĩnh viễn.
Cườm khô
Cườm khô là tên gọi khác của đục thủy tinh thể, tức là thủy tinh thể của mắt người bệnh không trong suốt như bình thường mà bị đục mờ. Lúc này, hình ảnh truyền tới võng mạc sẽ bị cản trở nên người bệnh sẽ bị nhìn mờ, không rõ nét, giống như có một màng sương hay màng nước bao phủ. Trong nhiều trường hợp còn xuất hiện tình trạng tầm nhìn đôi.
Cườm mắt là một trong những bệnh lý về mắt thường gặp
2. Nguyên nhân gây cườm mắt
Đối với cườm nước thì nguyên nhân gây ra bệnh thường là do bất thường ở giác mạc (bề dày giác mạc mỏng), bị cận thị, mắc bệnh cao huyết áp. Còn với cườm khô, bệnh chủ yếu do bẩm sinh, di truyền và tuổi tác (đặc biệt ở người từ 65 tuổi). Đây chính là nguyên nhân nguyên phát gây ra bệnh, còn nguyên nhân thứ phát dẫn đến bệnh lý cườm mắt nói chung bao gồm:
- Làm việc, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, thiết bị điện tử.
- Tổn thương mắt do tai nạn, chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
- Mắc bệnh lý về mắt mà không có cách chăm sóc, điều trị đúng.
- Sử dụng thuốc điều trị, chẳng hạn như thuốc chứa corticoid và gặp tác dụng phụ.
- Mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì,…
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, uống rượu bia, hút thuốc lá,…
3. Triệu chứng bệnh cườm mắt
Người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu của cườm mắt để có cách can thiệp, điều trị phù hợp, phòng tránh biến chứng nguy hiểm là mù lòa, mất thị lực.
Cườm nước
Dấu hiệu của bệnh cườm nước thường chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển nhanh và nặng. Lúc này, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng sau.
- Mắt đau nhức nhiều kèm cảm giác đau đầu dữ dội.
- Mắt sưng đỏ và có cảm giác căng cứng, châm chích.
- Đau đầu kèm theo buồn nôn, nôn.
- Khi nhìn vào ánh đèn thì thấy có quầng sáng cầu vồng.
- Khi nhìn xung quanh thì chỉ thấy khoảng giữa, cảm giác như nhìn xuyên đường hầm.
- Mất thị lực ở 1 hoặc 2 bên mắt.
Cườm khô
Các triệu chứng của cườm khô khác hoàn toàn với cườm nước, người bệnh có thể nhận biết qua các dấu hiệu sau.
- Nhìn mờ, cảm giác như có lớp màng che bao phủ trước mắt.
- Hình ảnh nhìn được đôi khi nhân đôi, nhân ba; đôi khi chỉ là chấm đen.
- Nhạy cảm với ánh sáng ban ngày và khó nhìn vào ban đêm.
- Lòng đen của mắt bị vẩn đục.
Cườm mắt thường xảy ra ở người cao tuổi, khiến mắt nhức mỏi kèm đau đầu
4. Điều trị cườm mắt như thế nào?
Sau khi thăm khám, chẩn đoán và xác định được bệnh lý cườm mắt, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị sau.
Điều trị cườm nước
Cườm nước để lại biến chứng nặng nề cho người bệnh và nguy cơ tái phát cao nên người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Dùng thuốc: Có thể là thuốc nhỏ hoặc thuốc uống với mục đích là hạ nhãn áp.
- Chiếu tia laser: Mục đích của việc điều trị này là tạo hình vùng bè để thủy dịch được thoát ra ngoài, không bị bít tắc, ứ đọng trong mắt.
- Phẫu thuật: Cũng giống chiếu tia laser nhưng khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng các công cụ y khoa để tạo lỗ, ống, rãnh nhỏ dưới kết mạc, giúp thủy dịch chảy qua vị trí này và hấp thụ vào máu.
Điều trị cườm khô
Điều trị cườm khô đơn giản hơn và mang lại hiệu quả cao. Phương pháp điều trị được áp dụng nhiều nhất hiện nay là thay thủy tinh thể bị đục bằng thủy tinh thể nhân tạo để khôi phục lại thị lực cho người bệnh.
Bác sĩ thăm khám cẩn thận trước khi có phương pháp điều trị phù hợp
5. Làm gì sau khi điều trị cườm mắt?
Việc chăm sóc sau khi điều trị cườm mắt là rất quan trọng để đảm bảo quá trình hồi phục nhanh, tránh nhiễm trùng mắt và các biến chứng nguy hiểm. Nhìn chung, bạn cần tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm:
- Sinh hoạt điều độ, lành mạnh, uống đủ nước, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc để tăng cường miễn dịch, giúp mắt mau hồi phục.
- Sử dụng thuốc nhỏ và thuốc uống đúng liều, đúng cách để cải thiện tình trạng khô ngứa mắt, viêm đau mắt. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc ngoài và sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Thời gian đầu sau điều trị, tránh tiếp xúc các thiết bị điện tử, xem báo, đọc sách, luyện tập cường độ cao, làm việc nặng, lái xe,… để không gây áp lực lên mắt.
- Khi nằm ngủ, nên nằm thẳng, tránh nằm nghiêng hay nằm sấp; đồng thời, đeo miếng che mắt để tránh làm mắt bị tổn thương trong khi ngủ.
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tuy nhiên, không nên nằm một chỗ quá lâu mà có thể đi lại nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, yoga đơn giản,…
- Khi ra ngoài thì đeo kính bảo vệ mắt để hạn chế tác hại của tia UV, khói bụi và các tác nhân gây kích ứng mắt.
- Không đưa tay lên chạm, gãi, dụi mắt.
- Không trang điểm hay sử dụng bất kỳ mỹ phẩm nào cho mắt.
- Không đeo kính áp tròng cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ điều trị.
- Không đi tắm, bơi ở nơi công cộng.
- Không hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.
- Tái khám theo lịch trình của bác sĩ và tái khám ngay nếu mắt có những triệu chứng bất thường như ngứa, đau, thị lực không cải thiện,…
Người bệnh cần dùng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ sau điều trị cườm mắt
Trên đây là những chia sẻ giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh lý cườm mắt. Để được tư vấn chuyên sâu hoặc đăng ký lịch khám tại Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 ngay từ hôm nay.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!