Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh hen phế quản ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp chẩn đoán
- 01/01/2024 | Hen suyễn có lây không và những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân hen suyễn
- 18/10/2024 | Hen phế quản là bệnh gì? Tìm hiểu về mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa
- 02/11/2024 | Hen suyễn giao mùa: nguyên nhân và cách phòng bệnh hiệu quả
1. Các dấu hiệu cho thấy hen phế quản ở trẻ
Hen phế quản là bệnh mạn tính đường hô hấp khiến các cơ trơn trong phế quản bị co thắt, đường thở bị thu hẹp nên người bệnh gặp khó khăn khi thở. Dấu hiệu điển hình của bệnh lý này phải kể đến các tình trạng:
1.1. Thở khò khè
Trẻ bị hen phế quản khi có cơn hen, nhất là khi thở ra thường đi kèm với âm thanh khò khè. Điều này là kết quả của sự co thắt và hẹp đường thở, khiến không khí khó di chuyển qua phổi.
Hiện tượng thở khò khè có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào của trẻ, nhưng thường thấy nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Nếu thấy trẻ có âm thanh này khi thở, nhất là khi có kèm theo triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc sau khi vận động thì cha mẹ nên cho con đến bác sĩ kiểm tra.
1.2. Ho kéo dài
Hen phế quản ở trẻ thường xuyên gây nên những cơn ho kéo dài, nhất là vào ban đêm hoặc sáng sớm. Khi trẻ ngủ, đường thở tắc nghẽn hoặc co lại khiến cơn ho trở nên mạnh mẽ hơn. Cơn ho kéo dài nhiều tuần trẻ làm cho trẻ mệt mỏi, giấc ngủ kém chất lượng, sức khỏe giảm sút.
Hen phế quản ở trẻ gây nên những cơn ho dài khó dứt
1.3. Khó thở
Trẻ bị hen phế quản thường bị khó thở với các biểu hiện:
- Thở nhanh: Tần số thở của trẻ vượt ngưỡng bình thường:
+ Trẻ sơ sinh: 40 - 60 lần/phút
+ Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 35 - 40 lần/phút
+ Trẻ 7 - 12 tháng: 30 - 35 lần/phút
+ Trẻ 2 - 3 tuổi: 25 - 30 lần/phút
+ Trẻ 4 - 6 tuổi: 20 - 25 lần/ phút
+ Trẻ 7 - 15 tuổi: 18 -20 lần/phút
- Thở gắng sức.
- Có rút lõm lồng ngực hoặc cơ liên sườn.
- Tím quanh môi,
Khi thở ra trẻ có hơi thở nhanh và gấp gáp. Cảm giác khó thở sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ tham gia các hoạt động thể chất hoặc gặp phải các yếu tố kích thích như thay đổi thời tiết, khói bụi hoặc tiếp xúc dị ứng nguyên.
Nếu hen phế quản mức độ nặng trẻ sẽ phải dùng lực của cơ bụng để thở. Lúc này, bụng của trẻ có thể nhô lên và xuống rất nhanh khi thở.
1.4. Mệt mỏi, thiếu năng lượng
Do hệ hô hấp phải làm việc vất vả để thở nên trẻ bị hen phế quản thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng. Những cơn khó thở và ho kéo dài khiến trẻ dễ bị kiệt sức, không còn năng lượng để tham gia các hoạt động bình thường như chơi đùa, học tập hoặc vui chơi với bạn bè.
1.5. Triệu chứng thường gặp khi thay đổi thời tiết, gắng sức hoặc dị ứng
Bệnh hen phế quản ở trẻ thường có xu hướng nghiêm trọng hơn khi gặp lạnh, thay đổi thời tiết đột ngột hoặc tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông thú cưng, bụi nhà,... Sự tiếp xúc với các yếu tố này khiến đường thở của trẻ hẹp lại, từ đó sinh ra cơn khó thở, ho và khò khè.
2. Phương pháp chẩn đoán xác định hen phế quản ở trẻ nhỏ
Chẩn đoán hen phế quản chính xác là bước quan trọng để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Để làm được điều này, người bệnh cần:
2.1. Thăm khám lâm sàng
Người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi về các triệu chứng đang gặp phải như khó thở, thở khò khè, ho,... và thời gian, tần suất xuất hiện của triệu chứng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về các vấn đề:
- Gia đình có người đã bị bệnh hen.
- Môi trường sống với các yếu tố như không khí ô nhiễm, bụi bẩn hoặc khói thuốc lá,... là nguyên nhân kích hoạt cơn hen.
Khi thăm khám cho trẻ bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe tiếng thở của trẻ, phát hiện âm thanh khò khè, rít hoặc thở gấp - dấu hiệu cho thấy hen phế quản ở trẻ.
Bác sĩ thăm khám lâm sàng, kiểm tra tiếng thở của trẻ
2.2. Thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng
Bên cạnh thăm khám lâm sàng, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ chỉ định tiến hành các kiểm tra như:
- Xét nghiệm dị ứng
Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm lẩy da da hoặc xét nghiệm kháng thể IgE để xác định loại dị ứng mà trẻ mắc phải. Phản ứng dị ứng là một trong những nguyên nhân chính gây hen phế quản ở trẻ nên xác định và loại bỏ các tác nhân dị ứng là phần quan trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Đo hô hấp ký
Đây là phương pháp đo thể tích khí thở ra và vào của phổi để đánh giá mức độ hẹp đường thở (thường áp dụng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên).
- Đo lưu lượng đỉnh kế
Đối với trẻ dưới 8 tuổi hợp tác tốt, bác sĩ sẽ chỉ định đo lưu lượng đỉnh để theo dõi mức độ tắc nghẽn của đường thở. Trẻ sẽ được hướng dẫn thổi mạnh vào máy để cho ra kết quả giúp bác sĩ đánh giá sự thay đổi lưu lượng khí trong phổi.
- Chụp X-quang phổi
Kết quả chụp X-quang phổi không có tính chẩn đoán xác định đối với bệnh hen phế quản ở trẻ nhưng được dùng để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự. X-quang phổi cung cấp dấu hiệu viêm phổi và các bệnh lý khác ở phổi. Nếu kết quả X-quang cho thấy phổi không có tổn thương hoặc bất thường, bác sĩ có thể tiếp tục hướng đến chẩn đoán hen phế quản.
- Đo bão hòa oxy trong máu
Khi có cơn hen cấp, mức oxy trong máu của trẻ có thể giảm xuống, khiến trẻ khó thở và mệt mỏi. Đo bão hòa oxy trong máu giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn hen và quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
Ngay khi trẻ có dấu hiệu hen phế quản cha mẹ cần cho con khám chuyên khoa ngay
Hen phế quản ở trẻ có thể kiểm soát tốt triệu chứng nếu nếu được phát hiện sớm và điều trị ngay theo phác đồ của bác sĩ. Vì thế, khi nhận thấy con có các triệu chứng được cảnh báo ở trên, cha mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để thực hiện kiểm tra cần thiết giúp chẩn đoán đúng bệnh.
Để thuận tiện cho việc thăm khám bệnh hen phế quản ở trẻ, cha mẹ có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Hô hấp - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!