Tin tức
Hen phế quản là bệnh gì? Tìm hiểu về mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa
- 29/03/2022 | Những cách phòng ngừa và xử trí cơn hen phế quản ở trẻ mùa lạnh
- 01/11/2023 | Hen phế quản ở trẻ: Nguyên nhân và cách nhận biết
- 01/02/2024 | Cách nhận biết hen phế quản cấp tính và biện pháp xử trí
1. Hen phế quản là bệnh gì?
Hen phế quản hay hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính làm đường thở bị viêm tái phát liên tục. Cụ thể, khi tiếp xúc với các yếu tố thuận lợi, đường thở ngay lập tức bị co thắt, phù nề và tăng tiết dịch, đờm dẫn đến thu hẹp, tắc nghẽn đường thở. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, khò khè, ho đờm, đau tức ngực,…
Yếu tố làm khởi phát hen phế quản
Biết được hen phế quản là bệnh gì, vậy đâu là các yếu tố làm khởi phát cơn hen? Theo đó, dị nguyên đường hô hấp (bụi bẩn, nấm mốc, lông thú, phấn hoa, khói, mùi sơn,…) và dị nguyên thực phẩm (thịt bò, thịt gà, hải sản, trứng,…) là tác nhân hay gặp gây ra cơn hen phế quản.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát nếu bạn mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên (viêm mũi, viêm xoang, viêm họng,…) hoặc do tác dụng phụ của thuốc (aspirin, penicillin,…).
Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng làm cơn hen phế quản dễ khởi phát và thêm nghiêm trọng. Chẳng hạn, khi người bệnh căng thẳng, lo lắng, hồi hộp, xúc động mạnh,… sẽ xuất hiện tình trạng khó thở, tức ngực, ho liên tục không dứt.
Người bị hen phế quản rất dễ xảy ra cơn khó thở
Triệu chứng của hen phế quản
Các triệu chứng của hen phế quản thường xuất hiện vào sáng sớm, ban đêm hoặc khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát bệnh như nói trên. Lúc này, tình trạng khó thở, thở rít, thở khò khè sẽ xảy ra. Đi kèm với cơn khó thở là đau tức ngực, vã mồ hôi, giọng nói đứt quãng,… Khi cơn khó thở được kiểm soát và giảm dần, người bệnh sẽ ho đờm, có trường hợp còn nôn do đờm vướng ở cổ.
2. Hen phế quản có nguy hiểm không?
Ngoài thắc mắc hen phế quản là bệnh gì, nhiều người còn không biết hen phế quản có nguy hiểm không. Theo bác sĩ, hen phế quản được đánh giá là nguy hiểm, có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng hay thậm chí là tử vong.
Suy hô hấp, tử vong
Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất và nguy hiểm nhất của hen phế quản. Đường thở bị tắc nghẽn gây suy hô hấp, nếu không được can thiệp bằng máy thở nhân tạo hay phun khí dung sẽ khiến người bệnh ngưng thở, tử vong. Ngoài ra, các biến chứng tràn khí màng phổi hay suy tim cũng có thể làm người bệnh đột tử.
Người bị hen suyễn nặng có thể suy hô hấp, ngất xỉu, tử vong
Biến dạng lồng ngực
Biến chứng này không hay gặp ở trẻ em vì lồng ngực trẻ đàn hồi tốt hơn người lớn nên không gặp biến dạng lồng ngực do hen ở trẻ. Tuy nhiên, trường hợp này lại thường gặp ở người hẹn mạn tính.
Khí phế thũng
Đây cũng là một biến chứng của tình trạng tụ khí trong lồng ngực. Do đường thở hẹp, người bệnh khó thở ra và có xu hướng thở ra ít nên khí cặn tích tụ lại bên trong nhiều, khiến cấu trúc phế nang bị phá vỡ. Ngoài ra, khi thể tích khí cặn tăng thì thể tích phổi giảm, làm suy giảm chức năng của phổi nên người bệnh rất dễ khó thở khi gắng sức.
Hen phế quản làm người bệnh ho nhiều và khó thở khi cố gắng làm gì đó
Tràn khí màng phổi
Tụ khí làm thay đổi cấu trúc phế nang, cụ thể là phế nang có xu hướng giãn rộng ra để chứa khí cặn. Khi phế nang giãn rộng, mạch máu ở đây sẽ thưa thớt và hoạt động kém làm tăng áp lực bên trong phế nang. Khi người bệnh ho hoặc vận động mạnh, áp lực càng tăng làm phế nang vỡ ra, dẫn đến tràn khí màng phổi.
Tâm phế mạn
Chính vì sự biến đổi cấu trúc phế nang và giảm thể tích phổi như nói trên mà chức năng của phổi bị suy giảm. Lúc này, tim phải tăng cường hoạt động để bơm máu cho phổi. Do tim luôn phải hoạt động cường độ cao nên cơ tim dẫn dần và suy yếu. Suy tim sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho người bệnh.
3. Phòng ngừa hen phế quản
Như đã chia sẻ ở phần hen phế quản là bệnh gì, đây là bệnh lý mạn tính không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa cũng như kiểm soát cơn hen bằng các biện pháp sau.
Dùng thuốc
Bệnh nhân bị hen phế quản cần thăm khám, theo dõi thường xuyên để đánh giá tình trạng, đồng thời tiến hành điều trị dự phòng bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này là rất quan trọng trong việc kiểm soát cơn hen.
Tránh xa tác nhân gây dị ứng
Người mắc bệnh hen suyễn hay dị ứng cần tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Điều này vừa giúp phòng ngừa cơn hen, vừa tránh làm bệnh nặng thêm. Những tác nhân gây dị ứng thường gặp nhất là bụi bẩn, nấm mốc, lông chó mèo, khói thuốc lá, một số loại mỹ phẩm và thực phẩm.
Che miệng, mũi khi ra ngoài
Khi đến những nơi công cộng tập trung đông người, người bệnh hãy đeo khẩu trang để chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh hô hấp. Ngoài ra, vào mùa lạnh, chú ý giữ ấm cơ thể và che miệng, mũi khi ra khỏi nhà để tránh hít phải không khí lạnh. Việc này giúp kiểm soát tốt cơn hen phế quản khởi phát.
Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên
Để phòng ngừa cơn hen phế quản cấp, hãy dọn dẹp nhà cửa hàng ngày và thay chăn ga gối đệm, thảm trải sàn hàng tuần. Đối với các thiết bị như điều hòa, máy sưởi, máy lọc không khí, cần vệ sinh định kỳ vì những thiết bị này tích tụ rất nhiều bụi bẩn bên trong. Bên cạnh đó, nên mở cửa sổ và ban công để không gian trong nhà luôn thoáng đãng, sáng sửa, hạn chế tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn.
Dọn dẹp nhà cửa để không gian sống luôn sạch sẽ
Tiêm phòng vắc xin cúm
Chủ động tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm cũng là cách phòng ngừa bệnh hen suyễn. Bởi bệnh cúm không chỉ làm khởi phát cơn hen mà còn khiến cơn hen thêm trầm trọng. Thực tế, dù bạn có bị hen suyễn hay khỏe mạnh bình thường thì các bác sĩ vẫn khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin này định kỳ.
Những chia sẻ trên đây giúp bạn biết được hen phế quản là bệnh gì cũng như hen phế quản có nguy hiểm không. Để được hướng dẫn đặt lịch và chọn được dịch vụ khám phù hợp tại Chuyên khoa Hô hấp của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!