Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh thiếu máu ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể và phương pháp điều trị
- 17/07/2024 | Thiếu máu do bệnh mạn tính - Nguyên nhân và triệu chứng
- 11/10/2024 | 7 triệu chứng thiếu máu thường gặp và phương pháp khắc phục
- 11/10/2024 | Nguyên nhân thiếu máu: Hiểu đúng để biết cách phòng ngừa
1. Các mức độ thiếu máu
Bệnh thiếu máu là tình trạng hồng cầu không được sản xuất đủ hoặc hồng cầu bị thiếu hemoglobin làm cho các mô và hệ cơ quan của cơ thể không được nhận đủ oxy. Điều này gây ra tình trạng mệt mỏi, suy nhược, suy giảm sức khỏe.
Người bệnh được chẩn đoán thiếu máu khi hemoglobin thấp hơn giá trị tham chiếu.
Dựa trên nồng độ huyết sắc tố, thiếu máu được phân thành các mức độ:
- Thiếu máu mức độ nhẹ: Huyết sắc tố 90 - 120 g/L.
- Thiếu máu mức độ vừa: Huyết sắc tố 60 - < 90 g/L.
- Thiếu máu mức độ nặng: Huyết sắc tố 30 - < 60 g/L.
- Thiếu máu rất nặng: Huyết sắc tố < 30 g/L.
2. Ảnh hưởng của bệnh thiếu máu đến cơ thể?
Người mắc thiếu máu thường trải qua các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, khó thở, khó tập trung, đau ngực, đau nhức đầu, da nhợt nhạt,... gây giảm sút chất lượng công việc và cuộc sống thường ngày.
Thiếu máu trong thời gian dài khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ dưỡng chất, hệ miễn dịch suy giảm. Đây chính là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý.
Thai phụ bị thiếu máu có nguy cơ bị sảy thai, sinh non, trẻ chậm phát triển sau khi chào đời,... Trẻ nhỏ thiếu máu khó tập trung, chậm tiếp thu, kém phát triển, tăng cân kém,...
Thiếu máu cấp tính là tình trạng nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị sốc giảm thể tích. Điều này khiến cho các mô bị thiếu oxy, các hệ cơ quan bị tổn thương và gây suy hô hấp, suy thận, suy tim,...
Thiếu máu khiến người bệnh mệt mỏi, khó tập trung vào công việc
3. Điều trị thiếu máu như thế nào?
3.1. Nguyên tắc điều trị thiếu máu
- Tìm ra nguyên nhân và điều trị dựa vào nguyên nhân kết hợp với truyền bù hồng cầu.
- Cân nhắc truyền máu tùy vào triệu chứng lâm sàng và mức độ huyết sắc tố.
- Ổn định huyết sắc tố đạt mức tối thiểu 80 g/L (nếu bị bệnh phổi mạn tính, bệnh tim thì cần ổn định huyết sắc tố tối thiểu 90 g/L).
3.2. Điều trị thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu
- Trường hợp bị thiếu sắt
+ Xác định nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị: giun, trĩ, u xơ tử cung,...
+ Tăng thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn: thịt bò, thịt nạc, lòng đỏ trứng, chuối, nho, rau màu xanh đậm, bí ngô,...
+ Bổ sung chế phẩm sắt qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch.
Người bệnh cần được xét nghiệm tế bào máu ngoại vi 2 tuần/lần đến khi đạt được huyết sắc tố 100 g/L. Thời gian sau đó tiếp tục xét nghiệm hàng tháng cho đến khi hết phác đồ điều trị.
- Trường hợp thiếu B12, axit folic
+ Xác định nguyên nhân để điều trị: cắt một phần dạ dày, rượu bia gây tổn thương gan,...
+ Bổ sung thực phẩm giàu axit folic, B12: gan, cá, thịt, trứng, dưa hấu, chuối, rau xanh, các loại nấm,...
+ Dùng chế phẩm axit folic đường uống: 4 - 6 tháng đầu với liều 5mg/ngày; tiêm bắp vitamin B12 với liều 1mg, mỗi tuần 3 lần sau đó tiêm duy trì mỗi tháng 1mg.
+ Hàng tháng đều xét nghiệm tế bào máu ngoại vi để theo dõi tiến triển.
Bổ sung vitamin B12 thường là một phần trong phác đồ điều trị bệnh thiếu máu
3.3. Điều trị thiếu máu do tan máu tự miễn
- Dùng corticoid ức chế miễn dịch.
- Truyền gamma globulin tĩnh mạch đối với các trường hợp chống chỉ định, tan máu rầm rộ hoặc không đáp ứng với corticoid.
- Cắt lách: Thường được cân nhắc khi đã áp dụng 2 phác đồ trên nhưng không không hiệu quả. Với người bệnh dưới 25 tuổi cần cân nhắc phương pháp này vì sau phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
- Thuốc ức chế miễn dịch và hóa chất: Chỉ định với bệnh nhân đã cắt lách vẫn tái phát bệnh thiếu máu.
- Hoặc bác sĩ cũng có thể cân nhắc điều trị:
+ Kháng thể kháng CD20: Dành cho bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên.
+ Kháng thể kháng CD52: Đối với bệnh nhân mắc bệnh máu dòng T lympho gây tan máu tự miễn.
3.4. Điều trị thiếu máu do giảm sinh tủy
- Hỗ trợ điều trị: Truyền tiểu cầu, hồng cầu,...
- Ghép tế bào gốc tạo máu: Sử dụng tế bào gốc từ người thân hoặc được cho từ nguồn không cùng huyết thống.
- ATG ức chế miễn dịch.
3.5. Điều trị thiếu máu do bệnh hồng cầu bẩm sinh
- Truyền hồng cầu để ổn định huyết sắc tố tối thiểu 90 g/L.
- Thải trừ sắt theo lịch hẹn định kỳ từ bác sĩ, nhất là trường hợp bị bệnh thiếu máu có nồng độ ferritin > 1.000 ng/ml.
- Cắt lách: Thường áp dụng với bệnh α- thalassemia.
- Ghép tế bào gốc tạo máu.
3.6. Điều trị thiếu máu do mất máu mạn tính
- Chẩn đoán xác định nguyên nhân mất máu mạn tính để có căn cứ đưa ra phác đồ điều trị: Tẩy giun móc, điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng, cắt bỏ u xơ tử cung,...
- Bổ sung yếu tố tạo máu và sắt.
Xét nghiệm công thức máu giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh thiếu máu
Dù trên phương diện chất lượng cuộc sống hay sức khỏe, bệnh thiếu máu đều sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định. Chưa kể đến, nếu thiếu máu nghiêm trọng mà không được can thiệp y tế kịp thời, sự sống của người bệnh có thể gặp nguy hiểm. Vì thế, khi nghi ngờ các triệu chứng thiếu máu như: da xanh xao, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, khó thở,... cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, có biện pháp điều trị nhanh chóng.
Xét nghiệm công thức máu giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh thiếu máu. Đây là xét nghiệm thường quy có mặt trong các kỳ khám sức khỏe. Ngoài ra, quý khách hàng cũng có thể liên hệ đặt lịch dịch vụ xét nghiệm tận nơi của MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có những giải đáp, định hướng cụ thể để quý khách biết và xử trí với hiện trạng sức khỏe của mình.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!