Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh viêm não mô cầu: Dấu hiệu nhận biết và phương pháp chữa bệnh
- 17/05/2022 | Giải đáp: Viêm não mô cầu BC tiêm mấy mũi?
- 17/05/2022 | Phòng bệnh viêm não mô cầu cho trẻ em
- 19/05/2022 | Có nên tiêm viêm não mô cầu không và tiêm ở đâu uy tín?
- 13/09/2024 | Nên tiêm viêm não mô cầu AC hay BC và lịch tiêm cụ thể
- 08/10/2024 | Viêm não mô cầu B và C: nguyên nhân và triệu chứng nhận diện
1. Đôi nét về viêm màng não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu là nguyên nhân gây bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp và dễ bùng phát dịch vào thời điểm mùa thu, mùa đông và mùa xuân hàng năm. Bệnh viêm não mô cầu được chia thành 4 nhóm phổ biến là A, B, C, D. Ngoài ra một số nhóm viêm não mô cầu bệnh phổ biến khác là W-135, X, Y và Z. Ở nước ta, phổ biến nhất là viêm não mô cầu nhóm A.
Trẻ sơ sinh có thể gặp nguy hiểm nếu bị viêm màng não mô cầu
Nếu phát hiện kịp thời và điều trị tích cực thì có thể điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển và không kịp thời phát hiện, viêm não mô cầu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như sau:
- Tăng áp lực nội sọ.
- Đông máu động mạch.
- Co giật.
- Trụy tuần hoàn.
- Suy đa tạng.
- Một số biến chứng muộn và nghiêm trọng như điếc, mù lòa, suy giảm thần kinh, giảm chỉ số IQ, não phát triển kém, hoại tử dẫn đến phải cắt cụ chi. Một số trường hợp biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
2. Triệu chứng viêm màng não mô cầu
Những triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu có thể kể đến như sau:
Sốt cao có thể là biểu hiện của bệnh
- Sốt cao.
- Đau đầu nghiêm trọng.
- Có biểu hiện buồn nôn và nôn.
- Cứng gáy.
- Lờ đờ hoặc hôn mê.
- Xuất hiện tử ban điển hình: Biểu hiện này thường gặp phải vào thời điểm 1 đến 2 ngày sau sốt. Lúc đầu, cơ thể người bệnh xuất hiện những nốt chấm, nhưng sau đó lây lan nhanh chóng trên cơ thể người bệnh như hình bản đồ và có dạng bọng nước. Tử ban thường có màu đỏ hay tím đậm, bờ không đều và bề mặt phẳng.
- Trẻ bị viêm não mô cầu có thể xuất hiện những triệu chứng như sốt cao, ngủ li bì, ăn kém hơn bình thường, bỏ bú, không muốn chơi đùa, cứng cổ, nôn hoặc buồn nôn,... Một số biểu hiện bệnh ở trẻ khá giống với viêm đường hô hấp nên dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, những triệu chứng này có diễn biến nhanh chóng, ngày càng nghiêm trọng, do đó, phụ huynh cần đưa con đi khám sớm nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào.
Khi trẻ xuất hiện những nốt tử ban ở hai chân hay vùng thân mình, đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm độc nặng và có thể đang xuất hiện biến chứng như nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vòng 24 giờ.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh
Những triệu chứng lâm sàng là chưa đủ để chẩn đoán bệnh. Người bệnh có thể cần được thực hiện thêm một số loại xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch não tủy, nhuộm soi dịch hầu họng và dịch não tủy, cấy dịch hầu họng,...
Xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm màng não mô cầu
Những trường hợp nghi ngờ mắc viêm màng não mô cầu cần được cách ly sớm để phòng tránh nguy cơ lây lan. Sau khi cấy máu, người bệnh cần bổ sung liệu pháp kháng sinh để có thể giảm tối đa nguy cơ tử vong.
Hiện nay, loại kháng sinh được sử dụng phổ biến cho những bệnh nhân này là Penicillin G và sử dụng bằng cách tiêm trực tiếp tĩnh mạch, thực hiện nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, có thể cho người bệnh dùng Cephalosporin thế hệ III. Người bệnh bị dị ứng với Penicillin G, có thể dùng Chloramphenicol. Phụ thuộc vào mức độ bệnh cũng như sự đáp ứng của bệnh nhân mà thời gian điều trị cũng sẽ khác nhau.
Với những trường hợp trẻ đã bị sốc, các bác sĩ thường chỉ định cho trẻ dùng các loại thuốc hỗ trợ tim mạch, cân bằng điện giải, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được áp dụng một số phương pháp hỗ trợ điều trị khác như hạ sốt, thuốc chống co giật, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chăm sóc phòng tránh nguy cơ bị loét da,...
4. Phòng ngừa viêm màng não mô cầu
Viêm não mô cầu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, do đó cả người lớn và trẻ nhỏ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này. Ở những địa phương có người nhiễm bệnh càng cần được tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bệnh và nhận biết bệnh sớm cũng như thực hiện cách ly kịp thời và biết cách phối hợp với cán bộ y tế phòng dịch.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Môi trường công cộng cũng phải luôn sạch sẽ, nhất là những môi trường lớp học, nhà trẻ cần sạch sẽ, thoáng đãng và luôn có đủ ánh sáng.
- Đối với những ổ dịch cũ: Cần được giám sát thường xuyên. Nếu phát hiện có những bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu bất thường thì nên đi khám sớm để được theo dõi và xử trí kịp thời. Xét nghiệm những bệnh nhân cũ. Bên cạnh đó, các trường hợp lân cận cũng nên được xét nghiệm.
- Người bệnh cần điều trị tại các cơ sở y tế. Nếu đã tiếp xúc với bệnh nhân thì cần điều trị dự phòng.
Nên tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh
- Tiêm phòng bệnh: Hiện nay, vắc xin Menactra đang được sử dụng để phòng ngừa 4 chủng huyết thanh viêm não mô cầu A, C, Y và W, chỉ định tiêm cho người từ 9 tháng đến 55 tuổi.
+ Trẻ từ 9 tháng đến 23 tháng tuổi tiêm 2 liều và mỗi liều cách nhau 3 tháng.
+ Những đối tượng từ 24 tháng tuổi đến 55 tuổi thì chỉ tiêm duy nhất 1 liều.
+ Trường hợp từ 15 - 55 tuổi và có nguy cơ mắc bệnh có thể tiêm mũi nhắc lại và thời gian tiêm mũi nhắc lại phải cách mũi cơ bản ít nhất 4 năm.
Lưu ý, một số trường hợp cần thận trọng khi tiêm bao gồm mẹ bầu, phụ nữ đang cho con bú, người bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh rối loạn đông máu. Người có dị ứng với thành phần có trong vắc xin hoặc đang bị sốt, dị ứng hay nhiễm khuẩn cấp tính thì không nên tiêm phòng.
Nếu có nhu cầu tìm hiểu thêm về bệnh viêm màng não mô cầu hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh và tiêm phòng, mời quý khách hàng liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp và tư vấn nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!