Các tin tức tại MEDlatec

Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh bao lâu thì tự hết? Có nên xoa bướu huyết thanh không?

Ngày 29/09/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Nếu em bé của bạn được sinh ra với một khối bướu to trên đầu, tình trạng này được gọi là bướu huyết thanh và thường không đáng lo ngại. Vậy bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết và có nên xoa bướu cho trẻ không? Bạn có thể tìm hiểu các thông tin này trong bài viết dưới đây.

1. Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh là gì?

Bướu huyết thanhtrẻ sơ sinh là tình trạng tụ máu ở khoảng dưới màng xương. Trong quá trình sinh nở, áp lực tác động lên đầu thai nhi dẫn đến vỡ các mạch máu nhỏ và hình thành bướu huyết thanh.

Cha mẹ có thể nhận biết con bị bướu huyết thanh bằng cách quan sát thấy đầu trẻ xuất hiện một vùng sưng nhẹ ở đỉnh đầu hoặc sau đầu ngay khi trẻ chào đời. Khối u này mềm, hơi sưng lên và trẻ không khóc khi cha mẹ chạm vào.

Áp lực tác động lên đầu thai nhi khi sinh dẫn đến vỡ các mạch máu nhỏ và hình thành bướu huyết thanh.

Những trẻ nào sinh ra dễ bị bướu huyết thanh?

Theo Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), có 0,4% đến 2,5% trẻ sinh ra bị bướu huyết thanh. Trẻ sinh thường không cần can thiệp có tỷ lệ bị bướu huyết thanh thấp nhất, khoảng 1,67%.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị bướu huyết thanh, bao gồm:

  • Ngôi thai ngược: Đầu trẻ nằm hướng lên trên và mông hoặc chân trẻ hướng xuống dưới.
  • Thai nhi có kích thước lớn: Thai nhi có cân nặng trên 3,5kg được coi là thai lớn, khiến thai nhi gặp khó khăn khi đi qua đường sinh dục người mẹ.
  • Sử dụng dụng cụ trợ sinh: Nếu quá trình sinh thường gặp khó khăn, bác sĩ có thể sẽ dùng đến một số thủ thuật hỗ trợ để đưa em bé ra ngoài, có thể bao gồm việc sử dụng kẹp forceps hoặc giác hút chân không. Trẻ sinh ra sử dụng các phương pháp này có nguy cơ cao nhất bị bướu huyết thanh trên đầu.
  • Chuyển dạ kéo dài: Một số trường hợp thai phụ lớn tuổi sinh con so, hoặc có vấn đề về xương chậu, giãn nở cổ tử cung có thể gặp tình trạng chuyển dạ bạn kéo dài trong nhiều giờ, khiến trẻ chịu nhiều áp lực lên vùng đầu hơn những trẻ khác.

Ngoài những trẻ sinh thường, trẻ trải qua quá trình sinh mổ cũng có thể bị bướu huyết thanh.

Bướu huyết thanh có nguy hiểm không?

Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh mặc dù trông đáng sợ nhưng lại lành tính và thường không gây nguy hiểm cho trẻ. Những bướu này đa phần lành tính, không đau và dần biến mất theo thời gian. 

Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh cũng không làm ảnh hưởng đến trí tuệ do phần máu tụ nằm ở dưới màng xương và không tiếp xúc với nhu mô não. Trong một số rất ít các trường hợp, trẻ bị vôi hóa bướu huyết thanh dẫn đến cần phẫu thuật can thiệp thẩm mỹ.

Điều đáng lưu ý nhất là trẻ có nguy cơ vàng da cao khi có bướu huyết thanh. Nguyên nhân là bởi cục bướu hình thành do tụ máu và quá trình tan bướu làm tăng sản xuất bilirubin. Lượng bilirubin cơ thể không đào thải kịp có thể gây vàng da cho trẻ. Nếu gặp tình trạng này, trẻ cần được theo dõi kỹ lưỡng các dấu hiệu vàng da và chiếu đèn hồng ngoại kịp thời.

2. Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?

Cũng theo NIH, khoảng 80% trường hợp bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi trong tháng đầu tiên của cuộc đời. Thời gian bướu tan hoàn toàn tùy thuộc và mỗi trẻ cũng như kích thước của khối bướu.

Theo thời gian, khối bướu sẽ bị canxi hóa và dần cứng lại, phần giữa của bướu được cơ thể hấp thụ đầu tiên. Lúc này bướu sẽ trông giống như một miệng hố. Điều này là hoàn toàn bình thường, cha mẹ cũng không cần chăm sóc đặc biệt hay cho trẻ dùng thuốc để hỗ trợ tan bướu.

Cha mẹ không nên xoa khối bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh vì có thể gây nhiễm trùng hoặc xuất hiện các biến chứng khác.

3. Có nên xoa bướu huyết thanh cho trẻ không?

Tình trạng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh là lành tính và tự khỏi mà không cần can thiệp. Vì thế, cha mẹ không cần thiết phải xoa bướu huyết thanh cho con. Ngược lại xoa bướu huyết thanh còn có thể làm tổn thương vùng da này, gây ra nhiễm trùng hoặc các biến chứng nguy hiểm. Phương pháp điều trị tốt nhất là quan sát và chờ cơ thể trẻ tự hấp thụ khối bướu huyết thanh.

4. Cha mẹ nên làm gì khi con sinh ra có bướu huyết thanh?

Nếu có con bị bướu huyết thanh, cha mẹ cần lưu ý những điều sau giúp chăm sóc trẻ hiệu quả và làm bướu nhanh chóng biến mất:

  • Theo dõi trẻ: Cần theo dõi thường xuyên các dấu hiệu biến chứng của bướu huyết thanh, bao gồm vàng da, da trẻ nhợt nhạt, xanh xao. Theo dõi và báo lại cho bác sĩ nếu đầu trẻ xuất hiện thêm khối u, khối u di chuyển hoặc chuyển màu.
  • Không xoa nắn, tác động lên khối bướu: Hạn chế tác động, sờ nắn, cọ xát vào vùng bướu huyết thanh, tránh làm trẻ đau và giảm rủi ro biến chứng. Đồng thời cho trẻ nằm bằng gối mềm, nghiêng về bên không có bướu để tránh tạo thêm áp lực.
  • Giữ vệ sinh cho trẻ: Tắm rửa hằng ngày và giữ vệ sinh cho trẻ để ngăn nhiễm trùng và thúc đẩy trẻ tự hấp thụ khối bướu.
  • Cho trẻ bú mẹ thường xuyên: Trẻ sơ sinh cần được ăn đủ sữa, tốt nhất là sữa mẹ và ngủ đủ giấc để cơ thể phát triển toàn diện và nhanh chóng hấp thụ khối bướu.
  • Tái khám đúng lịch hẹn: Giúp bác sĩ đánh giá khối bướu và kịp thời phát hiện những biến chứng nếu có.

Hy vọng bài viết trên đã giúp cha mẹ có thêm thông tin về tình trạng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh. Nếu con sinh ra mang bướu huyết thanh, cha mẹ không nên quá lo lắng vì tình trạng này thường không đáng lo ngại. 

Để đặt lịch tái khám bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh hoặc các bệnh khác cho trẻ tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được nhân viên hỗ trợ nhanh nhất, hoặc đặt lịch trực tiếp qua ứng dụng My Medlatec.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.