Các tin tức tại MEDlatec

Cảnh báo nguy cơ dịch COVID 19 trở lại với biến thể mới lây lan nhanh

Ngày 21/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Sự xuất hiện của các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh đang làm dấy lên lo ngại về COVID 19 trở lại. Trong đó, Omicron XEC là biến thể đang xuất hiện tại nhiều quốc gia. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đã ghi nhận hàng trăm ngàn ca nhiễm mới từ đầu năm đến nay. Trước tình hình này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không chủ quan trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.

1. Cập nhật tình hình dịch COVID 19 trở lại

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 4/2025 toàn thế giới có thêm 25.463 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. So với trong tháng 3, tỷ lệ nhiễm mới giảm khoảng 56.9%, đồng thời tỷ lệ tử vong giảm 37.9%. Brazil và Vương quốc Anh là hai quốc gia đứng đầu về số lượng ca nhiễm mới được ghi nhận. 

Dịch COVID 19 trở lại là mối lo ngại của nhiều quốc gia

Tuy nhiên tính đến trung tuần tháng 5, dịch COVID 19 lại có xu hướng quay trở lại, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Trong đó, Thái Lan hiện là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực về số lượng ca nhiễm mới. 

Theo Bangkok Post, Thái Lan đã ghi nhận 108.891 ca nhiễm mới và 27 ca tử vong do SARS-CoV-2 (tính từ đầu năm đến ngày 21/5/2025). Chỉ tính riêng từ ngày 11 đến 17/5, số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận tăng đột biến lên 33.030 ca, tăng khoảng 50% so với tuần trước đó. Trong số các trường hợp tử vong tại nước này, đối tượng người cao tuổi chiếm 80%. 

Còn tại Việt Nam, số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được ghi nhận trên cả nước từ đầu năm đến nay là 147 ca, trung bình 20 ca/tuần. Tín hiệu đáng mừng là nước ta chưa ghi nhận trường hợp tử vong và ổ dịch tập trung. Trong đó TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,... là những tỉnh thành có số lượng người nhiễm COVID 19 cao nhất. 

Mọi người nên tuân thủ khuyến cáo phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 của Bộ Y tế 

Trước tình hình dịch COVID 19 trở lại diễn biến khó lường trong khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đề cao phòng ngừa, thông báo cho trạm y tế tại xã/phường thuộc nơi cư trú nếu phát hiện nhiễm bệnh để được tư vấn điều trị, cách ly kịp thời. 

2. Biến thể mới Omicron XEC và mức độ nguy hiểm

Số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tăng đột biến được cho là có liên quan đến biến thể Omicron XEC. Đây là một biến thể tái tổ hợp giữa hai biến thể phụ KS.1.1 và KP.3.3 thuộc dòng Omicron. Dù mới chỉ được phát hiện tại Đức từ khoảng giữa năm 2024 nhưng XEC đã nhanh chóng lây lan, hiện diện tại hơn 50 quốc gia trên toàn cầu. 

Biến thể XEC thuộc nhóm Omicron có khả năng lây lan nhanh

XEC có khả năng lây lan nhanh hơn các biến chủng từng được phát hiện. So với những biến thể khác, XEC không gây tử vong cao. Các ca tử vong do nhiễm XEC chủ yếu tập trung ở đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người có hệ miễn dịch kém. Theo đó, khoảng 4/5 trường hợp tử vong tại Thái Lan tính từ đầu năm 2025 tập trung ở người trên 60 tuổi, người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai. 

3. Triệu chứng 

Khi bị nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng XEC, cơ thể thường biểu hiện những triệu chứng như:

  • Lên cơn sốt hoặc ớn lạnh.
  • Ho khan hoặc ho ra đờm. 
  • Đau họng. 
  • Cơ thể thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, mất tập trung.
  • Đau nhức đầu. 
  • Đau cơ. 
  • Ngạt mũi, hoặc sổ mũi. 
  • Khó thở ở mức độ nhẹ, đau tức ngực (chủ yếu xuất hiện ở người mắc bệnh nền). 
  • Không ngửi thấy mùi hoặc mất vị giác (triệu chứng ít phổ biến hơn so với biến thể trước đây). 
  • Cảm thấy buồn nôn, nôn.
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ (tiêu chảy). 

Lên cơn sốt hoặc ớn lạnh là một trong những triệu chứng thường gặp ở người nhiễm SARS-CoV-2 biến thể XEC 

Nhìn chung, phần lớn các trường hợp nhiễm XEC đều biểu hiện triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên theo tài liệu công bố của WHO, một số nhóm đối tượng như người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm hệ miễn dịch,... lại có xu hướng tiến triển bệnh lý nặng hơn. Những nhóm đối tượng này cần được theo dõi y tế chặt chẽ, nhất là khi biểu hiện các dấu hiệu như: 

  • Khó thở
  • Đau tức ngực
  • Mất ý thức. 
  • Bỏ ăn. 
  • Sốt cao liên tục từ 2 đến 3 ngày dù đã dùng thuốc hạ sốt. 

Theo kết luận của WHO, triệu chứng ở người nhiễm biến thể XEC gần tương tự như các biến thể Omicron từng được phát hiện. Chưa có bằng chứng cho thấy XEC gây biến chứng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, do khả năng lây lan nhanh và lẩn trốn miễn dịch nên XEC cần phải được thận trọng theo dõi. 

4. Cách phòng ngừa 

Tương tự như phần lớn biến thể SARS-CoV-2 khác, XEC có khả năng lây lan qua đường hô hấp nếu mọi người tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi, ho. Vì vậy để chủ động phòng ngừa, bạn cần chú ý đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế lui tới khu vực tập trung đông người, súc miệng họng hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc với người lạ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các loại vắc xin phòng SARS-CoV-2 hiện nay vẫn phát huy hiệu quả phòng ngừa với biến chủng XEC, đặc biệt giúp giảm nguy cơ diễn biến nặng và tư vong. Do đó, bạn nên tuân thủ khuyến cáo về lịch tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để phòng ngừa SARS-CoV-2, bạn cần chủ động tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Trường hợp phát hiện bị nhiễm SARS-CoV-2, bạn nên tự cách ly tại nhà tối thiểu 5 ngày, đồng thời thông báo với cơ sở y tế tại địa phương để được hỗ trợ. 

Tại Việt Nam, SARS-CoV-2 thuộc nhóm B, tập hợp các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan và gây tử vong. Mặc dù tình hình dịch bệnh hiện tại không còn nghiêm trọng như giai đoạn đỉnh điểm 2021-2022 nhưng người dân vẫn nên thận trọng, chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa. 

Trước nguy cơ dịch COVID 19 trở lại, bạn không nên chủ quan mà hãy chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, bạn hãy tuân thủ theo chỉ dẫn tự cách ly của Bộ Y tế, thông báo tình hình nhiễm bệnh cho cơ quan y tế tại địa phương để được hỗ trợ kịp thời. Nếu cần lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, tham khảo tư vấn điều trị và phòng ngừa của bác sĩ chuyên môn, bạn hãy liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC theo số tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.