Các tin tức tại MEDlatec

Cây bàn tay và một số bài thuốc phổ biến từ đồng bào vùng cao

Ngày 01/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Mọc khá phổ biến tại khu vực vùng núi Tây Bắc, cây bàn tay được sử dụng trong một số bài thuốc của đồng bào dân tộc nơi đây với tác dụng tốt cho gan hoặc để giải rượu. Sau đây là một số thông tin và bài thuốc hay về loại cây này.

1. Cây bàn tay là cây gì?

Còn được gọi với tên cây bàn tay ma hoặc co mừ phi, tên khoa học của nó là Heliciopsis lobata, thuộc họ Cơm vàng (Proteaceae). Họ này chỉ có khoảng 20 loài với 3 chi ở Việt Nam.

Tên của chúng có nguồn gốc từ truyền thuyết của người Tày ở Cao Bằng, Bắc Kạn, họ cho rằng cây chỉ mọc trong các rừng thiêng là nơi an táng người chết. Không những thế, lá cây có dạng xẻ thủy, gợi liên tưởng tới những bàn tay khổng lồ để canh giữ cho người đã khuất được yên nghỉ.

Cây rất quen thuộc với người dân miền núi phía Bắc

Về hình dáng, cây có một số đặc điểm như:

●       Thân gỗ, với chiều cao khoảng 7 tới 8 mét, trên thân có nhiều lông nhung và mọc nhiều cành nhỏ, cuống lá non.

●       Lá có cuống cứng, dài từ 40 tới 80cm, rộng từ 20 tới 40cm, lá dạng xẻ sâu, chia thành 3 tới 9 thùy dạng trứng. Tại mép lá, có thể hình gợn sóng hoặc nguyên.

●       Hoa thường xuất hiện vào khoảng tháng 6, là dạng đơn tính, không có cuống và hình bầu dục.

●       Quả hình dẹt hoặc bầu dục, không có lông. Quả khi chín chuyển màu nâu đen và có thể ăn được, vị ngọt.

Khu vực phân bố phổ biến nhất của cây là tại vùng miền núi phía Bắc, nhưng một số tỉnh Nam Bộ cũng có thể tìm thấy. Bởi là dạng cây gỗ nhỡ nên phần lõi gỗ có thể được ứng dụng để làm vật dụng trong gia đình, ván lót sàn hoặc thưng nhà,... Với tác dụng để làm thuốc, có thể sử dụng rễ cây, phơi khô, thái lát mỏng.

2. Một số công dụng được biết tới của cây bàn tay

Những nghiên cứu của y học cổ truyền cho thấy, cây có một số đặc tính như: mát, vị chua nhẹ, giúp thanh nhiệt, giải độc. Từ lâu, các tác dụng của cây đã được kiểm chứng trong dân gian, cụ thể như:

●       Giải độc gan: sử dụng cây bàn tay, có thể giúp giảm các triệu chứng xấu liên quan tới gan, chẳng hạn như: tăng men, nóng gan, vàng da, vàng mắt, xơ gan, viêm gan do virus hoặc nước tiểu đổi màu sẫm,...

●       Dùng cho những người uống quá nhiều bia rượu để giải độc, giải rượu.

●       Chống viêm và có thể giúp lợi tiểu.

●       Hỗ trợ trong điều trị một số chứng bệnh về khớp, chẳng hạn như: thấp khớp, viêm khớp.

●       Hỗ trợ điều trị một số bệnh ở thận, liên quan tới bài tiết chẳng hạn: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm cầu thận, nước tiểu đỏ hoặc phù do thận,...

●       Có thể dùng để nấu nước tắm cho phụ nữ sau sinh nhằm giảm hiện tượng đau nhức.

●       Hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường: nóng, khó chịu trong người, miệng khô, khát nước.

Từ lâu, cây đã được sử dụng như một vị thuốc trong dân gian

Từ lâu, cây đã được sử dụng như một vị thuốc trong dân gian

3. Một số cách sử dụng thường gặp đối với cây bàn tay

Cây bàn tay được sử dụng phổ biến theo một số cách như:

●       Lấy rễ cây, đem thái thành lát mỏng rồi phơi khô. Sau đó, có thể sắc lấy nước uống hàng ngày giống như trà, cũng có thể đem ngâm rượu rồi sử dụng đều đặn để trị thấp khớp, mỗi ngày uống 1 tới 2 ly nhỏ.

●       Để dùng ngâm rượu, có thể lấy khoảng 1kg rễ đã được phơi khô rồi đem ngâm ngập trong khoảng 2 lít rượu trắng 40 tới 45 độ. Ngâm trong ít nhất là 1 tháng để có thể tận dụng được hết các thành phần có lợi từ rễ cây.

●       Với việc sử dụng rễ cây làm thuốc, tùy từng loại bệnh cũng như tình trạng của người mắc mà liều lượng có thể khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến nhất là dao động từ 20 tới 50 gam rễ khô bởi nếu dùng nhiều, trong thời gian dài có thể dẫn tới giảm sinh lý.

4. Một số bài thuốc phổ biến từ cây bàn tay

Như trên đã nói, cây có tác dụng tốt đối với một số bệnh về gan, thận hoặc được dùng để giải rượu. Các bài thuốc có thể kể tới như:

Để giải rượu

Trước hoặc sau khi sử dụng rượu, bạn có thể uống 1 cốc nước được sắc từ rễ bàn tay khô. Điều này sẽ giúp cho bạn có thể giảm các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu hoặc buồn nôn, chóng mặt sau khi uống rượu.

Cách sắc nước như sau: lấy một lượng khoảng 70 gam rễ đã được phơi khô rồi bỏ ba bát nước vào nấu. Đun cho tới khi nước sôi, để lửa nhỏ trong vòng 5 phút, sau đó chắt ra để uống.

Cây có thể mang tới tác dụng giải rượu

Để chữa bệnh về vàng da, vàng mắt, ít tiểu hoặc nước tiểu màu sậm

Dùng bài thuốc gồm các thành phần: rễ của cây bàn tay (20 gam), thổ phục linh (10 gam), mộc thông (20 gam), lá nhãn (10 gam), bồ khai đỏ (100 gam) rồi đem đi sắc với nước, chia thành 2 tới 3 lần uống. Mỗi ngày uống một thang thuốc này, liên tục trong 10 tới 15 ngày có thể giúp cho bạn khắc phục được các tổn thương ở gan.

Bài thuốc chữa các bệnh xơ gan do rượu hoặc xơ gan cổ trướng

Sử dụng các thành phần như: 20 gam rễ của cây bàn tay, 100 gma thạch xương bồ, 10 gam rễ chua ngút, 10 gam chỉ thiên, 10 gam rễ me chua, 10 gam bồng bồng rường, 200 gam long nha thảo, 10 gam thổ phục linh, 10 gam rễ dâu rồi đem sắc nước để uống, mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 tới 3 lần.

Bài thuốc để chữa bệnh viêm gan do virus

Với bài thuốc này, có thể sử dụng lượng từ 100 tới 200 gam rễ bàn tay để sắc lấy nước uống.

Bài thuốc để chữa bệnh gout

Với bài thuốc này, lượng cây bàn tay được dùng là khoảng 2000 gam, sắc để lấy nước, uống thay nước hàng ngày, nên uống liên tục trong thời gian từ 1 tới 2 tháng. Bạn cũng có thể cho thêm cây tầm gửi hoặc xau xau để nâng cao hiệu quả trong giảm uric máu.

Có thể nói, cây bàn tay là một vị thuốc gần như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng, bạn cần được sự hướng dẫn từ bác sĩ. Đặc biệt, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nên đi khám để được xác định rõ nguyên nhân.

Trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp trị bệnh nào, bạn cần được bác sĩ tư vấn

Nếu đang tìm kiếm một địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, bạn có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. Bạn có thể gọi tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên hỗ trợ đặt lịch khám nhanh nhất.

Từ khoá: cây bàn tay

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.