Các tin tức tại MEDlatec

Cây hy thiêm và bài thuốc chữa bệnh xương khớp hiệu quả

Ngày 01/02/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh

Cây hy thiêm và bài thuốc chữa bệnh xương khớp hiệu quả

Trong tự nhiên có rất nhiều cây dược liệu có tác dụng chữa bệnh, và hy thiêm là một trong số đó. Vậy tác dụng chữa bệnh của cây hy thiêm trong y học cổ truyền và y học hiện đại là gì?

1. Sơ lược cây hy thiêm

Cây hy thiêm được nhiều người gọi với cái tên quen thuộc hơn là cây chó đẻ, cây cứt lợn, cây cỏ đĩ,…

Đặc điểm tự nhiên

Hy thiêm thuộc dạng cây thân thảo. Chiều cao của cây thường trong khoảng 30 - 40cm, tuy nhiên, trong điều kiện thích hợp, cây có thể phát triển lên đến 1m. Hy thiêm có nhiều cành, thân rỗng, nhiều lông, đường kính từ 0.2 - 0.5cm, dọc thân có các đường rãnh chạy song song.

Lá cây hy thiêm mọc đối xứng, hình quả trám hoặc hình 3 cạnh, dài khoảng 4 - 10cm, rộng khoảng 3 - 6cm. Cuống lá nhỏ và ngắn, phiến lá hình mác, hơi nhăn nheo, mép lá có khía răng cưa tù. Cả 2 mặt trên và dưới lá đều có lông, tuy nhiên, mặt trên lá thì màu xanh sẫm, còn mặt dưới lá thì màu xanh nhạt.

Hoa hy thiêm mọc thành cụm hình cầu, ở giữa là hoa hình ống, còn xung quanh là 5 hoa hình lưỡi. Hoa có màu vàng và cuống hoa có lông. Hoa thường nở vào mùa hè (tháng 4 - 5) và kéo dài đến mùa thu (tháng 8 - 9). Quả hy thiêm hình trứng, kích thước nhỏ, chỉ dài 3mm và rộng 1mm. Mùa kết quả là tháng 6 - 10.

Cây hy thiêm là cây thân thảo mọc nhiều trong tự nhiên

Phân bố sinh thái

Cây hy thiêm không quá “kén chọn” điều kiện tự nhiên, thậm chí là cây mọc hoang được tìm thấy ở khắp mọi nơi. Trên thế giới, cây hy thiêm có nhiều ở châu Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin. Còn tại Việt Nam, hầu như tỉnh thành nào cũng có loài cây này. 

Thu hoạch và bào chế

Người ta thường thu hoạch cây hy thiêm trước thời điểm cây ra hoa (mùa hè, khoảng tháng 4 - 5). Sau khi thu hoạch, cây được làm khô bằng cách phơi hoặc sấy. Nếu là phơi khô thì có thể phơi trong bóng râm hoặc ngoài nắng. Còn nếu sấy khô thì sẽ sấy ở nhiệt độ từ 50 - 60 độ C. Khi sử dụng thì đem cây ra rửa sạch, ủ mềm và cắt thành từng đoạn nhỏ rồi dùng.

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học chính trong cây hy thiêm là các hoạt chất darutoside, darutigenol, alkaloid. Công dụng chính của những hoạt chất này là kháng khuẩn, chống viêm, hạ huyết áp và giãn cơ.

2. Công dụng chữa bệnh của cây hy thiêm

Giống như các loại thảo dược khác, cây hy thiêm cũng được đánh giá cao về công dụng chữa nhiều bệnh.

Theo y học cổ truyền

Trong Đông y, cây hy thiêm có vị đắng, tính hàn và “góp mặt” trong rất nhiều bài thuốc nam chữa bệnh. Đặc biệt là các bài thuốc lợi gân cốt, trị phong thấp, đau nhức xương, đau mỏi lưng gối, tay chân tê dại,… Tuy nhiên, không sử dụng loài cây này để trị bệnh cho các bệnh nhân bị đau mỏi do âm huyết không đủ. Ngoài ra, người ta còn sử dụng cây hy thiêm để xử lý vết rắn cắn, ong đốt, chữa nhọt độc,… bằng cách giã cây tươi rồi đắp trực tiếp vào vết thương.

Các vấn đề về xương khớp có thể được cải thiện khi uống nước sắc cây hy thiêm

Theo y học hiện đại

Các hoạt chất có trong cây hy thiêm mang đến nhiều lợi ích. Cụ thể, chiết xuất cồn thô từ cây hy thiêm được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng viêm, bao gồm cả viêm cấp tính và viêm mãn tính, đồng thời, có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh gút. Đặc biệt, các nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất cồn từ loài cây này còn được sử dụng một chất bổ sung trong công tác điều trị ung thư nội mạc tử cung.

Bên cạnh đó, kirenol - một hoạt chất được tìm thấy trong rễ cây hy thiêm có tác dụng ức chế và tiêu diệt các loài vi khuẩn như Staphylococcus cholermidis, Staphylococcus aureus và Acinetobacter baumannii. Như vậy, theo y học hiện đại, cây hy thiêm được sử dụng để điều trị bệnh gút, viêm thấp khớp, thoái hóa khớp và hỗ trợ điều trị ung thư.

3. Những bài thuốc hay từ cây hy thiêm

Dưới đây là những bài thuốc hay khi kết hợp cây hy thiêm với các thảo dược khác để chữa bệnh.

● Sử dụng 3 chỉ hy thiêm, 3 chỉ bạch mao đằng, 5 chỉ ngưu tất, sắc lấy nước và uống mỗi ngày để trị tê chân tay, đau nhức xương khớp.

● Sử dụng 10 lượng bột hy thiêm, 3 lượng bột thiên niên kiên, 2 lượng bột xuyên khung trộn đều với nhau, vo thành từng viên rồi dùng. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 4 - 5 viên, cách xa bữa ăn. Bài thuốc có tác dụng trị đau nhức xương và tê mỏi lưng gối.

● Sắc 4 lượng hy thiêm lấy nước cốt rồi cho thêm đường đen vào, nấu cô đặc thành cao. Uống 2 lần/ ngày, mỗi lần 1 chén nhỏ để điều trị viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng bài thuốc này để bôi ngoài da tại các vị trí bị đau mỏi.

Hy thiêm có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị khác rồi sắc lấy nước uống

4. Lưu ý khi sử dụng cây hy thiêm chữa bệnh

Lưu ý khi sử dụng cây hy thiêm để chữa bệnh là cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc, bác sĩ trước khi dùng. Trong quá trình sử dụng, nếu cơ thể xuất hiện các bất thường thì cần ngưng ngay và đến gặp bác sĩ.

Và vì là vị thuốc tự nhiên nên khi dùng cần phải kiên trì mới mang lại hiệu quả như mong muốn. Để đảm bảo hiệu quả cao nhất thì bên cạnh việc sử dụng cây hy thiêm chữa bệnh, bạn cần kết hợp:

● Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, tránh xa thực phẩm có hại như đồ đóng hộp, đồ chiên rán; ưu tiên các loại thực phẩm tốt cho xương khớp như sữa, ngũ cốc, trái cây có múi, rau màu xanh đậm,…

● Luyện tập thể dục thể thao với cường độ hợp lý để vừa tăng cường hệ miễn dịch, vừa gia tăng sự dẻo dai cho xương khớp.

● Làm việc, nghỉ ngơi khoa học, tránh khuân vác đồ nặng.

Song song với chữa bệnh bằng cây hy thiêm, nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh và khoa học

Trên đây là những chia sẻ giúp bạn hiểu hơn về công dụng của cây hy thiêm. Mọi nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh, bạn có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. MEDLATEC sở hữu nhiều chuyên khoa với đội ngũ bác sĩ giỏi và cơ sở vật chất hiện đại, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho quý khách hàng.

Quý khách đừng quên gọi đến hotline 1900 56 56 56 ngay từ hôm nay để được đặt lịch khám trước tiện lợi. 

BS Chỉnh đã duyệt

Từ khoá: cây hy thiêm

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.