Các tin tức tại MEDlatec
Chăm sóc trẻ bị ốm tại nhà như thế nào để trẻ nhanh hồi phục?
- 22/12/2021 | Trẻ bị ốm khi nào nên uống thuốc kháng sinh? Cách dùng thuốc an toàn, hiệu quả cho bé
- 01/10/2021 | Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị ốm mùa dịch Covid-19
1. Các lưu ý khi chăm sóc trẻ bị ốm tại nhà
Trẻ đang ốm là lúc cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng nhất để chống lại những tác nhân gây bệnh. Nếu mẹ có những biện pháp chăm con khoa học, hợp lý, con sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.
Cho trẻ nghỉ ngơi
Trẻ bị ốm thường rất mệt và cần nghỉ ngơi để lấy lại sức. Vì vậy khi trẻ bị ốm, mẹ nên để bé ở nhà và chỉ vận động nhẹ nhàng trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ, tránh nắng gắt và khói bụi. Việc để trẻ ở nhà cũng sẽ hạn chế mầm bệnh lây lan sang trẻ khác.
Mẹ không nên ép bé ngủ khi bé không buồn ngủ. Hãy để trẻ làm những điều trẻ thích lúc này.
Trẻ bị ốm cần nghỉ ngơi đầy đủ để lấy lại sức
Cung cấp đủ nước
Trẻ bị ốm, sốt rất dễ mất nước. Vì vậy, mẹ cần bổ sung nước đầy đủ cho trẻ. Ngoài uống nước lọc thông thường, mẹ có thể thay thế bằng sữa, nước trái cây. Đối với thức ăn hàng ngày, mẹ nên ưu tiên những món nhiều nước như canh, súp,…
Xác định nguyên nhân gây sốt
Khi đang chống lại các tác nhân gây bệnh sẽ gây sốt - một phản ứng tự nhiên của cơ thể trẻ. Tuy nhiên, đôi khi cũng là dấu hiệu khởi phát của một số căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, nếu trẻ sốt, mệt mỏi quá mức, lờ đờ, mẹ hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Nếu kết quả bé chỉ sốt virus thông thường, bé có thể được chỉ định theo dõi tại nhà. Ngược lại, nếu trẻ bị sốt do một nguyên nhân bất thường khác, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt
Sai lầm nhiều bà mẹ khi chăm sóc trẻ bị ốm tại nhà là cho trẻ mặc nhiều quần áo hoặc đóng kín cửa vì sợ bé bị lạnh. Tuy nhiên, điều này đôi khi khiến trẻ khó chịu. Thay vào đó, mẹ hãy cho bé mặc quần áo mỏng, nhẹ, thoải mái và ở trong phòng mát mẻ, thoáng mát.
Trong trường hợp phải dùng thuốc cho trẻ, hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự tăng liều thuốc hạ sốt. Nếu mẹ tăng liều chỉ vì muốn con nhanh khỏi, trẻ có thể bị ngộ độc paracetamol.
Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, nhẹ nhàng để trẻ không khó chịu
Nếu trẻ trên 4 tuổi và được kê đơn thuốc, mẹ cần đọc kỹ thành phần thuốc cũng như hướng dẫn sử dụng. Nếu thuốc chứa aspirin hoặc những thành phần chỉ dành cho người lớn thì mẹ không nên cho bé sử dụng. Việc đọc kỹ thành phần thuốc cũng giúp trẻ hạn chế tình trạng kích ứng hay ngộ độc với thành phần thuốc.
Thông mũi cho bé
Sổ mũi, nghẹt mũi là tình trạng thường gặp khi bé bị cảm sốt thông thường. Để cải thiện tình trạng này, bố mẹ có thể dùng ống hút cao su để loại bỏ chất nhầy trong mũi trẻ. Trước khi hút, mẹ nên nhỏ vài giọt nước ấm hoặc nước muối sinh lý vào mũi trẻ để chất nhầy mềm ra, việc hút ra dễ dàng hơn.
Khi trẻ đi ngủ, hãy cho trẻ kê gối cao hơn bình thường để dễ thở. Mẹ cũng có thể dùng máy làm ẩm không khí để trẻ dễ chịu hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng dầu gió dành riêng cho trẻ để bôi vào vùng da dưới lỗ mũi của bé.
Kê cao đầu cho trẻ khi ngủ để trẻ dễ thở
Làm dịu cổ họng cho trẻ
Hãy cho trẻ kiêng đồ ăn, nước uống lạnh nếu trẻ đang gặp tình trạng ho và đau họng. Thay vào đó, hãy cho trẻ uống nước ấm, đồ ăn ấm để cổ họng dễ chịu hơn và làm dịu cơn ho.
Với bé trên 7 tuổi, mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước muối ấm mỗi ngày 2 lần. Đây là cách làm sạch cổ họng khá hiệu quả. Hiện nay cũng có một số loại thuốc giúp giảm đau họng cho trẻ như acetaminophen, ibuprofen. Tuy nhiên, khi cho trẻ sử dụng những loại thuốc này, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Cho trẻ ăn những thức ăn dễ hấp thụ, thức ăn mềm, lỏng
Khi chăm sóc trẻ bị ốm tại nhà, mẹ nên ưu tiên cho trẻ những loại thức ăn mềm như súp, yến mạch, sữa chua,… Những loại thức ăn này vừa dễ hấp thụ, vừa bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ nhanh khỏe. Mẹ chỉ nên cho bé ăn theo nhu cầu, không nên ép ăn khi trẻ không thấy đói hoặc đang mệt mỏi.
Chăm sóc trẻ khi trẻ bị tiêu chảy
Nếu trẻ bị cúm, trẻ có thể kèm theo dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói. Đây là nguyên nhân khiến trẻ mất nước khiến cơ thể mệt mỏi. Lúc này, trẻ cần được bổ sung nước và điện giải. Khi trẻ bị tiêu chảy, tuyệt đối không cho trẻ uống đồ uống có ga hoặc nước ngọt. Hãy khuyến khích trẻ ăn để bổ sung đủ năng lượng. Nếu bé bị nôn ói, mẹ có thể cho bé ăn thực ăn dạng lỏng và chia nhỏ bữa ăn cho bé.
Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa khi bị tiêu chảy
2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi đang ốm
Chăm sóc trẻ bị ốm tại nhà ngoài những phương pháp trên, điều quan trọng là mẹ cần chú ý để chế độ dinh dưỡng của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp trẻ nhanh chóng lấy lại sức khỏe.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ dưới 6 tháng tuổi là sữa mẹ. Do đó, khi trẻ ốm, mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú và tăng số lần bú bởi sức mút vú của trẻ đang ốm sẽ kém hơn. Trường hợp bé không thể bú thì mẹ cần vắt sữa ra rồi đút cho bé.
Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi
Trẻ trên 6 tháng tuổi cần được cung cấp thêm dinh dưỡng từ thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa,… Khi trẻ ốm, mẹ cần chế biến kỹ, nấu mềm và loãng hơn bình thường để giúp trẻ dễ tiêu hóa. Mẹ nên cho bé ăn ngay sau khi nấu. Ngoài ra, mẹ cần bổ sung thêm hoa quả chín, nước trái cây cho trẻ để tăng cường vitamin và khoáng chất. Trẻ đang ốm có thể sẽ biếng ăn, bố mẹ nên dỗ dành, chăm sóc để trẻ ăn nhiều, cung cấp đủ năng lượng để chống lại tác nhân gây bệnh.
Mẹ nên dỗ dành bé để bé ăn nhiều, cung cấp đủ năng lượng để chống lại tác nhân gây bệnh
Bên cạnh đó, mẹ cần bổ sung thêm một số vitamin thiết yếu như vitamin nhóm B, kẽm, crom để hỗ trợ miễn dịch, tăng cường đề kháng. Điều này cũng giúp trẻ ít ốm vặt cũng như hạn chế những vấn để về tiêu hóa.
Trẻ bị ốm là lúc trẻ cần nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Chăm sóc trẻ bị ốm tại nhà đôi khi là vấn đề đơn giản nhưng nếu làm sai cách có thể khiến tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn. Nếu còn có vấn đề cần giải đáp, bố mẹ có thể liên hệ với Bệnh viện MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56. Đội ngũ y bác sĩ tại đây sẽ giải đáp cho bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!