Các tin tức tại MEDlatec
Chụp CT mạch vành giúp chẩn đoán chính xác bệnh mạch vành
1. Tổng quan về bệnh mạch vành
Bệnh động mạch vành là bệnh bao gồm: co thắt động mạch vành, viêm động mạch vành hay xơ vữa động mạch vành. Lý giải cho tình trạng này có thể là do khi thành mạch bị thoái hóa hoặc các mảng bám chứa lipid tích tụ lại dẫn đến tắc nghẽn quá trình lưu thông máu.
Bệnh thường bắt gặp ở những người huyết áp cao, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, người hút thuốc quá nhiều hoặc thường xuyên căng thẳng.
Triệu chứng điển hình của bệnh động mạch vành là đau thắt ngực
Một trong những triệu chứng đầu tiên và điển hình của bệnh động mạch vành chính là những cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh này nhưng lại không bị đau ngực.
Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh mạch vành, người bệnh sẽ được yêu cầu làm các phương pháp thăm dò để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc mang lại hiệu quả cao cho quá trình phòng ngừa và điều trị.
2. Thế nào là Chụp CT mạch vành?
Chụp CT là một phương pháp chẩn đoán dựa trên hình ảnh nhằm kiểm tra tình trạng mạch vành và phát hiện được những bất thường, bệnh lý liên quan đến mạch vành (nếu có) như tắc, hẹp, huyết khối, xơ vữa,...
Để thực hiện chụp CT, trước tiên bác sĩ sẽ đưa chất cản quang vào lòng mạch. Sau đó sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính để thu được hình ảnh của hệ động mạch vành. Dựa vào những hình ảnh đó cho phép bác sĩ quan sát và đánh giá được tình trạng của hệ động mạch vành, đồng thời kiểm tra xem có tổn thương nào không.
Ưu điểm:
- Thời gian chụp ngắn do thực hiện bằng máy chụp cắt lớp đa dãy.
- Sau khi hoàn thành thủ thuật, bệnh nhân không cần ở lại bệnh viện.
- Độ chính xác chẩn đoán bệnh mạch vành hơn 90%.
Nhược điểm:
- Thời gian xử lý hình ảnh sau khi quét thực tế mất từ 1 - 2 giờ.
- Khi chụp CT, bệnh nhân phải nhịn thở được trong ít nhất 10 giây và phải có nhịp tim đều.
- Vẫn tồn tại một số nguy cơ nhất định liên quan đến thuốc cản quang hoặc phơi nhiễm tia xạ.
3. chụp CT mạch vành được tiến hành như thế nào?
Chụp CT chia thành 2 phần là chụp CT không tiêm thuốc cản quang và có tiêm thuốc cản quang. Trong đó, chụp CT không tiêm thuốc cản quang thường thực hiện trong các trường hợp đo độ vôi hóa mạch vành.
Chụp CT động mạch vành giúp chẩn đoán bệnh chính xác
3.1. Chụp CT mạch vành không tiêm thuốc cản quang
Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân (có hay không có triệu chứng đau ngực) mà bác sĩ sẽ có những cách tiến hành phù hợp.
Với những trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh động mạch vành nhưng không xuất hiện triệu chứng, việc đo độ vôi hóa mạch vành sẽ giúp bác sĩ xác định và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, đồng thời có những biện pháp phòng ngừa tiên phát bệnh động mạch vành.
Tuy dễ thực hiện vì không cần tiêm thuốc cản quang nhưng phương pháp này vẫn tồn tại nhược điểm nhất định. Đó chính là chỉ đưa ra gợi ý về tình trạng xơ vữa động mạch chứ không cung cấp thông tin chính xác về mức độ hẹp lòng động mạch vành hay ảnh hưởng chức năng của hẹp động mạch vành.
3.2. Chụp CT mạch vành có tiêm thuốc cản quang
Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác một người có đang bị hẹp động mạch vành hay không. Chụp CT được đánh giá là một trong những kỹ thuật có độ chính xác cao, với khả năng loại trừ hẹp mạch vành từ 97 - 100%.
Chụp CT có tiêm thuốc cản quang không chỉ giúp đánh giá thành động mạch vành mà còn cả lòng động mạch. Điều này đồng nghĩa với việc có thể khảo sát được các đặc tính về mặt cấu trúc lẫn hình thái của mảng xơ vữa.
4. Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định chụp CT mạch vành
4.1. Chỉ định
- Người có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành như: bệnh nhân huyết áp cao, bệnh tiểu đường, hút thuốc lá thường xuyên, tăng lipid máu.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành.
- Người có triệu chứng đau ngực, đã kiểm tra ECG và điện tâm đồ gắng sức nhưng không xác định rõ được những bất thường.
- Theo dõi hiệu quả điều trị bệnh mạch vành ở những bệnh nhân đã được phẫu thuật bắc cầu mạch vành, tạo hình mạch bằng bóng hoặc can thiệp mạch vành ngoài.
- Trường hợp suy tim không xác định nguyên nhân.
- Trường hợp cần xác định các bệnh lý cơ tim như bất thường trên van tim hoặc cơ tim phì đại.
4.2. Chống chỉ định
- Bệnh nhân có tiền sử bị hen phế quản.
- Người dị ứng với chất cản quang hoặc đồ hải sản.
- Người bị suy thận mạn hoặc bệnh thận với nồng độ creatinin cao.
- Trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ, nhịp tim không đều.
- Người mà trong cơ thể có các vật liệu kim loại.
- Phụ nữ có thai.
5. Một vài lưu ý khi thực hiện chụp CT mạch vành
Để đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo tính chính xác của kỹ thuật chụp CT, người bệnh cần lưu ý một số điều như sau:
- Tháo bỏ mọi vật dụng bằng kim loại trước khi chụp CT như đồ trang sức, điện thoại,...
- Trước khi chụp cần nhịn ăn và nhịn uống nước ít nhất 4 giờ. Nếu uống nước thì cần đảm bảo không quá 50ml.
- Trong vòng 1 - 2 ngày đầu sau khi chụp CT cần uống nhiều nước để đào thải hết chất cản quang ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.
Nhịn ăn trước khi chụp CT mạch vành ít nhất 4 tiếng
Chụp CT có thể dẫn đến một số tai biến do thuốc cản quang, tuy nhiên tình trạng này rất hiếm khi xảy ra.
Tóm lại, có thể nói chụp CT là phương pháp có giá trị cao trong việc chẩn đoán bệnh các bệnh mạch vành, tuy nhiên vẫn tồn tại những nguy cơ nhất định. Do đó, với từng bệnh nhân cụ thể bác sĩ đều phải cân nhắc giữa lợi ích và tác hại trước khi quyết định chụp CT mạch vành.
Vui lòng liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn miễn phí từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!