Các tin tức tại MEDlatec
Chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc người bị cảm cúm
- 15/04/2021 | Giải đáp: Người bị cảm cúm nên ăn gì để nhanh khỏe
- 03/04/2021 | Bệnh cảm cúm lây qua những đường nào? Phòng ngừa ra sao?
- 19/04/2021 | Cảm cúm khi nào cần đi khám để tránh kéo dài tình trạng?
1. Tổng quan về tình trạng
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa thu và mùa đông, khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột. Thường thì sau 3 - 5 ngày hoặc lâu hơn, từ 7 - 10 ngày, người bị cảm cúm sẽ bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên, việc chăm sóc người bị cảm cúm không đúng cách và chữa trị không tích cực có thể khiến tình trạng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hiện nay, các virus cúm có nguồn gốc từ động vật (gia súc, gia cầm) xuất hiện rất nhiều. Xét về độ nguy hiểm và độ lây lan thì các virus cúm này đều rất đáng sợ, chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Có thể kể đến những “đại dịch” cúm đã từng là nỗi ám ảnh và là thách thức của các tổ chức Y tế như H5N1, H1N1, H7N9,…
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các loại virus cúm gây ra
2. Nguyên nhân và triệu chứng của cảm cúm
Nguyên nhân gây cảm cúm
Như đã nói, cảm cúm do virus cúm gây ra. Virus cúm được phân loại theo A, B, C, trong đó, phổ biến nhất là loại A. Nhưng virus cúm gây bệnh như thế nào?
Theo đó, khi người bình thường tiếp xúc với người bệnh thông qua nói chuyện trực tiếp, hay thậm chí chỉ là đứng cạnh nhau và hít phải các chất dịch mà người bệnh vô tình thải ra khi ho, hắt hơi là có thể bị nhiễm virus cúm có trong chất dịch này. Hoặc người bình thường tiếp xúc với những vật mà người bệnh đã chạm vào, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng là virus cúm có thể tấn công và xâm nhập vào cơ thể.
Bên cạnh đó, con người có thể bị lây nhiễm virus cúm từ các loài động vật (gia súc, gia cầm, chim,…) khi tiếp xúc với chúng hoặc sử dụng chúng làm thức ăn.
Triệu chứng của cảm cúm
Sau 1 - 2 ngày tiếp xúc virus cúm, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
-
Sốt cao, có thể là 40 độ C.
-
Ớn lạnh.
-
Ho.
-
Hắt hơi.
-
Sổ mũi.
-
Đau rát họng.
-
Đau cơ, mỏi người.
-
Đau đầu.
-
Cảm thấy mệt mỏi, suy nhược.
-
Mắt nhạy cảm với ánh sáng, dễ chảy nước mắt.
-
Dạ dày khó chịu, thường xuất hiện ở trẻ em.
Triệu chứng của cảm cúm bao gồm sốt, ho, hắt hơi, mệt mỏi, đau đầu,…
Với những loại cúm thường thì các triệu chứng này sẽ tự động hết sau 3 - 5 ngày nếu bạn ăn uống đủ chất và có lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, với những cúm do virus cúm có nguồn gốc từ động vật hay virus cúm chủng mới gây ra, nếu không được chữa trị và chăm sóc đúng cách thì bệnh sẽ kéo dài 4 - 6 tuần hoặc hơn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
3. Cách chăm sóc người bị cảm cúm
Khi chăm sóc người bị cảm cúm, phải luôn ghi nhớ và tuân thủ nghiêm ngặt 2 nguyên tắc:
-
Một là, chăm sóc tích cực để người bệnh mau chóng hồi phục.
-
Hai là, chăm sóc đúng cách để người chăm sóc không bị lây nhiễm.
Đối với người bị cảm cúm
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng nói trên, như sốt cao, ớn lạnh, rét run, ho, hắt hơi, sổ mũi,… cần đến bệnh viện hoặc phòng khám gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị và kê thuốc cảm cúm phù hợp.
Người bệnh nên được cách ly, ở phòng riêng và không tiếp xúc với những người khác trong gia đình để hạn chế sự lây lan. Thời gian cách ly tối thiểu là 1 tuần. Trong thời gian này, người bệnh cần ăn uống đầy đủ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Điều này vừa giúp người bệnh mau khỏi, vừa tránh sự lây lan cho những người khác, nhất là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em.
Trường hợp người bệnh bắt buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách với người khác. Khi ho, hắt hơi nên dùng khăn giấy để che miệng, mũi và vứt khăn giấy vào thùng rác.
Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách để bệnh thuyên giảm và hồi phục nhanh chóng
Người bệnh luôn giữ tâm lý thoải mái, nghỉ ngơi và thư giãn nhiều nhất có thể. Phòng ốc phải đảm bảo thông thoáng, mát mẻ, sáng sủa, nhiệt độ không cao cũng không thấp. Tuyệt đối không nằm phòng có máy lạnh vì sẽ khiến các triệu chứng ho, đau họng, khan tiếng thêm nghiêm trọng, người bệnh càng mệt mỏi và bệnh càng khó hồi phục.
Khi người bệnh sốt quá cao, có thể uống thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và bổ sung thêm vitamin C liều cao để tăng sức đề kháng. Riêng đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh dạ dày, tá tràng thì cẩn thận hơn khi dùng thuốc, nhất là aspirin, APC,…
Các triệu chứng của cảm cúm thường khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi. Để tạo cảm giác dễ chịu hơn, người bệnh nên mặc quần áo thoáng mát, đồng thời, có thể xông các lá thơm (lá chanh, lá bưởi, lá sả, lá bạc hà, lá tía tô, húng quế,…). Phương pháp này nếu thực hiện đúng cách sẽ giúp người bệnh thông mũi, giải cảm và khỏe hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, súp, canh và uống thật nhiều nước ấm. Kết hợp với rửa tay, rửa mặt và nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý đều đặn sẽ giúp bệnh mau khỏi.
Nếu sau 1 tuần nghỉ ngơi và áp dụng các hướng dẫn trên mà bệnh không thuyên giảm, nên tái khám ngay để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Đối với người chăm sóc
Luôn đeo khẩu trang khi chăm sóc người bị cảm cúm. Sau khi tiếp xúc với người bệnh thì rửa tay và rửa mặt bằng nước và xà phòng, kết hợp với nhỏ nước mũi sinh lý thường xuyên. Tuyệt đối không sử dụng đồ dùng và ăn thức ăn thừa của người bệnh để phòng ngừa lây nhiễm.
Người chăm sóc cũng nên ăn đầy đủ và uống nước ấm để tăng sức đề kháng, phòng ngừa lây nhiễm
Ăn uống đầy đủ và bổ sung thêm nhiều dưỡng chất, đặc biệt là rau và trái cây để tăng sức đề kháng. Uống nhiều nước, có thể là nước ấm kết hợp với nước chanh, nước cam, nước mật ong pha gừng để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc của người bệnh. Khăn giấy hay rác thải của người bệnh phải được để túi riêng và xử lý hàng ngày, không để dồn từ ngày này sang ngày khác.
Khi thấy cơ thể mệt mỏi và xuất hiện các triệu chứng bất thường, nghi cảm cúm, cần được thăm khám và điều trị ngay để tránh bệnh chuyển biến nhanh và lây sang người khác.
Trên đây là hướng dẫn chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách và hiệu quả. Nên nhớ, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc người bệnh và tự chăm sóc bản thân để tránh những trường hợp đáng tiếc.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!