Các tin tức tại MEDlatec
Chuyên gia tư vấn các phương pháp điều trị tâm lý bệnh nhân ung thư
- 17/09/2021 | Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày cần ghi nhớ để phát hiện sớm
- 21/09/2021 | Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư mà bạn cần tránh xa
- 18/09/2021 | Người điều trị ung thư nên biết: ưu nhược điểm của phương pháp hóa trị
1. Bệnh nhân bị ung thư phải trải qua các giai đoạn tâm lý như thế nào?
1.1. Thời điểm đi thăm khám bệnh
Có những người khi nghi ngờ mình mắc bệnh ung thư đã trở nên bất an đến nỗi mất ăn mất ngủ. Ngược lại có người thì chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu bất thường, không chủ động đi khám nên khi phát hiện ra thì bệnh đã bước sang giai đoạn muộn. Những lúc như vậy cần trấn an bệnh nhân bằng cách củng cố niềm tin vào y học: để chẩn đoán ung thư đã có những xét nghiệm với độ chính xác cao và phương pháp điều trị đặc hiệu.
Trong trường hợp người bệnh tỏ ra lo lắng thái quá, không tin vào sự thật thì cần phải động viên, chia sẻ và khích lệ họ. Tiên lượng bệnh sẽ tốt hơn nếu sớm bắt tay vào điều trị với một tinh thần thật tích cực, đồng thời có sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ.
1.2. Khi được chẩn đoán bệnh
Trong giai đoạn đã xác định được loại ung thư mà mình mắc phải, thông thường bệnh nhân sẽ có những phản ứng như sau:
-
Bất ngờ, choáng váng;
-
Chối bỏ sự thật;
-
Lo lắng;
-
Bi quan;
-
Chán trường;
-
Lạc hướng trong việc tìm phương pháp điều trị.
Bệnh nhân có xu hướng trở nên bi quan khi nghe tin mình mắc ung thư
Các phản ứng trên là điều không thể tránh khỏi đối với bất kỳ ai khi nghe tin bản thân đang mang trong mình căn bệnh ung thư - loại bệnh lý ác tính có tỷ lệ tử vong cao. Khi đối mặt với những cảm xúc này của người bệnh, người nhà và bác sĩ cần có sự hỗ trợ về mặt tình cảm vì ở những người có suy nghĩ tiêu cực thì nguy cơ phát sinh thêm những bệnh lý khác là rất lớn, ví dụ như: trở nên chán ăn, trầm cảm, mất tập trung, buông xuôi hoặc thậm chí là từ chối điều trị,... Do vậy, cần phải quan tâm đến họ và trong trường hợp cần thiết hãy đưa bệnh nhân đi trị liệu tâm lý.
1.3. Thời kỳ điều trị ban đầu
Giai đoạn phẫu thuật:
Phẫu thuật là một biện pháp xâm lấn nên hầu hết các bệnh nhân đều cảm thấy lo ngại và sợ hãi trước các tác động mà dao kéo đem lại. Bên cạnh việc giúp bệnh nhân bình tĩnh hơn qua động viên thì cần thảo luận với họ những giải pháp khắc phục hậu phẫu như tạo hình thẩm mỹ, sử dụng bộ phận giả để thay thế cho phần cơ thể đã bị loại bỏ,...
Cần có sự can thiệp của chuyên gia tâm lý nếu xảy ra các trường hợp sau:
-
Bệnh nhân lẩn tránh, trì hoãn và từ chối phẫu thuật do lo sợ thái quá;
-
Thất vọng, chán nản sau khi điều trị bằng phẫu thuật, đặc biệt là khi biện pháp này gây đau đớn và vẫn có nguy cơ tái phát.
Để người bệnh giảm bớt sự căng thẳng và tích cực hợp tác, bác sĩ cần giải thích đầy đủ, phân tích những lợi ích có thể nhận được là lớn hơn so với các rủi ro có thể gặp phải. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng trong công tác điều trị tâm lý bệnh nhân ung thư.
Khi thực hiện xạ trị/hóa trị:
Khi điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị hoặc truyền hóa chất, bệnh nhân cần được truyền đạt các thông tin như mục đích áp dụng là để tiêu diệt triệt căn, tạm thời hay là kiểm soát tại chỗ khối u ác tính. Một số tác dụng phụ do tia xạ/hóa chất gây ra có thể là:
-
Mệt mỏi;
-
Rụng tóc;
-
Thay đổi tính chất da;
-
Buồn nôn hoặc nôn;
-
Tiêu chảy hoặc táo bón;
-
Gặp vấn đề sinh sản;
-
Thay đổi trong đời sống tình dục.
Các tác động do điều trị mang lại cũng khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nên luôn cần người ở bên chia sẻ, động viên
Tùy theo vùng khu trú của khối u, bệnh nhân sẽ có những phản ứng khác nhau trên cơ thể khi áp dụng các phương pháp này. Tuy nhiên bệnh nhân không nên quá lo ngại vì hậu quả do tế bào ung thư gây ra còn nặng nề hơn rất nhiều so với tác dụng phụ của biện pháp điều trị. Ngoài ra bác sĩ sẽ kết hợp với các phương án điều trị giảm nhẹ đối với từng tác dụng phụ cụ thể.
1.4. Giai đoạn ung thư tái phát
So với thời kỳ chẩn đoán ban đầu, giai đoạn tái phát bệnh ung thư cũng có tác động tâm lý tương tự. Tuy nhiên tình trạng bệnh sẽ có phần phức tạp hơn do nguy cơ thất bại trong điều trị cao hơn. Do đó người thân và bác sĩ cần khích lệ và luôn ở bên cạnh để làm chỗ dựa tinh thần cho người bệnh để họ không nản chí và bỏ cuộc.
1.5. Ung thư giai đoạn cuối
Khi ung thư đã ở giai đoạn cuối, việc điều trị lúc này chủ yếu mang tính chất kiểm soát các triệu chứng và hỗ trợ giảm nhẹ để bệnh nhân bớt đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ.
Điều trị tâm lý bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn rất cần sự động viên từ những người xung quanh để họ được sống những năm tháng cuối đời có ý nghĩa, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng mà họ chưa có cơ hội để thực hiện khi còn khỏe mạnh.
2. Phương pháp điều trị chứng trầm cảm ở bệnh nhân ung thư
Đối với những người bệnh trầm cảm, đặc biệt là khi mắc bệnh ung thư cần được điều trị tại chuyên khoa tâm lý. Dựa trên mức độ trầm cảm, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp tư vấn tâm lý đơn thuần hoặc tư vấn kết hợp dùng thuốc.
Đối với liệu pháp tâm lý:
Bệnh nhân có thể tiếp nhận tư vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, bao gồm: nhà tâm lý học, tư vấn viên hoặc các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Người bệnh sẽ được tiếp cận với các biện pháp giúp thay đổi suy nghĩ tiêu cực, được lắng nghe và thấu hiểu, xoa dịu nỗi lo sợ, cải thiện kỹ năng đối phó với các biến cố trong cuộc sống. Bên cạnh đó, họ là người có kỹ năng nắm bắt tâm lý người bệnh rất tốt, có thể đánh giá được những căn nguyên dẫn tới chứng trầm cảm.
Điều trị tâm lý bệnh nhân ung thư bị trầm cảm bằng thuốc:
Tùy thuộc vào các yếu tố sau bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc chống trầm cảm phù hợp cho người bệnh:
-
Tiền sử bệnh án;
-
Nhu cầu của bệnh nhân;
-
Các tác dụng phụ có thể gặp phải;
-
Tương tác với các thuốc khác đang được sử dụng.
Cần kết hợp điều trị tâm lý, giảm nhẹ triệu chứng và vật lý trị liệu cho bệnh nhân mắc ung thư
Khi mắc ung thư, tâm lý người bệnh trở nên không ổn định và cảm giác tồi tệ là điều không thể tránh khỏi. Chính vì thế sự sát cánh của gia đình và đội ngũ y tế tâm lý, điều trị chuyên nghiệp là rất quan trọng. Ngoài ra việc áp dụng đúng cách các liệu pháp cũng có hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy bệnh nhân vượt qua những mặc cảm, sợ hãi để chiến thắng bệnh tật.
Nếu còn có những băn khoăn liên quan tới việc điều trị tâm lý bệnh nhân ung thư hoặc bất kỳ vấn đề nào khác về sức khỏe, quý bạn đọc vui lòng tham khảo các gói khám tại BVĐK MEDLATEC qua tổng đài 1900565656. Tư vấn viên luôn sẵn sàng chia sẻ và giúp bạn đặt lịch khám một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất!
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!