Các tin tức tại MEDlatec

Chuyên gia tư vấn cách điều trị rối loạn tiêu hóa dễ thực hiện

Ngày 09/03/2022
Rối loạn tiêu hóa thường gây ra nhiều biểu hiện khó chịu ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy có những cách điều trị rối loạn tiêu hóa nào hiệu quả? Chuyên gia y tế của MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này qua bài viết dưới đây.

1. Liệt kê một số nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Khi quá trình tiêu hóa diễn ra, thức ăn sẽ được phân giải và xử lý. Các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ do ống tiêu hóa hấp thụ và đưa vào máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Chất cặn bã thì được tống ra ngoài theo đường phân. Do đó, quá trình tiêu hóa sẽ bắt đầu từ miệng cho tới ruột già, nếu quy trình này bị thay đổi hoặc cản trở bởi bất kỳ tác động nào sẽ gây nên chứng rối loạn tiêu hóa và làm ảnh hưởng tới tổng thể sức khỏe của người bệnh.

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa:

  • Người bệnh bị viêm đại tràng: do lỵ amip, shigella khiến ruột bị kích thích;

  • Đường ruột bị mất cân bằng hệ vi sinh: các vi khuẩn có trong ruột giúp lên men thức ăn, hỗ trợ tiêu hóa. Khi hệ vi sinh này bị mất cân bằng sẽ gây rối loạn chuyển hóa thức ăn. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do bệnh nhân lạm dụng nhiều thuốc kháng sinh;

  • Chế độ ăn uống bất hợp lý: do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến đường ruột bị nhiễm khuẩn. Thêm vào đó chế độ ăn uống không lành mạnh và ăn không đúng giờ cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa;

Chế độ ăn thiếu lành mạnh là một trong các nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiêu hóa

  • Mắc bệnh lý về dạ dày: các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày đều làm giảm chức năng hoạt động và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của hệ tiêu hóa;

  • Lạm dụng đồ uống có cồn: những đồ uống này sẽ hủy hoại lớp men tiêu hóa, đồng thời mất cân bằng nồng độ pH trong dạ dày.

2. Các dấu hiệu cho thấy bạn đang bị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa có thể biểu hiện qua nhiều đặc điểm, xảy ra ở một hoặc đồng thời ở nhiều cơ quan khác nhau thuộc hệ tiêu hóa. Những triệu chứng đặc trưng bao gồm:

  • Bụng chướng: bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy khó chịu, căng vùng bụng và đặc biệt là khó thở sau ăn. Điều này là do thức ăn bị ứ đọng trong ống tiêu hóa vì không được phân giải hết;

  • Buồn nôn, nôn mửa;

  • Bụng đau âm ỉ, nhất là ở vùng bụng dưới, bụng trên và vùng dạ dày;

  • Ợ nóng, ợ hơi;

  • Chán ăn.

Rối loạn tiêu hóa có thể khiến cho người bệnh luôn cảm thấy bụng đau và khó chịu

Thường thì những triệu chứng này chỉ xảy ra với mức độ ít và biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên nếu thấy các dấu hiệu này tăng nặng và kéo dài không khỏi, phân lỏng rắn xen kẽ, đi ngoài lẫn máu thì người bệnh nên đi khám sớm để được điều trị.

3. Cách điều trị rối loạn tiêu hóa ở người lớn

3.1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn tiêu hóa đó là:

  • Thuốc kháng thụ thể H2: bao gồm famotidine, cimetidine, ranitidine và nizatidine;

  • Thuốc kháng axit: gồm Mylanta®, Maalox®, Rolaids®. Các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là táo bón hoặc tiêu chảy;

  • Thuốc ức chế bơm proton: như lansoprazole, pantoprazole, esomeprazole, rabeprazole, omeprazole;

  • Thuốc kháng sinh: như erythromycin giúp hỗ trợ dạ dày tiêu hóa nhanh hơn;

  • Thuốc hỗ trợ nhu động: metoclopramide, bethanechol. Cần hết sức lưu ý khi kết hợp với thuốc khác vì có thể gây tác dụng phụ;

Trong trường hợp bệnh nhân điều trị rối loạn tiêu hóa nhưng không đáp ứng thì người bệnh có thể cần can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật.

3.2. Có một chế độ ăn uống hợp vệ sinh, lành mạnh

  • Khi đang gặp các vấn đề về đường ruột, người bệnh không nên thử những món ăn lạ. Trước khi chế biến cần rửa sạch đồ ăn;

  • Không nên ăn nhiều món chứa nhiều đường và dầu mỡ;

  • Hạn chế sử dụng các dạng đồ uống chứa nhiều cồn như bia rượu, hoặc chứa chất kích thích như trà, cà phê, đồ uống có gas;

Hãy ăn các thực phẩm lành mạnh tốt cho hệ tiêu hoá

  • Khi bị bệnh đường ruột bạn cần lưu ý không nên ăn các món ăn lạ;

  • Bổ sung nhiều hoa quả và các loại hạt sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa rất tốt như táo, chuối, yến mạch, sữa chua,...

3.3. Tích cực luyện tập thể dục và sinh hoạt điều độ

  • Không thức quá khuya: điều này dễ khiến cơ thể dễ bị mệt mỏi, gia tăng gánh nặng lên hệ tiêu hóa. Thức khuya thường kéo theo thói quen dậy muộn, ăn uống không đúng giờ càng khiến triệu chứng rối loạn tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn;

  • Thường xuyên vận động và dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Đây là thói quen lành mạnh, bổ ích, giúp tiêu hao năng lượng và kích thích hệ tiêu hóa, khi ăn bạn sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.

3.4. Bổ sung thêm men vi sinh

Một phương pháp giúp điều trị rối loạn tiêu hóa khác cũng đem lại hiệu quả đó là bổ sung thêm men vi sinh. Nếu hệ tiêu hóa được cung cấp một lượng lợi khuẩn lớn sẽ giúp thúc đẩy tiêu hóa và gia tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên bệnh nhân không nên tùy ý bổ sung mà chưa đi thăm khám và được kê đơn bởi bác sĩ.

Tóm lại, để điều trị rối loạn tiêu hóa cần dựa trên nguyên nhân gây nên tình trạng này. Nếu triệu chứng kéo dài lâu ngày không khỏi mà còn có xu hướng diễn biến nặng hơn thì người bệnh không được chủ quan, cần đi khám để được chẩn đoán và có phương án điều trị sao cho phù hợp. Ngoài ra không nên tự phỏng đoán và đi mua thuốc điều trị triệu chứng vì điều này có thể khiến bệnh càng nặng hơn.

Tại MEDLATEC, chuyên khoa Tiêu hóa được trang bị hệ thống máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, tận tâm mang lại hiệu quả khám, điều trị bệnh tốt nhất.

Để được tư vấn miễn phí về các vấn đề tiêu hóa hoặc những bệnh lý khác, quý khách hàng hãy liên hệ ngay tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.