Các tin tức tại MEDlatec
Da đầu nổi mụn: nguyên nhân và cách xử trí
- 31/05/2023 | Ung thư da đầu: Bệnh hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm
- 09/06/2023 | Thuốc trị nấm da đầu Nizoral cream 10g và một số lưu ý khi sử dụng
- 20/06/2023 | 5 cách tẩy tế bào chết da đầu đơn giản nhưng hiệu nghiệm
1. Như thế nào là da đầu nổi mụn?
Nổi mụn trên da đầu cũng tương tự như nổi mụn ở các vùng da khác trên cơ thể và có nhiều dạng mụn khác nhau. Mụn có thể không viêm mọc ở chân tóc và cũng có thể là mụn viêm với kích thước lớn gây cảm giác sưng đau trên da đầu.
Hiện tượng da đầu nổi mụn ít phổ biến và khó quan sát hơn các vùng da khác vì mụn đã bị che phủ bởi tóc. Do đó việc phát hiện và điều trị với những trường hợp mụn bị viêm thường bị bỏ qua hoặc rất muộn nên da đầu đã bị tổn thương, cảm giác đau đớn kéo dài.
Mụn trên da đầu có thể mọc dưới chân tóc hoặc nổi khắp bề mặt da
Khi da đầu nổi mụn có thể ở chân tóc hoặc trên khắp bề mặt da đầu với các biểu hiện:
- Nổi nốt nhỏ dọc sau gáy hoặc trán.
- Cảm thấy có vết sưng nhỏ trên đầu nhưng không nhìn thấy.
- Vết sưng nhỏ tập trung thành một vùng, tấy đỏ, có thể nhìn thấy.
- Chân tóc hoặc da đầu có mụn đầu trắng.
- Nổi mụn thịt ở chân tóc hoặc da đầu.
- Có u nang sâu bên dưới da nhưng không có đầu mụn.
Các loại mụn nổi trên da đầu thường gặp:
- Mụn đầu trắng, đầu đen.
- Mụn mủ, sẩn viêm trên bề mặt da.
- U nang nằm sâu bên dưới da.
Nếu da đầu nổi mụn trứng cá hoại tử hoặc gặp tình trạng viêm mô tế bào thì đây là trường hợp có tính chất nghiêm trọng, dễ dẫn đến nhiễm trùng và tạo thành sẹo vì tóc rụng thành mảng, thậm chí gây hói đầu.
2. Nguyên nhân khiến da đầu bị nổi mụn là gì?
Hầu hết các trường hợp khi nang tóc hoặc lỗ chân lông bị tắc vì bã nhờn hay tế bào da chết thì sẽ gặp tình trạng da đầu nổi mụn ngứa và đau. Mặt khác, vi nấm, vi khuẩn, chấy rận xâm nhập vào lỗ chân lông cũng là nguyên nhân khiến cho da đầu bị nổi mụn.
Gội đầu chưa đủ sạch có thể khiến cho da đầu nổi mụn
Ngoài ra, nổi mụn trên da đầu cũng có thể xuất phát từ các yếu tố: - Sự tích tụ của sản phẩm chăm sóc do quá trình gội đầu không sạch như: keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc, gel dưỡng tóc, dầu xả tóc,...
- Gội đầu chưa đủ sạch.
- Sau khi tập luyện ra nhiều mồ hôi không gội đầu ngay.
- Thường xuyên ra mồ hôi khi dùng mũ đội che đầu.
Các tác nhân gây nên tình trạng da đầu nổi mụn thường là: nấm họ Malassezia, Curtobacterium, Staphylococcus epidermidis, Demodex folliculorum,... Ngoài ra, chế độ ăn uống, nhất là chế độ ăn giàu carbohydrate làm tăng nguy cơ nổi mụn trên da đầu.
Với đại đa số trường hợp da đầu nổi mụn có thể do gội đầu không thường xuyên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do thường xuyên gội đầu mà lớp dầu bảo vệ da bị mất đi, dễ bị các tác nhân gây hại hoặc ô nhiễm từ môi trường xâm nhập và da đầu bị nổi mụn.
3. Xử trí khi da đầu nổi mụn
3.1. Điều trị
Hầu hết các trường hợp da đầu nổi mụn sẽ được bác sĩ chuyên khoa điều trị bằng thuốc hoặc dầu gội đầu đặc trị. Việc dùng dầu gội đặc trị sẽ vừa làm sạch dầu thừa bám trên da đầu, cặn bẩn vừa ngăn ngừa mụn quay trở lại trên da đầu.
Các loại thuốc điều trị mụn da đầu thường gồm:
- Thuốc không kê đơn
Dầu gội chứa thành phần trị mụn da đầu có thành phần: Axit salicylic loại bỏ tế bào da chết; dầu cây trà loại bỏ vi khuẩn; Axit glycolic tẩy tế bào da chết cùng bã nhờn và vi khuẩn; Ketoconazol chống nấm; Ciclopirox chống nấm dành cho nhiễm trùng da; Benzoyl peroxide loại bỏ vi khuẩn Propionibacterium acnes.
Da đầu nổi mụn nhiều hoặc từng đám nên khám bác sĩ da liễu để được điều trị hiệu quả
- Thuốc được kê đơn
Việc sử dụng các loại thuốc này chủ yếu dành cho trường hợp da đầu nổi mụn kéo dài, sưng đau, rụng tóc,... Thuốc có thể được bác sĩ chỉ định như:
+ Kem steroid hoặc thuốc kháng sinh bôi tại chỗ.
+ Steroid đường tiêm.
+ Kháng sinh đường uống.
+ Thuốc kháng histamin với các trường hợp da đầu nổi mụn do dị ứng.
+ Thuốc đặc trị dành cho trường hợp bị mụn trứng cá nặng, như isotretinoin.
+ Thuốc Corticoid: chỉ dùng với trường hợp nặng và cần dùng ngắn ngày, khi các biện pháp điều trị khác không có tác dụng.
Ngoài ra, da đầu nổi mụn cũng có thể được điều trị bằng liệu pháp quang học (liệu pháp ánh sáng).
Tại một thời điểm chỉ nên áp dụng một biện pháp điều trị da đầu nổi mụn, chỉ điều trị kết hợp hay thay đổi phương pháp điều trị khi có chỉ định của bác sĩ. Việc làm này sẽ giúp theo dõi hiệu quả điều trị dễ dàng hơn, đánh giá đúng để nếu không đạt được hiệu quả thì bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ điều trị.
3.2. Phòng ngừa
Vệ sinh da đầu sạch sẽ giữ vai trò quan trọng nhất đối với việc ngăn ngừa tình trạng bít tắc lỗ chân lông sinh ra hiện tượng da đầu nổi mụn. Mặt khác, để việc điều trị mụn hiệu quả và ngăn ngừa tái diễn, nên:
- Tránh đội mũ quá chật để cho da đầu có không gian “thở”.
- Gội đầu ngay sau khi tập luyện và khi tóc đã bắt đầu có dấu hiệu bết dính.
- Chọn các sản phẩm chăm sóc tóc có thành phần tự nhiên và ít gây kích ứng da.
- Hạn chế thay đổi hoặc dùng quá nhiều sản phẩm chăm sóc tóc.
- Bổ sung các loại vitamin E, D, A để tăng đề kháng cho da đầu.
Trường hợp da đầ u nổi mụn nghi ngờ do chế độ ăn, hãy ghi nhật ký thực phẩm để tìm và phát hiện thực phẩm có nguy cơ gây nên tình trạng này, tránh tái sử dụng chúng.
Nhìn chung hầu hết các trường hợp da đầu nổi mụn nếu được điều trị đúng hướng kết hợp vệ sinh da đầu sạch sẽ, chế độ ăn uống phù hợp thì vùng da đầu bị nổi mụn sẽ sớm được hồi phục. Vì thế, nếu thấy tình trạng mụn trên da đầu có chiều hướng lan ra, mức độ nghiêm trọng hơn thì nên đến khám bác sĩ da liễu để được kiểm tra và điều trị hiệu quả.
Nếu da đầu nổi mụn chưa rõ nguyên nhân, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56,đặt lịch khám cùng bác sĩ da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được đánh giá đúng và tìm ra hướng điều trị phù hợp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!