Các tin tức tại MEDlatec

Dị vật đường tiêu hóa, các phụ huynh chớ coi thường

Ngày 04/12/2014
Bé H (3 tuổi, Hà Nội) được bà trông ở nhà và cho tự chơi đồ chơi. Trong lúc chơi, bé thấy dây chuyền của người nhà để quên nên nghịch và vô ý nuốt vào. Gia đình vô cùng lo lắng khi phát hiện ra và đã đưa bé đi khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Qua thăm khám lâm sàng, thực hiện các biện pháp thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ thấy có một dị vật kích thước khoảng 20x11 mm, nằm ở trong dạ dày của bé. Bác sỹ đã tư vấn gia đình: trường hợp của bé, dị vật không sắc nhọn, còn nằm ở dạ dày nên có thể nội soi dạ dày gây mê để lấy dị vật, tránh các tai biến có thể xảy ra.

Hình ảnh dị vật nằm trong dạ dày (mũi tên).

Nhân trường hợp của bé H, các bác sỹ cho biết sơ qua về dị vật đường tiêu hóa trên:

Ai dễ mắc dị vật đường tiêu hóa?

Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới. Tuy nhiên, những đối tượng thường mắc là:

- Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi.

- Người có răng kém, hoặc có răng giả.

- Người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần.

- Người có thói quen ăn uống không cẩn thận (ăn nhanh, nuốt vội…).

- Có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng (cắt dạ dày - tá tràng, nối vị tràng…).

- Người có bệnh lý ở dạ dày - tá tràng: hẹp môn vị, làm ứ đọng thức ăn trong dạ dày - tá tràng...; hoặc người có bệnh viêm tụy mạn.

- Những người ăn quá nhiều nghệ, tam thất, mật ong; hoặc trẻ em ăn nhiều quả chát: ổi xanh, quả sim, xoài xanh,… thì cũng có nguy cơ dễ hình thành dị vật trong dạ dày - tá tràng,...

Các loại dị vật trong đường tiêu hóa trên

Dị vật của đường tiêu hóa trên rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên, có thể phân làm 3 loại chính như sau:

- Dị vật thực sự bao gồm: xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin… và đây là loại dị vật hay gặp nhất.

- Dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau. - Dị vật dạng cục bã thức ăn: được tạo bởi bã, xơ thực vật, nhiều khi kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây… kết hợp với chất nhầy của dạ dày.

Dấu hiệu mắc dị vật đường tiêu hóa

Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất và vị trí (to hay nhỏ), thời gian mắc dị vật. Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị mắc phải dị vật lúc nào cũng không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu nặng, đi khám bệnh thầy thuốc mới phát hiện dị vật. Có thể phân chia các triệu chứng mắc dị vật làm 2 nhóm: mắc tại thực quản và mắc tại dạ dày:

- Tại thực quản: bệnh nhân thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; ở trẻ em có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,...

- Tại dạ dày: bệnh nhân có dấu hiệu đau vùng thượng vị, buồn nôn-nôn, đầy bụng, chậm tiêu.

Các biến chứng có thể gặp

Nếu mắc phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây ra xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp xe trong thành ống tiêu hóa, abces trung thất, abcess dưới hoành, abces trong ổ bụng, hoặc viêm phúc mạc,... Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì.

Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do các thành phần là các chất độc có trong dị vật...

Điều trị dị vật như thế nào?

Hiện nay người ta có thể sử dụng máy nội soi dạ dày ống mềm để chẩn đoán, xác định vị trí của dị vật, can thiệp điều trị và lấy dị vật qua nội soi.

Đối với các trường hợp không lấy được dị vật vì to quá, hoặc có thể gây nguy hiểm trong quá trình thao tác hoặc dị vật đã gây biến chứng thì cần phải phẫu thuật.

Trường hợp bé H rất may mắn, dị vật bé nuốt vào không phải vật sắc nhọn, còn nằm ở dạ dày, phát hiện sớm và chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ruột, tắc ruột…, nên có thể nội soi dạ dày lấy bỏ dị vật một cách dễ dàng mà không cần phải phẫu thuật.

Cách phòng bệnh

Qua trường hợp của bé N, bác sỹ có một số lưu ý đối với các phụ huynh:

Không cho nên cho trẻ ngậm vật nhỏ để tránh nuốt.

- Việc phòng ngừa trước hết phải tránh các nguy cơ cao, dễ gây mắc dị vật như đã trình bày ở trên. Khi phát hiện dị vật, điều quan trọng cần phải đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm can thiệp qua nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên chữa bằng thuốc nam hoặc bằng mẹo..., vì không khỏi mà để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

- Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn. Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng vì trẻ dễ nuốt vào. Không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc. Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở hoặc thực quản, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời,…

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.