Các tin tức tại MEDlatec

Điểm tên 6 loại sữa dành cho người ung thư tốt nhất

Ngày 23/04/2025
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Bên cạnh thực phẩm hàng ngày, sữa dành cho người ung thư là một lựa chọn giúp cung cấp năng lượng, protein và các vi chất cần thiết để người bệnh nâng cao sức đề kháng, cải thiện thể trạng. Vậy đâu là loại sữa an toàn, giàu dưỡng chất và tốt cho người bệnh?

1. Bị ung thư uống sữa nên hay không? 

Dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị ung thư. Sữa và các sản phẩm từ sữa chính là nguồn dinh dưỡng lý tưởng giúp người bệnh phục hồi sức khỏe. Chẳng hạn như:

  • Bổ sung năng lượng và dưỡng chất: Sữa cung cấp đạm chất lượng cao, chất béo lành mạnh, cùng các vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin D, B12, kali, giúp duy trì năng lượng và ngăn ngừa loãng xương.
  • Cải thiện hệ miễn dịch: Sữa bổ sung vi sinh hoặc sữa thực vật chứa vi chất giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột, giảm nguy cơ viêm nhiễm trong quá trình điều trị.Giảm tác dụng phụ từ điều trị: Sữa dễ tiêu hóa, giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa và duy trì năng lượng, đặc biệt khi người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống do tác dụng phụ của hóa trị hoặc xạ trị.

Với những lợi ích như vậy, bệnh nhân ung thư hoàn toàn có thể bổ sung sữa vào khẩu phần ăn hàng ngày. 

Sữa giúp bổ sung năng lượng và dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

2. Nên lựa chọn sữa cho người bệnh ung thư như thế nào?

Sữa mặc dù tốt cho người bị ung thư nhưng không phải loại sữa nào cũng có thể dùng được. Dưới đây là những tiêu chuẩn khi chọn sữa dành cho người ung thư bạn có thể tham khảo:

  • Sữa giàu đạm và năng lượng cao: Người bệnh ung thư cần nhiều năng lượng và dưỡng chất để phục hồi. Bạn nên chọn sữa có năng lượng trên 1 kcal/ml, đạm trên 10g/ly, ưu tiên đạm whey hoặc casein. Ngoài ra nên chọn sữa có bổ sung vitamin A, D, E và các khoáng chất như kẽm, selen.
  • Sữa không lactose hoặc ít béo: Hệ tiêu hóa của người bệnh ung thư thường yếu. Sữa không lactose và ít béo giúp hạn chế tiêu chảy, đầy hơi và bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa, đồng thời duy trì dinh dưỡng mà không gây gánh nặng cho cơ thể.
  • Sữa từ thực vật: Loại sữa này dành cho người bệnh ăn chay, dị ứng đạm động vật hoặc không dung nạp sữa bò. Sữa thực vật giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và axit béo không bão hòa. Bạn nên chọn sữa có bổ sung canxi, vitamin D, B12 để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất.

3. Gợi ý 6 loại sữa dành cho người ung thư giàu dinh dưỡng

Sữa dành cho người ung thư cần được lựa chọn kỹ, tránh các loại sữa có chứa thành phần gây dị ứng, nhiều chất béo khiến tình trạng bệnh lý thêm trầm trọng. Dưới đây là 6 loại sữa được khuyến khích dùng cho bệnh nhân ung thư:

3.1. Sữa tách béo

Sữa tách béo là lựa chọn lý tưởng cho những người cần kiểm soát lượng chất béo nhưng vẫn muốn duy trì nguồn cung cấp canxi và protein dồi dào.

Sữa tách béo cung cấp cho người bệnh hàm lượng đạm và canxi cao

Lợi ích nổi bật:

  • Cung cấp đạm chất lượng cao, hỗ trợ duy trì khối cơ.
  • Giảm gánh nặng chuyển hóa chất béo cho gan và tụy.
  • Thích hợp cho bệnh nhân bị rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ.

Lưu ý sử dụng:

Người bệnh cần kiểm tra khả năng dung nạp lactose trước khi sử dụng. Với người không dung nạp, nên chọn phiên bản sữa tách béo không lactose để tránh gây tiêu chảy hay đầy hơi.

3.2. Sữa đậu nành

Sữa đậu nành là nguồn đạm thực vật chất lượng cao, chứa nhiều isoflavone - một hoạt chất có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.

Lợi ích nổi bật:

  • Không cholesterol, phù hợp cho tim mạch.
  • Chứa hàm lượng lớn phytoestrogen, giúp cân bằng và điều hòa nội tiết tố.
  • Bổ sung canxi, vitamin D.

Lưu ý sử dụng:

Không dùng quá liều, nhất là với người bệnh ung thư nội tiết tố nhạy cảm (như ung thư vú thể dương tính với thụ thể estrogen), cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng.

3.3. Sữa hạt điều

Sữa hạt điều có hương vị ngọt dịu tự nhiên, dễ uống và chứa nhiều dưỡng chất như vitamin E, magie và chất chống oxy hóa.

Sữa hạt điều có hương vị ngọt dịu tự nhiên

Lợi ích nổi bật:

  • Giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch, tăng khả năng chống viêm.
  • Có khả năng bảo vệ tế bào khỏi tổn thương gốc tự do.
  • Cung cấp chất béo không bão hòa đơn tốt cho hệ tim mạch.

Lưu ý khi sử dụng: 

Sữa hạt điều thường ít đạm hơn sữa bò hoặc đậu nành, vì vậy nên kết hợp thêm nguồn protein khác trong khẩu phần ăn.

3.4. Sữa hạnh nhân

Sữa hạnh nhân không chứa lactose và ít calo, là lựa chọn lý tưởng cho người bệnh có vấn đề tiêu hóa hoặc đang trong giai đoạn giảm viêm, giảm độc tố.

Lợi ích nổi bật:

  • Giàu vitamin E, canxi, tốt cho xương và da.
  • Hỗ trợ kiểm soát đường huyết, phù hợp với người ung thư có kèm tiểu đường.
  • Dễ tiêu hóa, không gây đầy bụng.

Lưu ý sử dụng:

Cần chọn loại sữa không đường, không phụ gia bảo quản để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

3.5. Sữa gạo lứt

Sữa gạo lứt là dòng sữa nhẹ bụng, dễ tiêu, thích hợp cho người bệnh ung thư vừa trải qua hóa trị hoặc xạ trị đang trong giai đoạn hồi phục.

Lợi ích nổi bật:

  • Chứa nhiều vitamin nhóm B, chất chống oxy hóa tự nhiên.
  • Tăng cường năng lượng từ carbohydrate phức.
  • Không chứa gluten, lactose hay cholesterol.

Lưu ý sử dụng:

Sữa gạo lứt hàm lượng protein thấp, nên kết hợp với sữa bổ sung đạm hoặc bổ sung từ bữa ăn chính.

Sữa gạo lứt nhẹ bụng, dễ tiêu, phù hợp với người bệnh vừa làm xong hóa trị

3.6. Sữa hạt gai dầu

Sữa hạt gai dầu (hemp milk) là lựa chọn ít phổ biến nhưng mang lại giá trị dinh dưỡng vượt trội, đặc biệt là với người ung thư cần tăng cường omega-3, chống viêm và phục hồi mô tổn thương.

Lợi ích nổi bật:

  • Chứa tỷ lệ lý tưởng omega-6, omega-3, hỗ trợ kháng viêm.
  • Bổ sung acid amin thiết yếu, phục hồi cơ thể sau điều trị.
  • Tăng cường khả năng miễn dịch, chức năng tim mạch.

Lưu ý sử dụng:

Người bệnh cần chọn sản phẩm nguyên chất, không hương liệu nhân tạo và sử dụng theo liều lượng hợp lý vì đây là sữa có năng lượng cao.

4. Người ung thư uống sữa cần lưu ý gì?

Với sản phẩm sữa dành cho người ung thư, bạn cần lưu ý những điều sau để chọn được loại sữa đúng, an toàn và hỗ trợ tốt cho sức khỏe của người bệnh:

  • Chọn loại sữa phù hợp với tình trạng sức khỏe: Ưu tiên chọn các loại giữa giàu đạm, năng lượng, sữa thực vật và tránh sữa có nhiều chất béo, lactose.
  • Uống với lượng vừa đủ, không quá nhiều: Sữa là thực phẩm hỗ trợ, không phải thuốc điều trị nên tránh lạm dụng dùng thay cho bữa ăn hàng ngày.
  • Thời điểm uống sữa hợp lý: Nên uống sữa sau bữa ăn 1 - 2 giờ, để tránh làm loãng dịch tiêu hóa. 
  • Theo dõi phản ứng cơ thể sau khi uống sữa: Mỗi cơ địa khác nhau có thể phản ứng khác nhau với từng loại sữa. Sau khi uống, người bệnh cần theo dõi biểu hiện để kịp thời xử lý nếu có vấn đề.
  • Kết hợp với chế độ ăn và điều trị y khoa: Sữa chỉ là một phần trong chiến lược dinh dưỡng toàn diện cho người ung thư. Theo đó, người bệnh cần ăn đủ chất, đa dạng, uống nhiều nước và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Nên uống sữa sau ăn, không nên uống sữa khi đói

Việc lựa chọn sữa dành cho người ung thư cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên tình trạng sức khỏe, khả năng hấp thu và lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chủ động kết hợp sữa với chế độ ăn khoa học và tinh thần tích cực để cải thiện bệnh lý tốt nhất. Nếu có nhu cầu tư vấn thêm về dinh dưỡng cũng như các thắc mắc khác về sức khỏe, Quý khách có thể liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC theo tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ chi tiết. 

Từ khoá: vitamin D ung thư

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.