Các tin tức tại MEDlatec

Điều trị viêm tủy xương bằng những phương pháp nào?

Ngày 12/11/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Viêm tủy xương khiến cấu trúc và hoạt động chức năng của xương bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu người bệnh không được điều trị sớm rất dễ gây nhiễm trùng lan rộng hoặc biến chứng hoại tử xương, dẫn đến mất khả năng vận động chi. Vậy, điều trị viêm tủy xương bằng cách nào để đạt hiệu quả tối ưu? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin để bạn giải đáp được thắc mắc đó.

1. Khái quát về bệnh viêm tủy xương

Viêm tủy xương là nhiễm trùng xảy ra ở xương do vi khuẩn gây nên. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ xương nào trong cơ thể nhưng xương đùi và xương cánh tay là các vị trí thường bị ảnh hưởng nhất.

Các trường hợp bị viêm tủy xương thường do sự tấn công của vi khuẩn, phổ biến nhất là tụ cầu vàng. Ngoài ra, Ecoli, liên cầu trùng tan máu,... cũng là tác nhân dễ gây nên bệnh lý này.

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào xương và gây ra bệnh thông qua: chấn thương, vết thương bị nhiễm trùng, hệ thống mạch máu,...

Mô phỏng tình trạng nhiễm trùng trong bệnh viêm tủy xương

2. Các phương pháp điều trị viêm tủy xương hiệu quả

2.1. Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Kháng sinh là phương pháp điều trị chính trong hầu hết các trường hợp viêm tủy xương do vi khuẩn. Mục tiêu của điều trị viêm tủy xương bằng kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng.

- Kháng sinh tiêm tĩnh mạch

Thường được sử dụng ngay từ đầu với các trường hợp viêm tủy xương để nhanh chóng kiểm soát vi khuẩn. Thời gian tiêm kháng sinh tĩnh mạch có thể kéo dài 4 - 6 tuần hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể.

- Kháng sinh đường uống

Sau khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, bệnh nhân có thể chuyển sang dùng kháng sinh đường uống để điều trị tại nhà. Các loại kháng sinh điều trị viêm tủy xương cần được dùng liên tục để tránh tái nhiễm trùng và ngăn ngừa kháng thuốc.

Bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp dựa trên kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ để đảm bảo hiệu quả tối ưu.

2.2. Phẫu thuật 

Khi viêm tủy xương đã gây tổn thương nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với kháng sinh, phẫu thuật là phương pháp cần thiết để kiểm soát nhiễm trùng và phục hồi cấu trúc xương.

2.2.1. Cắt bỏ mô nhiễm trùng

Phương pháp cắt bỏ mô nhiễm trùng được thực hiện với mục tiêu ngăn sự lan rộng của nhiễm trùng. Trong quá trình phẫu thuật, các chất bẩn, vùng bị nhiễm trùng và mô tổn thương trong xương sẽ được bác sĩ loại bỏ hoàn toàn.

2.2.2. Cấy, ghép xương

Nếu xương bị hủy hoại nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện ghép xương hoặc cấy ghép các thiết bị cố định để duy trì hình dạng và chức năng xương.

Điều trị viêm tủy xương bằng ghép xương

2.2.3. Loại bỏ thiết bị cũ 

Đối với những bệnh nhân đã được lắp đặt thiết bị cố định như đinh vít hay nẹp kim loại, nếu các thiết bị này gây viêm hoặc nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cân nhắc loại bỏ hoặc thay thế để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.

2.2.4. Cắt bỏ chi

Cắt bỏ chi là biện pháp cuối cùng, được thực hiện khi các phương pháp điều trị viêm tủy xương khác không mang lại hiệu quả và tình trạng viêm tủy xương đã tiến triển nghiêm trọng. Phương pháp này thường chỉ áp dụng khi nhiễm trùng đã lan rộng và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Phương pháp cắt bỏ chi trong điều trị viêm tủy xương được thực hiện với mục tiêu kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa sốc nhiễm khuẩn và bảo vệ sức khỏe. Sau khi cắt cụt chi, bệnh nhân có thể được hỗ trợ bằng chân hoặc tay giả để phục hồi chức năng vận động. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được vật lý trị liệu để nhanh chóng thích nghi và hòa nhập trở lại với sinh hoạt thường ngày.

3. Quy trình chăm sóc và theo dõi sau điều trị viêm tủy xương

3.1. Chăm sóc tại nhà

Sau khi đã điều trị viêm tủy xương bởi bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần:

- Bổ sung thực phẩm giàu protein, vitamin C, vitamin D và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.

- Giữ sạch vết thương để ngăn ngừa tái nhiễm trùng.

- Tránh các hoạt động mạnh có thể gây chấn thương hoặc làm tổn thương khu vực xương đang phục hồi.

3.2. Theo dõi định kỳ

Bệnh nhân cần tái khám định kỳ sau điều trị viêm tủy xương để bác sĩ đánh giá tiến trình phục hồi và có phương án can thiệp kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường. Trong những lần tái khám, người bệnh thường được chỉ định:

- Chụp X-quang hoặc MRI theo dõi tình trạng xương, đảm bảo quá trình lành xương diễn ra bình thường.

- Xét nghiệm máu để đảm bảo không còn dấu hiệu nhiễm trùng và kiểm tra tác dụng phụ từ thuốc.

Tái khám định kỳ giúp người bệnh được đánh giá khả năng hồi phục sau điều trị viêm tủy xương

4. Những lưu ý trong quá trình điều trị viêm tủy xương

- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị do bác sĩ hướng dẫn, không tự ý dừng sử dụng thuốc vì điều này dễ gây kháng thuốc, khiến diễn tiến bệnh trở nên phức tạp.

- Ngưng hút thuốc và hạn chế rượu bia để không làm suy yếu hệ miễn dịch, kéo dài thời gian phục hồi.

- Việc điều trị viêm tủy xương cần thời gian dài, vì vậy sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình và bạn bè sẽ giúp người bệnh có động lực hơn trong quá trình hồi phục.

Viêm tủy xương là bệnh lý phức tạp, có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Các phương pháp điều trị viêm tủy xương sẽ được cân nhắc tùy vào thể trạng và mức độ viêm ở bệnh nhân. 

Điều trị viêm tủy xương là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Sự kết hợp giữa thực hiện đúng phác đồ điều trị và chăm sóc tích cực tại nhà theo hướng dẫn từ bác sĩ sẽ giúp người bệnh hồi phục tích cực.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám bệnh lý Cơ xương khớp cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt trước lịch khám nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.