Các tin tức tại MEDlatec

Giải phẫu khớp gối: Cấu trúc, chức năng và vai trò quan trọng với vận động

Ngày 13/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Việc hiểu rõ giải phẫu khớp gối không chỉ giúp chúng ta nắm bắt được cấu trúc và chức năng của một trong những khớp quan trọng nhất cơ thể, mà còn là bước đầu tiên để phòng tránh chấn thương, bảo vệ sức khoẻ xương khớp lâu dài. Bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu chi tiết về cấu tạo giải phẫu, chức năng vận động và những vấn đề thường gặp ở khớp gối, từ đó biết cách chăm sóc phù hợp để duy trì sự linh hoạt và bền vững theo thời gian.

1. Tìm hiểu cấu trúc giải phẫu khớp gối

khớp gối là một trong những khớp lớn và chịu áp lực nhiều nhất trên cơ thể, giúp bạn đứng, di chuyển, giữ thăng bằng. Nó gồm nhiều thành phần cấu trúc kết hợp hài hoà để bảo đảm sự linh hoạt và ổn định. 

Các xương cấu tạo nên khớp gối 

Khớp gối được cấu tạo bởi ba xương chính, gồm xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Về cụ thể vị trí và chức năng như sau: 

  • Xương đùi: Là phần trên của khớp, có hai lồi cầu tiếp xúc với mâm chày để tạo nên mặt khớp chính. 
  • Xương chày: Nằm ở phía dưới, là phần chịu trọng lực lớn từ cơ thể
  • Xương bánh chè: Nằm ở phía trước khớp gối, có chức năng bảo vệ khớp và hỗ trợ hoạt động duỗi gối thông qua hệ thống cơ - gân.

Sự kết hợp giữa ba xương này giúp khớp gối hoạt động linh hoạt và vững chắc trong vận động thường ngày. 

Sụn khớp 

Trong cấu trúc giải phẫu khớp gối, lớp sụn là thành phần quan trọng, giúp bảo vệ đầu xương và hỗ trợ vận động trơn tru. Bề mặt tiếp xúc giữa xương đùi và xương chày được bao bọc bởi lớp sụn khớp mỏng, có tính đàn hồi cao, giúp giảm ma sát giữa các đầu xương khi vận động và phân tác lực tác động lên khớp. 

Ngoài ra, trong khớp gối còn có hai mảng sụn chêm, gồm sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Chúng hoạt động như một bộ giảm chấn, cho phép hấp thụ lực, ổn định khớp và bảo vệ bề mặt sụn khớp khỏi bị mài mòn hoặc chấn thương. Trường hợp sụn khớp hoặc sụn chêm bị tổn thương, khả năng vận động của bạn sẽ suy giảm và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp theo thời gian. 

Hệ thống dây chằng 

Hệ thống dây chằng của khớp gối rất phong phú, bao gồm dây chằng chéo trước và sau, dây chằng bên trong và ngoài. Với mỗi loại sẽ có đặc điểm riêng: 

  • Dây chằng chéo trước và sau: Nằm bên trong khớp gối, giúp kiểm soát chuyển động ra trước, ra sau giữa xương đùi và xương chày. 
  • Dây chằng bên trong và ngoài: Giúp ổn định khớp theo chiều ngang, chống lại các lực lệch sang bên. Khi hoạt động, hệ thống dây chằng này phối hợp chặt chẽ để giữ cho khớp gối không bị trật, lật, hoặc xoay quá mức. 

Dây chằng chéo trước nằm bên trong khớp gối

Bao khớp và dịch khớp 

Bao quanh khớp gối là một lớp bao hoạt dịch, có vai trò như lớp màng bảo vệ và giữ dịch khớp bên trong. Khi vận động, dịch khớp giúp các đầu xương trượt lên nhau một cách êm ái, từ đó hạn chế nguy cơ viêm và thoái hoá khớp. 

Hệ thống cơ và gân

Hệ thống cơ và gân xung quanh khớp gối giúp duy trì chuyển động linh hoạt và giữ vững cấu trúc khớp. Trong đó, cơ tứ đầu đùi, nằm ở mặt trước đùi, là nhóm cơ chính giúp duỗi gối. Cơ gân kheo ở phía sau đùi, hỗ trợ gập gối và ổn định khớp trong nhiều tư thế. 

Gân bánh chè (phần nối giữa cơ tứ đầu và xương chày), có vai trò quan trọng trong truyền lực để tạo chuyển động. Sự phối hợp hài hoà giữa cơ và gân giúp khớp gối hoạt động hiệu quả trong cả vận động nhẹ nhàng lẫn cường độ cao. 

2. Chức năng của khớp gối

Khớp gối là khớp bản lề phức tạp, đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong chuyển động cơ thể, gồm có: 

  • Gấp và duỗi chân: Cho phép thực hiện các động tác như đi, đứng, ngồi, leo cầu thang. 
  • Hỗ trợ chịu lực: Gánh vác trọng lượng cơ thể, đặc biệt khi chạy, nhảy hoặc mang vác vật nặng. 
  • Ổn định tư thế: Giúp giữ thăng bằng khi đứng, di chuyển trên các bề mặt khác nhau. 

3. Các vấn đề thường gặp liên quan đến khớp gối

Do đặc thù chịu nhiều áp lực và vận động liên tục, khớp gối dễ gặp các tổn thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận biết sớm các vấn đề bất thường ở khớp gối là điều cần thiết để can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng và duy trì chức năng hệ vận động. Dưới đây là một số bệnh lý và chấn thương phổ biến tại khớp gối: 

  • Thoái hoá khớp gối: Đây là tình trạng sụn khớp bị bào mòn theo thời gian, thường gặp ở người lớn tuổi và người có lối sống ít vận động, thừa cân - béo phì. Triệu chứng điển hình của bệnh là đau nhức khi vận động, cứng khớp vào buổi sáng và giảm khả năng vận động linh hoạt. 
  • Viêm khớp gối: Có thể là viêm khớp dạng thấp, viêm do phản ứng miễn dịch,… Tình trạng này gây sưng, nóng, đỏ, đau và có thể dẫn đến biến dạng khớp nếu không được điều trị kịp thời. 
  • Rách sụn chêm: Thường xảy ra khi chơi thể thao hoặc hoạt động quá mạnh. Người bị rách sụn chêm thường cảm thấy đau nhói, sưng nhẹ, có cảm giác kẹt khớp hoặc khó duỗi gối hoàn toàn. 
  • Tràn dịch khớp gối: Là hiện tượng tích tụ quá nhiều dịch trong khớp, gây sưng, căng tức và đau khi vận động. 

Thoái hoá khớp gối là tình trạng sụn khớp bị bào mòn theo thời gian, gây đau nhức khi vận động

4. Cách bảo vệ và chăm sóc khớp gối

Để duy trì sức khỏe ổn định cho khớp gối, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như: 

  • Duy trì cân nặng lý tưởng để giảm áp lực lên khớp gối. 
  • Tập luyện đúng cách: Ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, bơi lội. Tránh vận động quá mạnh, sai tư thế, vì sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng khớp gối. 
  • Khởi động kỹ trước khi tập thể dục để hạn chế chấn thương. 
  • Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là canxi, vitamin D3, omega-3. 
  • Khám sức khỏe xương khớp định kỳ 3 - 6 tháng/lần, nhất là khi có triệu chứng đau, sưng và hạn chế vận động. 

Tập luyện thể dục đúng cách sẽ giúp duy trì sức khỏe khớp khối ổn định

Bài viết trên đây là chi tiết về cấu trúc giải phẫu khớp gối, chức năng cũng như cách bảo vệ, chăm sóc hiệu quả. Việc hiểu rõ cơ chế hoạt động và thành phần cấu tạo nên khớp gối sẽ giúp bạn chủ động hơn trong phòng ngừa chấn thương, phát hiện sớm bất thường và lựa chọn phương pháp chăm sóc phù hợp. 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe xương khớp, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.