Các tin tức tại MEDlatec
Giải phẫu tủy sống: Tìm hiểu chi tiết cấu trúc, chức năng và các bệnh lý thường gặp
- 30/11/2023 | Mọi vấn đề nên biết về tủy xương
- 01/11/2023 | Những điều nên biết về chọc dò tủy sống
- 20/11/2024 | Tác dụng phụ của gây tê tủy sống sau sinh và biện pháp cải thiện
1. Cấu trúc giải phẫu tủy sống
1.1. Phân đoạn tủy sống
Tủy sống là một bó thần kinh nằm trong ống sống, kéo dài từ nền sọ xuống thắt lưng. Tủy sống được bảo vệ bởi xương sống và các lớp màng bảo vệ để đảm bảo an toàn cho hoạt động truyền tín hiệu của các dây thần kinh.
Tủy sống được chia thành 5 đoạn chính:
- Đoạn cổ: Gồm 8 đôi dây thần kinh tủy có nhiệm vụ điều khiển vận động và cảm giác vùng đầu, cổ và tay.
- Đoạn ngực: Gồm 12 đôi dây thần kinh giúp kiểm soát vùng ngực và cơ bụng.
- Đoạn thắt lưng: Gồm 5 đôi dây thần kinh, điều khiển vận động chân và một phần cơ quan sinh dục.
- Đoạn cùng: Gồm 5 đôi dây thần kinh, kiểm soát vùng xương chậu và cơ quan sinh dục.
- Đoạn cụt: Chỉ có 1 đôi dây thần kinh.
Giải phẫu tủy sống với 5 đoạn chính
1.2. Cấu trúc giải phẫu tủy sống
Cấu trúc giải phẫu tủy sống khá phức tạp nhưng được chia thành ba phần chính:
1.2.1. Màng bảo vệ
Có 3 lớp màng bảo vệ tủy sống:
- Màng cứng: Lớp ngoài cùng, chắc chắn và bảo vệ tủy khỏi chấn thương.
- Màng nhện: Lớp nằm giữa, chứa dịch não tủy, có vai trò giảm áp lực và chống sốc cho tủy sống.
- Màng mềm: Lớp trong cùng, tiếp xúc trực tiếp với tủy sống.
1.2.2. Chất xám
Trong giải phẫu tủy sống, chất xám nằm ở trung tâm, hình bướm, gồm:
- Thân nơron: Chịu trách nhiệm xử lý và truyền thông tin.
- Sừng trước, sừng sau, sừng bên: Đảm nhận các chức năng riêng biệt như vận động, cảm giác và tự động.
1.2.3. Chất trắng
Bao quanh chất xám, chất trắng chứa các bó sợi thần kinh dẫn truyền tín hiệu, gồm:
- Bó vận động: Truyền tín hiệu từ não xuống cơ.
- Bó cảm giác: Dẫn truyền tín hiệu từ cơ thể lên não.
2. Chức năng chính của tủy sống là gì?
2.1. Dẫn truyền thần kinh
- Dẫn truyền tín hiệu xuống não
Các tín hiệu thần kinh từ não được truyền qua bó sợi thần kinh trong chất trắng của tủy sống để điều khiển cơ bắp, cơ quan nội tạng và các hoạt động vận động có ý thức.
- Dẫn truyền tín hiệu lên não
Tủy sống cũng nhận tín hiệu từ các cơ quan cảm giác và chuyển tiếp thông tin này đến não.
- Điều phối chuyển tiếp
Ngoài vai trò truyền dẫn đơn thuần, tủy sống còn giúp điều phối các thông tin phức tạp như điều chỉnh mức độ phản ứng của cơ thể với các kích thích ngoại cảnh.
Tủy sống với các bó sợi thần kinh dẫn truyền tín hiệu đến não bộ
2.2. Kiểm soát phản xạ
Phản xạ là cơ chế tự động của cơ thể để đáp ứng nhanh trước các kích thích mà không cần có sự điều khiển của não bộ. Tủy sống đóng vai trò trung tâm trong việc kiểm soát các phản xạ này.
Tủy sống nhận tín hiệu từ vùng bị kích thích và gửi ngay tín hiệu đến cơ để rút tay lại mà không cần sự tham gia của não bộ. Nhờ vậy mà cơ thể phản ứng nhanh để tránh bị tổn thương.
Bên cạnh đó, tủy sống còn tham gia vào các phản xạ phức tạp hơn như phối hợp giữa nhiều nhóm cơ trong các hành động như đi bộ, nhảy hoặc giữ thăng bằng. Các tín hiệu thần kinh được truyền qua lại giữa các đoạn tủy sống và các cơ quan đích nhịp nhàng để tạo ra sự chính xác của các chuyển động.
Ngoài các phản xạ vận động, tủy sống còn kiểm soát nhiều phản xạ tự động trong các cơ quan nội tạng như điều chỉnh nhịp tim, huyết áp và hoạt động của hệ tiêu hóa.
2.3. Điều phối tín hiệu thần kinh
- Điều hòa thăng bằng: Tủy sống nhận tín hiệu từ hệ thống tiền đình (tai trong) và các cơ để giữ cơ thể ở trạng thái cân bằng.
- Đồng bộ hóa vận động: Các hành động phức tạp cần đến sự phối hợp giữa nhiều nhóm cơ. Tủy sống đóng vai trò chỉ huy để đồng bộ hóa các cử động này.
2.4. Duy trì hoạt động sống cơ bản
Tủy sống giúp duy trì nhiều chức năng sống cơ bản của cơ thể thông qua các hoạt động thần kinh không ý thức.
- Tủy sống điều khiển hoạt động của cơ trơn, cơ tim và các tuyến nội tiết thông qua hệ thần kinh tự động.
- Các phản xạ như tiểu tiện và đại tiện đều được điều chỉnh bởi tủy sống.
3. Các bệnh lý thường gặp liên quan đến tủy sống
3.1. Chấn thương tủy sống
Chấn thương tủy sống thường xảy ra do tai nạn giao thông, té ngã hoặc tham gia thể thao,... làm tổn thương tủy sống. Các chấn thương này gây mất cảm giác, liệt vận động hoặc mất chức năng kiểm soát các cơ quan nội tạng.
Nếu tổn thương tại đoạn cổ có thể gây liệt tứ chi. Nếu tổn thương ở đoạn thắt lưng sẽ ảnh hưởng đến chân và chức năng bài tiết.
3.2. Viêm tủy sống
Viêm tủy sống là tình trạng viêm do nhiễm khuẩn, rối loạn miễn dịch hoặc các bệnh lý tự miễn. Người bị viêm tủy sống có triệu chứng: Đau lưng, yếu cơ, tê bì tay chân, và đôi khi mất khả năng vận động. Viêm tủy kéo dài có thể dẫn đến tổn thương thần kinh không thể phục hồi.
3.3. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm giữa các đốt sống lệch ra ngoài, chèn ép lên tủy sống hoặc rễ thần kinh. Người bị thoát vị đĩa đệm sẽ cảm thấy đau nhói ở lưng, lan xuống chân, yếu cơ và giảm khả năng vận động. Trường hợp nặng, không được điều trị tích cực có thể gây hẹp ống sống, tê liệt chân.
Thoát vị địa đệm ảnh hưởng đến tủy sống, gây đau đớn cho người bệnh
3.4. U tủy sống
U tủy sống gồm u lành tính và ác tính, có thể gây áp lực lên tủy sống và dây thần kinh. Triệu chứng chính mà người bệnh gặp phải là: Đau liên tục, yếu cơ, mất cảm giác hoặc liệt tùy theo vị trí của khối u.
Thông tin giải phẫu tủy sống trên đây hy vọng giúp bạn hiểu thêm về tầm quan trọng của tủy sống để chủ động phòng ngừa, điều trị sớm bệnh lý liên quan. Chăm sóc tốt sức khỏe tủy sống là giải pháp tối ưu để cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám bệnh lý tủy sống cùng bác sĩ chuyên khoa Thần kinh - Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ đặt lịch qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!