Các tin tức tại MEDlatec

Hình ảnh vết sẹo mổ đẻ sẽ như thế nào?

Ngày 01/01/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân

Hình ảnh vết sẹo mổ đẻ

Hình ảnh vết sẹo mổ đẻ sẽ như thế nào?

Hiện nay, việc sinh mổ cũng trở nên ngày càng phổ biến hơn trước đây. Tùy từng cơ địa mỗi người, cũng như sự khéo léo của bác sĩ khi đóng da bụng trong mổ đẻ mà vết sẹo mổ ở phụ nữ sau sinh có thể khác nhau. Với những phụ nữ không phải mổ đẻ hoặc chưa từng nhìn thấy vết sẹo mổ đẻ chắc hẳn sẽ có nhiều tò mò. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn thu thập thêm những kiến thức hữu ích về vết rạch đẻ mổ và cùng các thông tin thú vị khác.

1. Có những loại vết rạch gì khi đẻ mổ?

Đẻ mổ là loại phẫu thuật do bác sĩ thực hiện cho những sản phụ vì lý do nào đó mà không thể đẻ thường được. Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch trên thành bụng của người mẹ, sau đó đưa thai nhi, nhau thai ra ngoài. Quá trình này cần phải được tiến hành hết sức cẩn thận. Có hai phương pháp rạch mổ lấy thai: rạch dọc và rạch ngang.

1.1. Vết rạch dọc

Thường được áp dụng trước đây với một đường rạch chính giữa bụng, kéo dài từ vùng rốn đến vùng mu (tương đương thân tử cung). Phương pháp này có ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

● Phù hợp đối với những thai phụ đang phải cấp cứu do chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung, mất nhiều máu, thai nhi nằm ở những vị trí bất thường hay sản phụ chảy nhiều máu sau sinh,...

● Vết rạch dọc có thể đáp ứng được những vấn đề diễn ra đột xuất trong quá trình phẫu thuật, ví dụ như phải mở rộng vết mổ để xử lý biến chứng.

Nhược điểm:

● Vết mổ sâu và dài khiến thai phụ phải chịu nhiều đau đớn.

● Thời gian hồi phục lâu.

● Nguy cơ sẹo xấu sau khi lành gây mất thẩm mỹ vùng bụng.

1.2. Vết rạch ngang

Vết rạch ngang hiện được áp dụng phổ biến hơn. Cụ thể, bác sĩ sẽ rạch một đường nằm ngang ở ngay phía trên vùng mu (tương đương đoạn dưới tử cung). Hiện nay phải có đến hơn 90% các ca đẻ mổ là áp dụng vết rạch ngang.

Ưu điểm:

● Vị trí vết rạch là ở khu vực thấp nhất của tử cung, thành tử cung ở đây cũng có độ dày mỏng nhất. Nhờ đó sẽ tránh được tình trạng thai phụ bị mất quá nhiều máu, giảm thiểu rủi ro biến chứng.

● Giảm được rủi ro rách vết mổ nếu mang thai lần tiếp theo gần với lần trước đó.

● Vết sẹo rạch ngang sẽ nhỏ hơn so với vết rạch dọc, nếu không để ý kỹ sẽ khó thấy dấu vết của sẹo mổ, không lo sợ về việc mất thẩm mỹ và quá trình hồi phục sau sinh cũng nhanh hơn so với vết rạch dọc.

Nhược điểm:

● Mổ rạch ngang tiêu tốn nhiều thời gian hơn so với mổ rạch dọc.

● Bác sĩ thực hiện ca mổ phải là người có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.

Hình ảnh vết sẹo mổ đẻ

Nói chung cả mổ rạch ngang lẫn rạch dọc đều là những phương pháp có nhiều ưu điểm nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm riêng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, trường hợp của mỗi mẹ bầu và thai nhi mà bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành hình thức mổ phù hợp. Trước khi thực hiện ca mổ, bác sĩ cũng cần phải cân nhắc các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình vượt cạn của người mẹ để hạn chế tối đa những rủi ro hay biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Thường thì sau khi mổ, sản phụ sẽ có cảm giác đau mấy ngày đầu. Vì vậy việc sinh hoạt, đi đứng sẽ gặp nhiều bất tiện cũng như khó chịu. Triệu chứng này sẽ hết dần sau vài ngày hoặc vài tuần tùy cơ địa từng người. Sau khi mổ, người mẹ cần được chăm sóc cẩn thận, nghỉ ngơi hợp lý trong vòng 2 - 3 tuần đầu và vệ sinh vết mổ thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế.

Sau khi mổ đẻ khoảng 6 - 12 tháng, vết mổ sẽ liền hẳn, cảm giác đau sẽ không còn và người mẹ có thể vận động như bình thường. Thời gian hồi phục vết mổ sẽ khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và luyện tập sau sinh, tần suất sinh mổ.

2. Chiều dài thường thấy của vết mổ đẻ

Vết mổ đẻ có đau hay không còn phụ thuộc vào kích thước của nó. Trên thực tế, trung bình vết rạch sẽ có chiều dài nằm trong khoảng 11 - 15 cm là hoàn hảo và tốt cho người mẹ.

Đối với những trường hợp sản phụ rạch vết mổ đẻ ngắn hơn giới hạn nêu trên (dưới 12cm) thì ngay sau sinh sẽ gặp nhiều đau đớn hơn. Nguyên do là bởi vì vết mổ quá nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng mô da bị kéo căng quá mức và gây ra di chứng đau ở vết mổ sau sinh.

Còn những thai phụ bị rạch vết mổ trên 17cm thì sẽ cũng sẽ cảm thấy đau hơn nếu chiều dài của nó ở trong khoảng giới hạn. Người mẹ lúc này sẽ trải qua triệu chứng đau gia tăng sau khi hình thành vết thương, tức là vùng da xung quanh cũng sẽ cảm thấy đau.

Vết mổ đẻ có đau hay không còn phụ thuộc vào kích thước của nó

3. Đẻ mổ có có để lại sẹo không?

So với phương pháp sinh tự nhiên theo ngả âm đạo, sinh mổ sẽ giúp người mẹ bớt đau đớn hơn trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên ngoài vấn đề người mẹ hồi phục chậm hơn so với đẻ thường thì một trong những nhược điểm dễ nhìn thấy nhất ở những trường hợp sinh mổ là nguy cơ để lại sẹo cao. Thực ra cho dù áp dụng hình thức rạch nào (rạch dọc hay ngang) thì vẫn có thể gây sẹo, vấn đề là sẹo lớn hay nhỏ mà thôi. Kích thước của vết sẹo sẽ do những yếu tố sau đây quyết định:

● Chế độ chăm sóc sản phụ sau sinh: nếu không chăm sóc tốt, vết mổ có thể bị nhiễm trùng gây ra các biến chứng nguy hiểm. Không chỉ lâu lành mà vết mổ có thể để lại sẹo lớn. Còn nếu sản phụ chăm sóc vết mổ đúng cách, vết sẹo sẽ hồi phục nhanh và kích thước được thu nhỏ. Do đó nếu nhận thấy vết sẹo có những biểu hiện lạ, nguy cơ bị nhiễm trùng thì tốt nhất là các mẹ nên đi khám trong thời gian sớm nhất có thể.

● Chế độ dinh dưỡng: bên cạnh việc bổ sung những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể sau sinh thì các sản phụ không nên ăn những món như thịt gà, rau muống, thịt bò, đồ nếp vì những món này thường khiến vết sẹo sưng to và khó mờ.

● Cơ địa của mỗi người: những người cơ địa không tốt dễ có sẹo lồi thì kích thước của vết sẹo mổ đẻ thường sẽ lớn hơn so với những người cơ địa tốt.

● Vận động sau sinh: theo hướng dẫn của các bác sĩ Sản khoa thì trong khoảng thời gian 24h sau mổ, người mẹ nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng để vết thương được hồi phục nhanh chóng hơn. Sau khoảng thời gian nghỉ thai sản, người mẹ có thể vận động, tập thể dục bình thường để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Sẹo mổ đẻ tuy xấu xí nhưng lại là biểu tượng thiêng liêng của người phụ nữ

Như vậy bài viết đã mô tả và cung cấp một số hình ảnh vết sẹo mổ đẻ sẽ như thế nào. Phụ thuộc vào từng tình trạng sức khỏe của thai phụ bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp nhất. Hiện nay đa phần những trường hợp đẻ mổ sẽ là áp dụng vết rạch ngang.

Bs vân đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.