Tin tức

Rau muống: khám phá thành phần dinh dưỡng và lợi ích dành cho sức khỏe

Ngày 01/07/2023
Lương Thanh Thủy
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân

Rau muống: khám phá thành phần dinh dưỡng và lợi ích dành cho sức khỏe

Đối với bữa cơm của mỗi gia đình Việt, rau muống từ lâu đã trở thành món ăn dân dã khó quên. Loại rau này có thể chế biến theo rất nhiều cách, mỗi cách đều mang hương vị riêng khó lẫn. Vậy rau muống có lợi ích gì cho sức khỏe không, bảo quản và sử dụng thế nào để đảm bảo dinh dưỡng? Nội dung dưới đây sẽ tìm hiểu về những vấn đề này.

1. Thành phần dinh dưỡng và tác dụng của rau muống đối với sức khỏe

1.1. Thành phần dinh dưỡng của rau muống

Rau muống thuộc giống thân thảo, có thể mọc được cả trên đất bùn và mặt nước, thân rỗng và dài. Đây là loại rau giàu vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể, điển hình là:

- 315.0 µg vitamin A.

- 55.0 mg vitamin C.

- 0.9 mg vitamin B3.

- 77.0 mg canxi.

- 71.0 mg magie.

- 1.7 mg sắt.

- 113.0 mg natri.

- 312.0 mg kali.

Giá trị dinh dưỡng của mỗi 100g rau muống

1.2. Những công dụng của rau muống đối với sức khỏe

- Giảm lượng cholesterol xấu

Nếu đang ở chế độ ăn kiêng và cần giảm cholesterol tự nhiên thì không thể bỏ qua rau muống. Thực phẩm này không chỉ giàu chất xơ mà còn giúp giảm cholesterol và triglycoside của cơ thể, nhất là cholesterol xấu.

- Tốt cho gan

Rau muống còn có khả năng điều chỉnh enzym giải độc với đặc tính xác định gốc tự do và chống oxy hóa. Vì thế, rau muống giúp cơ thể được bảo vệ trước các tổn thương ở gan gây ra bởi hóa chất độc hại.
- Phòng ngừa thiếu máu

Để hình thành nên hồng cầu không thể thiếu sắt. Rau muống chứa hàm lượng sắt cao nên rất tốt với người bị thiếu máu do thiếu sắt, nhất là thai phụ.

- Cải thiện tiêu hóa, phòng ngừa táo bón

Là loại rau giàu chất xơ nên rau muống vừa ngăn ngừa táo bón vừa hỗ trợ chức năng tiêu hóa trơn tru hơn. Khả năng nhuận tràng này của rau muống rất tốt với những ai hay bị táo bón, đầy hơi, khó tiêu. Người bị táo bón nếu uống một cốc nước ép rau muống có thể cải thiện tình trạng này.

- Phòng chống tiểu đường.

Thường xuyên ăn rau muống có thể chống lại oxy hóa và stress do tiểu đường. Đây cũng là thực phẩm được khuyên dùng để điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ.

- Phòng ngừa bệnh tim

Vitamin A, C, và beta-carotene trong rau muống hoạt động như một chất chống oxy hóa tự nhiên giúp làm giảm gốc tự do để ngăn ngừa oxy hóa cholesterol cho cơ thể. Nếu cholesterol bị oxy hóa sẽ dính vào thành mạch máu và làm cho động mạch bị tắc nghẽn. Đây chính là nguy cơ gây đột quỵ, đau tim.

Mặt khác, folate trong rau muống còn có khả năng chuyển hóa hợp chất nguy hiểm là tác nhân gây đột quỵ, đau tim đó là homocysteine. Magie trong rau muống có tác dụng hạ huyết áp, phòng ngừa bệnh tim.

Rau muống có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người

- Chống lão hóa

Bản thân rau muống có nhiều chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn sự phá hủy gốc tự do của các tế bào. Vì thế, duy trì chế độ ăn rau muống hợp lý sẽ giúp cơ thể hấp thụ đến 13 chất chống oxy hóa, chống lại tổn thương do tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, cũng nhờ đó mà giảm nếp nhăn trên da.

Ngoài ra, carotenoid, lutein cùng vitamin A, C có trong rau muống đều rất cần đối với một làn da khỏe mạnh và tươi sáng. Đây chính là lý do nhiều người nói rằng ăn rau muống giúp đảo ngược và ngăn ngừa lão hóa.

- Tốt cho mắt

Hàm lượng lớn vitamin A, carotenoid và lutein rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Vì thế, duy trì chế độ ăn hợp lý với rau muống sẽ làm tăng nồng độ glutathione, nhờ đó mà phòng ngừa được bệnh đục thủy tinh thể.

- Điều trị các bệnh về da

Lá rau muống non có thể dùng như một dược liệu chữa bệnh lý ngoài da như: hắc lào, vảy nến, eczema, mụn trứng cá, nấm,... Chất dinh dưỡng có trong rau muống cũng hỗ trợ phòng ngừa ung thư da.

Mặt khác, rau muống lành tính, giải độc tốt, giúp giảm ngứa hiệu quả với những trường hợp bị ngứa châm chích do côn trùng cắn hoặc ngứa da. Để đạt được công dụng này hãy cho chút muối vào rau muống rồi xay thành bột sau đó chấm lên vùng da bị ngứa, băng lại trong 20 phút.

2. Những lưu ý khi sử dụng rau muống

2.1. Nên ăn bao nhiêu rau muống là đủ?

Mặc dù rau muống nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng không có nghĩa là vì thế mà lạm dụng ăn quá nhiều. Lượng khuyến nghị tiêu thụ rau muống hàng ngày như sau:

- Theo tiêu chuẩn của Canada và Hoa Kỳ: 121g thân và lá, 242g lá, 121g rau đã qua chế biến.

- Theo tiêu chuẩn của Anh: 80g thân và lá, 80 lá, 80g rau đã qua chế biến.

Cần cân nhắc lượng calo trong rau muống không bổ sung quá nhiều

2.2. Chế biến rau muống cần lưu ý

Hầu hết các vùng trồng rau muống ở nước ta đều có đặc điểm nhiều bùn lầy, nước nông nên rất thuận lợi cho sự sinh sống và phát triển của ký sinh trùng, vi khuẩn. Nếu ăn rau muống mà không sơ chế kỹ thì nguy cơ bị các tác nhân này xâm nhập là rất cao.

Do đó, trước khi chế biến bất cứ món ăn nào từ rau muống cần sơ chế thật kỹ rồi rửa dưới vòi nước sạch và ngâm với nước muối hay dung dịch rửa rau để loại bỏ các tác nhân xấu gây bệnh.

3. Cách chọn mua và bảo quản rau muống để đảm bảo giá trị dinh dưỡng

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tốt nhất nên chọn mua rau muống từ các trang trại đã được chứng nhận quy trình trồng rau sạch. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tác hại từ thuốc trừ sâu, nước ô nhiễm, các ký sinh trùng gây bệnh,... có trong rau.

Nên chọn mua rau muống màu xanh đậm, lá tươi và to để được thưởng thức món ăn giòn, đậm đà, móng nước. Nếu rau bị héo úa, hư hỏng,... thì không nên sử dụng.

Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu thêm về lợi ích của rau muống và biết cách khai thác tối đa những lợi ích này để tự tin hơn khi bổ sung các món ăn từ rau muống vào chế độ ăn của mình.

BS Vân đã duyệt

 

Từ khoá: rau muống

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ