Các tin tức tại MEDlatec
Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ: nhận biết bằng cách nào và điều trị ra sao?
bàn chân bẹt ở trẻ
Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ: nhận biết bằng cách nào và điều trị ra sao?
Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ là tình trạng xương chân phát triển bất thường từ khi còn nhỏ. Dấu hiệu của hội chứng này rất dễ nhận biết nên cha mẹ hãy lưu ý để đưa trẻ đi khám, điều trị ngay từ khi còn sớm. Những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ và cách điều trị hiệu quả.
1. Triệu chứng bàn chân bẹt ở trẻ
Hệ xương của trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn trẻ bắt đầu tập đi. Có những trường hợp do gặp phải vấn đề nào đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương bàn chân và gây ra hội chứng bàn chân bẹt.
Khi quan sát, cha mẹ có thể nhận ra bình thường bề mặt lòng bàn chân của các em bé sơ sinh sẽ không có chỗ lõm và không có vòm. Từ 2 - 3 tuổi trở đi gan bàn chân của trẻ mới dần hình thành cấu tạo này. Nhưng có những trẻ đã 2 - 3 tuổi mà lòng bàn chân vẫn phẳng, đặc biệt là khi trẻ đi trên cát hoặc trên nước, sau đó in dấu chân trên nền đất phẳng thì dấu chân đó lại không có chỗ khuyết như dấu chân bình thường. Đó được gọi là hội chứng bàn chân bẹt.
Nhưng cha mẹ cũng cần phân biệt giữa hiện tượng này với bàn chân của những trẻ bụ bẫm chưa lộ ra vết lõm. Khi trẻ từ 6 tuổi trở lên, tình trạng bàn chân bẹt sẽ dần biến mất nhưng nếu không cải thiện thì phụ huynh cần đưa trẻ đi khám và điều trị.
Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ có thể được phát hiện sớm từ khi trẻ còn nhỏ
Một số dấu hiệu điển hình của hội chứng bàn chân bẹt cha mẹ cần lưu ý:
● Khớp gối của trẻ bị lệch, 2 đầu gốc có xu hướng xoay chụm vào nhau.
● 2 chân choãi ra ngoài, đi không thẳng, giống hình chữ v lộn ngược.
● Không có chỗ lõm ở bàn chân.
● Cổ chân xoay đổ vào trong hoặc xoay ra ngoài.
Nguyên nhân khiến trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt cũng đa dạng, trong đó thường gặp nhất là 3 yếu tố sau:
● Do thói quen: là do bé thường xuyên đi chân đất hoặc các loại dép đế phẳng từ nhỏ. Đặc biệt, những trẻ có cấu trúc xương mềm thì cũng dễ bị bàn chân bẹt hơn.
● Do di truyền: trong gia đình có người thân hoặc cha mẹ bị hội chứng bàn chân bẹt cũng có thể di truyền cho con cháu.
● Do tai nạn gãy xương: tổn thương ở xương bàn chân có khả năng tác động tới cấu trúc xương lòng bàn chân, gây hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ.
2. Biến chứng nghiêm trọng của hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ
Do là biến chứng gây ra bởi sự biến dạng xương bất thường nên hội chứng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng vận động, sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ. Cụ thể, hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ có thể gây:
● Dị dạng cấu trúc bàn chân: nếu để lâu thì tình trạng này có thể khiến bàn chân trở nên không cân đối, phát triển lệch trục với triệu chứng là ngón chân cái bị đẩy dồn sang các ngón bên cạnh nó, từ đó tạo nên một cái bướu hay cái mấu ở khớp ngón chân cái khiến trẻ luôn cảm thấy đau đớn và khó chịu khi mang giày dép hoặc khi vận động, di chuyển. Trong trường hợp không can thiệp sớm bằng các biện pháp y khoa, biến chứng này có thể gây viêm gan bàn chân, gai gót chân và tác động tới cả vùng đầu gối.
● Biến dạng chân về lâu về dài: phần lõm của gan bàn chân có tác dụng giúp giảm trọng lực cơ thể và giảm ma sát khi di chuyển. Tuy nhiên trẻ bị hội chứng bàn chân bẹt sẽ phải ma sát nhiều với bề mặt trong thời gian dài. Điều này sẽ làm bàn chân bị biến dạng, mất đi sự linh động khi chạy nhảy, đi lại, dễ bị vẹo gót chân, dễ ngã và ảnh hưởng đến cổ chân.
● Thoái hóa khớp gối: những trường hợp có bàn chân bẹt thì cũng sẽ kéo theo sự phát triển bất thường ở khớp gối. Khi vận động, đi lại hay chạy nhảy, phần đầu gối và xương cẳng chân bị xoay lệch sẽ gây ra cảm giác đau đớn cho trẻ, từ đó trẻ sẽ ngại vận động do bị hạn chế những hoạt động về thể chất. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì có thể gây thoái hóa khớp gối.
Hội chứng bàn chân bẹt có thể ảnh hưởng tới cấu trúc xương chân và khả năng đi lại của trẻ
3. Cách điều trị hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ
3.1. Điều trị hội chứng bàn chân bẹt không cần phẫu thuật
Phương pháp trị liệu không phẫu thuật đối với hội chứng bàn chân bẹt thường được áp dụng cho những trẻ trong độ tuổi từ 2 - 7 tuổi. Bệnh nhi sẽ được chỉ định cho dùng một loại miếng lót đặc biệt mỗi khi trẻ đi giày dép.
Đây là miếng lót được đo đạc theo đúng kích thước bàn chân của trẻ, ở mặt bàn chân được thiết kế tạo vòm. Nhờ tác động của trọng lực cơ thể, miếng lót này sẽ phát huy công dụng giúp tạo vòm, nâng đỡ phần gan bàn chân và đưa xương bàn chân phát triển theo đúng trục xương nguyên thủy.
Biện pháp này được đánh giá cao về tính hiệu quả nhờ độ tuổi áp dụng cho trẻ là từ khá sớm. Trẻ sẽ duy trì việc sử dụng miếng lót này cho tới khi lòng bàn chân trở lại bình thường. Nhưng sau 7 tuổi trở đi thì việc dùng miếng lót sẽ ít đem lại hiệu quả, việc trị liệu sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Cách đơn giản để kiểm tra nguy cơ mắc hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ đó là quan sát dấu chân bé trên cát
3.2. Khắc phục chứng bàn chân bẹt bằng phẫu thuật
Đối với những trẻ không đáp ứng với phương pháp trị liệu nêu trên thì cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Trẻ sẽ được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình để giúp xương bàn chân trở về cấu trúc vốn có, ngay cả những trẻ chưa đủ 7 tuổi cũng có thể áp dụng biện pháp này nếu trị liệu bằng miếng lót không hiệu quả. Cha mẹ cần lưu ý là phải lựa chọn địa chỉ y tế uy tín, phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm với tay nghề cao.
Hy vọng rằng bài viết trên đây đã giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ. Nếu quan sát thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị mắc hội chứng này, cha mẹ có thể đưa trẻ đến khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách hàng hãy liên hệ ngay tới hotline 1900565656 để được tổng đài viên của MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn về các dịch vụ thăm khám tại viện.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!