Các tin tức tại MEDlatec
Hướng dẫn cách chăm sóc người bị cúm A phòng tránh lây nhiễm
- 12/03/2020 | Nhận biết triệu chứng sốt Cúm A để điều trị cho đúng cách
- 06/04/2020 | Cúm A/B và tác hại của nó trong thời điểm dịch Covid 19
- 06/03/2020 | Cúm A sốt 40 độ và những thông tin y khoa không thể bỏ qua
1. Cúm A và thông tin tổng quan về bệnh
Cúm là bệnh lây nhiễm do virus cúm gây ra. Virus cúm được chia thành 3 nhóm A, B và C, trong đó, nhóm A là phổ biến nhất và nguy hiểm nhất, có khả năng lây lan trên diện rộng, đặc biệt là ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không được chữa trị kịp thời.
Cúm A là bệnh cúm do virus nhóm A gây ra, điển hình như H1N1, H5N1, H7N9,… Vật chủ tự nhiên của nhóm virus này là các loài chim hoang dã, gia cầm (gà, vịt, ngỗng) nên còn được gọi là cúm gia cầm.
Người bị nhiễm cúm A có nguy cơ gặp biến chứng và tử vong nếu không được điều trị tích cực, đồng thời, khả năng lây bệnh trên diện rộng là rất cao. Do đó, cần có cách chăm sóc người bị cúm A sát sao, cẩn thận để phòng tránh nguy hiểm cho cả người bệnh lẫn những người xung quanh.
Cúm A do virus nhóm A gây ra, có nguy cơ gặp biến chứng và tử vong nếu không được điều trị tích cực
2. Triệu chứng của cúm A là gì?
Triệu chứng của cúm A khá giống với triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm thông thường, bao gồm: Hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt nhẹ, đau đầu, đau mỏi cơ. Tuy nhiên, ngoài những triệu chứng này, sẽ xuất hiện những dấu hiệu khác cho thấy cơ thể bị nhiễm cúm A như:
-
Sốt cao và kéo dài.
-
Viêm họng, đau họng.
-
Khó thở.
-
Ớn lạnh toàn thân.
-
Ho nhiều.
-
Cơ thể ốm yếu, mệt mỏi, tay chân đau nhức.
-
Mắt nhạy cảm với ánh sáng, dễ chảy nước mắt khi đi ra ngoài sáng.
-
Dạ dày khó chịu, có thể gây buồn nôn, ói mửa (thường gặp ở trẻ em).
Những triệu chứng này thường xảy ra đột ngột, sau 24 - 48 giờ người bệnh bị virus cúm A tấn công và kéo dài 3 - 6 ngày. Nếu bị cúm thông thường, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu mắc cúm A, tốt nhất nên đến bệnh viện để được bác sĩ chỉ định điều trị, bởi nếu không biết cách chăm sóc người bị cúm A thì sẽ nguy hiểm cho cả người bệnh lẫn người chăm sóc.
Triệu chứng của cúm A thường xuất hiện đột ngột và nặng nề hơn cúm thường
3. Cách chăm sóc người bị cúm A đề phòng lây lan
Chỉ chăm sóc người bị cúm A tại nhà khi có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là cách chăm sóc người bị cúm A để phòng tránh bệnh lây lan cho người thân.
Cách ly người bệnh
-
Người bị cúm A nên nghỉ ngơi và sinh hoạt trong phòng riêng tối thiểu là 7 ngày, tính từ ngày xuất hiện các triệu chứng của bệnh cho đến 24 giờ sau khi các triệu chứng của bệnh không còn.
-
Mọi sinh hoạt của người bệnh, kể cả ăn uống và đi tắm, đi vệ sinh cũng nên thực hiện trong phòng cách ly. Phòng này cần được bố trí thông thoáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trường hợp phòng không có nhà tắm, nhà vệ sinh thì khi ra ngoài để vệ sinh cá nhân, người bệnh phải đeo khẩu trang che kín miệng, mũi và rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh.
-
Người bệnh không hoặc hạn chế ra ngoài. Nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang và hạn chế cầm, nắm, chạm vào những nơi hay những vật dụng mà người thân trong gia đình hay sử dụng để tránh lây lan bệnh.
-
Người bệnh tuyệt đối không đứng gần hay tiếp xúc nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người già, trẻ em, người ốm yếu, có sức đề kháng kém,…
-
Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu, đồng thời, uống nhiều nước và tăng cường bổ sung trái cây. Chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là những loại thuốc kháng virus.
Người bị cúm A cần được nghỉ ngơi và sinh hoạt trong phòng riêng, cách ly với mọi người trong gia đình
Xử lý đồ dùng của người bệnh
-
Phòng người bệnh luôn được dọn dẹp, vệ sinh mỗi ngày, nhất là giường ngủ và nhà vệ sinh.
-
Vật dụng trong phòng người bệnh được lau chùi bằng hóa chất thường xuyên. Đối với trẻ em, đồ chơi của bé phải được rửa liên tục.
-
Đồ dùng của người bệnh như chăn mền, gối nệm, quần áo, khăn lau,… được thay hàng ngày và giặt sạch, phơi khô liền sau mỗi lần thay.
-
Tuyệt đối không tái sử dụng khẩu trang, khăn giấy,… của người bệnh. Chỉ sử dụng một lần rồi cho vào túi nilon, buộc lại và bỏ vào thùng rác. Đổ rác mỗi ngày, không để rác tồn đọng ngày này qua ngày khác.
-
Dụng cụ ăn uống của người bệnh phải được rửa và khử trùng bằng nước sôi sau mỗi lần sử dụng.
Phòng tránh lây bệnh cho người thân trong gia đình
Vì cúm A rất dễ lây lan (qua tiếp xúc gần) nên cần hiểu rõ cách chăm sóc người bị cúm A sao cho an toàn, phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
-
Khi tiếp xúc với người bệnh, mọi người phải đeo khẩu trang. Nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai nên hạn chế hoặc tốt nhất là không tiếp xúc với người bệnh cho đến khi người bệnh khỏi hẳn.
-
Rửa tay với xà phòng và nước sạch sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh hoặc chạm vào vật dụng cá nhân của người bệnh (mùng, mền, chiếu, gối, nệm, quần áo, khăn lau, chén dĩa,…).
-
Tuyệt đối không dùng chung đồ với người bệnh. Mỗi người trong nhà nên sử dụng khăn lau, khăn tắm riêng.
-
Nếu nhà sử dụng phòng tắm, phòng vệ sinh chung thì phải dọn dẹp, chùi rửa liên tục. Những khu vực sinh hoạt chung khác như phòng khách, bếp, phòng ăn phải được mở cửa để thông thoáng.
-
Mỗi người trong gia đình cần đo thân nhiệt và theo dõi cơ thể để tự phát hiện những bất thường và nhanh chóng điều trị để tránh nguy hiểm cho bản thân thân lẫn gia đình.
Rửa tay bằng xà phòng hay nước rửa tay diệt khuẩn cũng là cách phòng ngừa lây nhiễm cúm A
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây, bạn đọc sẽ hiểu hơn về sự nguy hiểm của cúm A cũng như biết cách chăm sóc người bị cúm A sao cho an toàn. Bất cứ lúc nào nghi ngờ bản thân hoặc người thân bị nhiễm virus cúm, tốt nhất nên đến phòng khám hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và hướng dẫn điều trị.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!