Các tin tức tại MEDlatec
Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
- 31/03/2021 | Cùng bạn tìm hiểu về dấu hiệu ở các cấp độ của sốt xuất huyết
- 18/03/2021 | Trả lời câu hỏi: Sốt xuất huyết có tự khỏi không
- 02/03/2021 | Góc tư vấn: Sốt xuất huyết chảy máu chân răng nguy hiểm không?
1. Tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua đường máu. Bệnh do virus Dengue gây ra. Theo đó, muỗi vằn sẽ truyền virus này từ người bệnh sang người khỏe, khiến cơ thể bị nhiễm bệnh. Lúc này, cần áp dụng các cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà kết hợp với điều trị tích cực để phòng tránh biến chứng nặng.
Các cấp độ của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có 3 mức độ với các biểu hiện, triệu chứng khác nhau:
Sốt xuất huyết Dengue
Sau khi cơ thể bị nhiễm virus từ muỗi mang mầm bệnh, cơ thể sẽ bắt đầu có triệu chứng trong vòng 2 - 7 ngày. Bao gồm các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, đau khớp và cơ xuất hiện, cùng với đó là tình trạng phát ban.
Muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe, gây ra bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
Ở mức độ này, bệnh xuất hiện tất cả các triệu chứng nói trên, nhưng kèm theo đó là các tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết. Biểu hiện là gan to, đau bụng, xuất huyết nhiều vị trí, tiểu cầu có thể giảm thấp.
Sốt xuất huyết Dengue nặng
Đây là mức độ nặng nhất, bao gồm tất cả các triệu chứng của 2 mức độ trên, nhưng lúc này, huyết tương thoát khỏi mạch máu, gây ra tình trạng chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến người bệnh tụt huyết áp, sốc và có thể tử vong.
2. Dấu hiệu và biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết
Tùy vào mức độ mà bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu khác nhau, nhưng nhìn chung, khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ xuất hiện các dấu hiệu cơ bản sau:
-
Sốt đột ngột và sốt cao, từ 39 - 41 độ C.
-
Chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
-
Xuất hiện các nốt xuất huyết trên cơ thể.
-
Đau đầu, đau bụng, đau xương và khớp.
-
Sau khi hết sốt là các biểu hiện tím môi, tay chân lạnh, người bứt rứt, tiểu tiện ít,… Lúc này, cần được can thiệp y tế ngay tức thì, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Sốt xuất huyết có nhiều mức độ, mỗi mức độ xuất hiện triệu chứng khác nhau
Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh gây biến chứng nặng nếu không được chăm sóc, theo dõi và điều trị kịp thời. Những biến chứng này bao gồm:
-
Huyết tương thoát khỏi mạch máu làm máu chảy ồ ạt trong và ngoài cơ thể. Lúc này, người bệnh sẽ bị chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây ra tình trạng đông máu rải rác lòng mạch.
-
Suy tạng, suy gan cấp, suy thận cấp,…
-
Viêm cơ tim, suy tim.
-
Rối loạn tri giác.
-
Tử vong.
3. Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ
Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà trong trường hợp nhẹ bao gồm:
-
Cho người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn tại giường.
-
Tăng cường uống sữa, nước trái cây, nước cơm và các dung dịch điện giải đẳng trương (Oresol).
-
Uống paracetamol để hạ sốt. Liều lượng uống theo hướng dẫn sử dụng, thường là 4gr/ngày đối với người lớn. Còn với trẻ em sẽ tính theo cân nặng của bé.
-
Chườm ấm.
Người bị sốt xuất huyết cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận
Lưu ý, người bệnh không được sử dụng các loại thuốc steroid, các chất chống viêm không steroid, acid acetylsalicylic (aspirin), mefenamic acid (ponstan), ibuprofen,… Nếu chẳng may đã uống, cần đến gặp bác sĩ.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng với người bệnh. Tùy vào diễn biến bệnh mà cung cấp chế độ ăn uống phù hợp, nhưng phải đảm bảo:
-
Tăng lượng protein, nhất là những protein có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, trứng, sữa,…
-
Tăng tỷ lệ đường đơn, đường đôi (có trong sữa, nước trái cây) và lipid thực vật để cung cấp năng lượng cho cơ thể người bệnh vì lúc này cơ thể người bệnh đang suy nhược, mệt mỏi, rất cần năng lượng để hoạt động.
-
Không ăn quá nhiều trong một bữa mà hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Điều này vừa tránh gây cảm giác khó chịu khi ăn, vừa tốt cho tiêu hóa của người bệnh. Theo đó, người lớn có thể ăn 4 - 6 bữa/ngày, còn trẻ em thì chia nhiều hơn, khoảng 6 - 8 bữa/ngày.
-
Ưu tiên cho những món ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như mì, cháo, súp,…
Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng, cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng nhanh càng tốt
Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng
Quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà, bạn cần theo dõi sát sao các biểu hiện của người bệnh để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường khác. Khi đã áp dụng các cách chăm sóc trên nhưng nếu người bệnh có những triệu chứng nặng, nghi bị xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc xuất huyết Dengue nặng thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Đặc biệt với trẻ em, nếu bé bắt đầu bị chảy máu cam, đi ngoài ra máu, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, rối loạn ý thức, lơ mơ, co giật, tím tái người, khó thở,… thì gấp rút đưa đến phòng khám, bệnh viện gần nhất để được điều trị, tránh các trường hợp xấu xảy ra.
Tóm lại, sốt xuất huyết được đánh giá là bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng khôn lường. Do đó, song song với việc áp dụng các cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà như đã hướng dẫn, nên đưa người bệnh đi tái khám theo đúng lịch trình của bác sĩ. Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng nặng, cần lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi và điều trị tích cực.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh sốt xuất huyết cũng như trang bị thêm cho mình kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc người bệnh tại nhà đúng cách, hiệu quả.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!