Các tin tức tại MEDlatec
Khám phản ứng thành bụng: khi nào cần áp dụng và kết quả có ý nghĩa gì?
- 25/02/2025 | Đau bụng dưới bên trái cảnh báo vấn đề gì và hướng xử lý tại nhà
- 26/02/2025 | Siêu âm ổ bụng có phát hiện ung thư cổ tử cung không? Giải đáp từ chuyên gia
- 26/03/2025 | Đau bụng dưới bên trái ở nữ có thể là bệnh lý gì và khi nào cần điều trị?
1. Khám phản ứng thành bụng là gì?
Khám phản ứng thành bụng là một kỹ thuật thăm khám lâm sàng trong y khoa, được sử dụng để đánh giá xem có hiện tượng kích thích phúc mạc (lớp màng lót trong ổ bụng) hay không. Phản ứng thành bụng là dấu hiệu cho thấy vùng phúc mạc đang bị viêm hoặc tổn thương, thường gặp trong các bệnh lý cấp tính nguy hiểm như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc thủng dạ dày – tá tràng...
Cách thực hiện khám phản ứng thành bụng được tiến hành như sau:
- Bác sĩ dùng tay ấn nhẹ và dần mạnh hơn vào vùng bụng nghi ngờ tổn thương;
- Sau đó, tay được nhấc lên đột ngột – nếu bệnh nhân cảm thấy đau tăng lên rõ rệt ngay lúc đó, được gọi là phản ứng dội hay phản ứng thành bụng dương tính.
Khám phản ứng thành bụng là bước quan trọng trong quá trình thăm khám lâm sàng
Việc khám phản ứng thành bụng cần được thực hiện bởi nhân viên y tế có kinh nghiệm, vì nếu không đúng kỹ thuật hoặc đánh giá sai, có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm.
2. Khám phản ứng thành bụng được chỉ định trong trường hợp nào?
Khám phản ứng thành bụng thường được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ có tổn thương cấp tính trong ổ bụng, đặc biệt là khi bác sĩ cần đánh giá khả năng viêm phúc mạc hoặc các biến chứng nguy hiểm trong ổ bụng. Cụ thể, kỹ thuật này được chỉ định khi người bệnh có các biểu hiện sau:
Đau bụng cấp tính chưa rõ nguyên nhân
- Đặc biệt là đau dữ dội, lan rộng hoặc đau khu trú ngày càng tăng;
- Bệnh nhân có thể kèm theo sốt, nôn, chướng bụng, bí trung đại tiện.
Khám phản ứng thành bụng được chỉ định khi người bệnh xuất hiện tình trạng đau bụng chưa rõ nguyên nhân
Nghi ngờ các bệnh lý ngoại khoa cấp tính như
- viêm ruột thừa cấp;
- Viêm phúc mạc toàn thể hoặc khu trú;
- Thủng tạng rỗng (ví dụ: thủng dạ dày, thủng đại tràng);
- Tắc ruột có biến chứng;
- Viêm tụy cấp nặng;
- Chấn thương bụng kín, nghi ngờ vỡ tạng đặc (gan, lách).
Sau phẫu thuật ổ bụng
Để theo dõi các biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, áp xe ổ bụng hoặc viêm phúc mạc.
Bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân không rõ ổ nhiễm
Nhằm tìm kiếm nguồn nhiễm từ ổ bụng (ví dụ: áp xe trong ổ bụng, viêm vùng chậu ở nữ).
Trên đây là những trường hợp bệnh nhân được chỉ định thực hiện khám phản ứng thành bụng. Tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ có tư vấn và hướng dẫn cụ thể trong quá trình thăm khám.
3. Các thắc mắc phổ biến về kỹ thuật khám phản ứng thành bụng
Trong quá trình thăm khám, trong một số trường hợp như thông tin nêu trên bạn sẽ được chỉ định khám phản ứng thành bụng. Hiện còn có nhiều thắc mắc liên quan đến kỹ thuật này, cụ thể như sau:
Khám phản ứng thành bụng có đau không?
Câu trả lời đó là tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh. Kỹ thuật này có thể gây đau nhẹ hoặc khó chịu, đặc biệt nếu vùng bụng đang bị viêm hoặc tổn thương (ví dụ: viêm ruột thừa, viêm phúc mạc...). Thậm chí bụng có tình trạng co cứng hoặc phản ứng đau rõ rệt nếu có các tình trạng cấp cứu. Nếu không có bệnh lý nặng, người bệnh thường chỉ cảm thấy hơi khó chịu khi bị ấn vào bụng. Tuy nhiên, đây là một bước khám lâm sàng quan trọng giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý trong ổ bụng.
Khám phản ứng thành bụng có thể gây cảm giác đau hoặc khó chịu tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý
Có cần nhịn ăn trước khi khám không?
Không bắt buộc phải nhịn ăn, nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn hạn chế ăn uống trước khi khám, đặc biệt nếu:
- Có nghi ngờ viêm ruột thừa, viêm túi mật, hoặc các bệnh lý bụng cấp;
- Cần làm thêm các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm bụng hoặc chụp CT – việc nhịn ăn giúp hình ảnh rõ hơn và kết quả chính xác hơn;
- Có khả năng phải can thiệp ngoại khoa hoặc nội soi sau khi khám.
Nếu phát hiện bất thường thì làm gì tiếp?
Nếu trong quá trình khám, bác sĩ phát hiện phản ứng thành bụng dương tính hoặc nghi ngờ có tình trạng bất thường trong ổ bụng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện tiếp các kỹ thuật cận lâm sàng chuyên sâu như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (nếu cần…) để đánh giá chính xác tình trạng mắc phải, từ đó đưa ra phương án điều trị một cách kịp thời. Ngoài ra, bệnh nhân được theo dõi sát sao và đánh giá tình hình sức khỏe một cách liên tục.
Khám phản ứng thành bụng trong bao lâu?
Thông thường, khám phản ứng thành bụng chỉ mất từ 5-10 phút. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thời gian thăm khám có thể kéo dài tới 20-30 phút nếu bác sĩ cần tiến hành một số công việc sau:
- Khai thác kỹ triệu chứng;
- Khám lâm sàng tổng quát nhiều vùng bụng;
- Thực hiện thêm các xét nghiệm hoặc siêu âm tại chỗ (nếu cần).
Nếu có triệu chứng nặng hoặc cần can thiệp thêm, bạn có thể được giữ lại theo dõi hoặc chuyển khám chuyên sâu – thời gian lúc này sẽ dài hơn, nhưng đều được bác sĩ giải thích rõ ràng và hướng dẫn kỹ càng.
Trên đây là toàn bộ thông tin bạn đọc nên tham khảo và nắm bắt về kỹ thuật khám phản ứng thành bụng – bước quan trọng trong quá trình thăm khám lâm sàng. Hãy theo dõi sức khỏe chặt chẽ và kịp thời nhận biết những dấu hiệu bất thường ở vùng ổ bụng, từ đó có phương án xử trí phù hợp.
Nếu có thêm thắc mắc cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe tổng quát, bạn đọc hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!