Các tin tức tại MEDlatec

Mách mẹ các dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ rất dễ nhận biết

Ngày 28/04/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Tay chân miệng là bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh, dễ bùng phát thành dịch ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Để tránh rơi vào tình huống này, cha mẹ nên tham khảo bài viết dưới đây để nhận biết đúng dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ. 

1. Tổng quan về bệnh tay chân miệng

1.1. Nguyên nhân gây bệnh

Tay chân miệng là bệnh do nhiều loại virus khác nhau thuộc họ enterovirus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em với các dấu hiệu đặc trưng là đau họng, sốt, nổi ban, có bọng nước. Virus gây bệnh phổ biến nhất là Coxsackie A-16 và EV71.

Virus enterovirus gây bệnh tay chân miệng

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh từ người sang người thông qua: dịch tiết mũi họng, dịch mụn nước, nước bọt, phân, giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh vào không khí khi ho hoặc hắt hơi.

1.2. Những biến chứng nguy hiểm

Biến chứng phổ biến nhất do chân tay miệng gây ra là tình trạng mất nước, họng đau, miệng bị loét nên rất khó nuốt. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây:

- Viêm màng não: đây là tình trạng nhiễm trùng ít gặp có nguyên nhân chính là do dịch não tủy bao quanh não và tủy sống hoặc viêm màng não.

- Viêm não: xảy ra khi virus tấn công, hiếm gặp nhưng dễ đe dọa đến tính mạng.

- Viêm cơ tim: hiếm khi xảy ra.

2. Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ nhỏ

2.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Các dấu hiệu tay chân miệng không bùng phát ngay sau khi trẻ tiếp xúc với mầm bệnh mà phải xuất hiện khoảng ​3 - 6 ngày sau đó. Một số trường hợp bệnh có triệu chứng vô cùng nhẹ hoặc không có dấu hiệu rõ ràng. Nhìn chung, các trường hợp trẻ mắc bệnh lý này đều có những dấu hiệu sau:

- Da nổi ban

Khi phát bệnh 1 - 2 ngày, trên da trẻ thường nổi các nốt hồng ban có đường kính khoảng vài mm sau đó chúng chuyển thành dạng bọng nước. Vị trí khu trú của các ban này thường ở lòng bàn chân hoặc bàn tay, ngón tay, mông. Kích thước các nốt ban rơi vào khoảng 2 - 5mm. Nốt ban có hình bầu dục, ở phần trung tâm có màu xám sẫm. Khi nổi ban, trẻ thường không cảm thấy đau đớn hay ngứa nhưng các nốt ban này có thể tồn tại đến 10 ngày.

Các dấu hiệu tay chân miệng điển hình

- Bị loét miệng

Hiện tượng loét miệng xảy ra khi các nốt ban nổi ở miệng. Đường kính của vết loét khoảng 2 - 3mm. Chúng chủ yếu loét ở vòm miệng, trên lưỡi và thành sau họng nên khiến trẻ gặp nhiều khó khăn khi nuốt. Tuy nhiên dấu hiệu tay chân miệng này lại khá giống với viêm loét miệng thông thường nên nhiều cha mẹ lầm tưởng.

- Sốt

Tùy từng trẻ mà có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, thường thì sẽ có hiện tượng sốt cao khó hạ khi bệnh đã trở nặng.

Khi bệnh tay chân miệng đã chuyển biến nặng thì trẻ thường có các dấu hiệu như: sốt cao kéo dài và khó hạ, giật mình, ngủ gà, ngủ lơ mơ, ngủ nhiều, mệt mỏi không chơi, thở nhanh hoặc khác thường, toàn thân lạnh hoặc vã mồ hôi, chân tay run, đi lại loạng choạng, ngồi không vững.

Sau khi khỏi tay chân miệng, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh nhưng do có nhiều chủng gây nên bệnh lý này cho nên trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do chủng virus khác với lần trước gây ra.

2.2. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách

Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị tay chân miệng. Bệnh có thể được điều trị tại nhà và khâu chăm sóc trẻ đúng cách rất quan trọng. Thường thì trẻ chỉ cần được dùng hạ sốt và uống nước, súc miệng bằng các loại nước dành riêng cho người bị tay chân miệng để giảm đau, giảm viêm.

Nếu bị tay chân miệng nếu sốt cao khó hạ cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện

Khi đã nhận biết đúng dấu hiệu tay chân miệng, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách:

- Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, uống nhiều sữa hoặc nước đã được làm mát để trẻ dễ nuốt, tránh mất nước. Các loại đồ ăn cay, mặn không nên ăn bởi chúng có thể khiến vết loét thêm trầm trọng.

- Vệ sinh, tắm rửa cơ thể cho trẻ nhẹ nhàng bằng nước sạch hàng ngày để tránh nhiễm khuẩn lan rộng, súc miệng nước muối pha loãng.

- Người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay đúng cách, thường xuyên.

2.3. Những vấn đề cha mẹ cần lưu ý

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ:

- Nên:

+ Bôi giảm viêm ở miệng hoặc thuốc giảm đau không kê đơn, uống Paracetamol khi sốt trên 38.5 độ C.

+ Dùng kem chống ngứa để giúp trẻ giảm bớt khó chịu khi phát ban.

+ Bôi dung dịch sát khuẩn đối với các tổn thương ngoài da do phát ban, bỏng nước để tránh bội nhiễm nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

+ Cách ly trẻ với các trẻ khác trong nhà để tránh lây nhiễm.

+ Cố gắng hạn chế trẻ gãi vì mụn nước bị vỡ có thể gây nhiễm trùng gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ.

- Không nên

+ Dùng Aspirin để giảm đau vì nó có thể gây ra tác dụng phụ xấu.

+ Tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.

+ Dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng với virus. Kháng sinh chỉ nên dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn và phải được sự chỉ định từ bác sĩ.

+ Dùng các loại thuốc chứa aspirin vì dễ gây suy gan thận hoặc hội chứng Reye vô cùng nguy hiểm.

+ Tự ý truyền dịch giai đoạn đầu của bệnh vì dễ gây phù nề, suy hô hấp ở trẻ. Việc làm này chỉ nên được làm ở viện, khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tay chân miệng mà không thể xác định đúng hoặc thấy trẻ có biểu hiện khó ngủ, liên tục quấy khóc, bồn chồn, hoảng hốt lúc thiu thiu ngủ, nôn ói nhiều, sốt cao run tay chân và co giật thì cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi đã được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, cha mẹ cần dùng đúng liều lượng và loại thuốc đã được kê.

Mọi sự hỗ trợ về y tế hoặc tư vấn về bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ, khi cần cha mẹ có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được giúp đỡ chính xác, hiệu quả.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.