Các tin tức tại MEDlatec

Metformin: Tất cả những điều bạn cần biết về thuốc điều trị đái tháo đường

Ngày 15/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Được phát hiện từ những năm 1950, Metformin đã trở thành một phần quan trọng trong phác đồ điều trị đái tháo đường và được bác sĩ khuyên dùng rộng rãi trên toàn thế giới. Ngoài việc giúp kiểm soát đường huyết, Metformin còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác mà không phải ai cũng biết.

1. Metformin là gì?

Metformin được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường typ 2, một bệnh lý mãn tính về rối loạn chuyển hóa đường, gây tăng glucose (đường) trong máu . Metformin thuộc nhóm Biguanide, giúp làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin và giảm sản xuất glucose ở gan.

Với những người bị đái tháo đường, cơ thể bệnh nhân không thể sử dụng insulin hiệu quả hoặc lượng insulin được sản xuất ra không đủ để duy trì lượng đường huyết ở mức độ bình thường. Metformin giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn, từ đó giảm lượng đường trong máu và cải thiện các chỉ số sức khỏe của người bệnh.

Metformin điều trị bệnh đái tháo đường typ 2

2. Công dụng chính của Metformin

Metformin không chỉ là thuốc điều trị đái tháo đường mà còn có nhiều công dụng khác như:

  • Điều trị bệnh đái tháo đường typ 2: Đây là công dụng chính của Metformin. Metformin kiểm soát lượng đường trong máu thông qua tính năng tăng hiệu quả sử dụng insulin và giảm sự sản xuất glucose tại gan.
  • Hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Một số nghiên cứu cho thấy Metformin có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2.
  • Cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, giảm mỡ máu Triglycerid, cải thiện tình trạng kháng insulin trong các bệnh lý khác như Hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì.

3. Cách sử dụng Metformin

Metformin thường được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và thường có dạng viên nén. Bệnh nhân cần phải sử dụng đúng cách và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị. Một số lưu ý cho bệnh nhân như sau: 

  • Liều dùng chỉ định cho người lớn: Đối với bệnh nhân mới sử dụng thuốc, liều dùng thường là 500mg, uống sau khi ăn. Sau đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng tùy theo phản ứng của cơ thể và mức độ kiểm soát đường huyết của bạn. Liều tối đa có thể lên tới 2.000 - 2.500mg/ngày.

  • Thời gian sử dụng: Thuốc thường được dùng suốt đời đối với người bệnh đái tháo đường loại 2. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện thể dục vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
  • Lưu ý khi uống: Để giảm tác dụng phụ về tiêu hóa như buồn nôn và đau bụng, bạn nên uống Metformin sau bữa ăn, tăng liều dần từ thấp đến cao. Nên uống nhiều nước để giảm kích ứng dạ dày.

Metformin thường có dạng viên nén, uống theo chỉ định của bác sĩ

4. Tác dụng phụ của metformin

Mặc dù Metformin là một loại thuốc khá an toàn và hiệu quả, nhưng như bất kỳ loại thuốc điều trị khác, nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ thường gặp và hiếm gặp như sau:

  • Tác dụng phụ thường gặp
  • Đau bụng, tiêu chảy hoặc buồn nôn.
  • Ít có cảm giác thèm ăn.
  • Mệt mỏi hoặc cảm thấy yếu.
  • Tác dụng phụ nghiêm trọng (hiếm gặp)
  • Nhiễm toan lactic: Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể xảy ra nếu bạn có vấn đề về thận hoặc mắc bệnh lý nghiêm trọng. Nhiễm toan axit lactic có thể gây nguy hiểm.
  • Hạ đường huyết: Nếu như bạn uống Metformin trong lúc vừa vận động quá sức hoặc lúc đói, bạn có thể gặp tình trạng hạ đường huyết. Bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để bảo vệ sức khỏe mỗi ngày.
  • Thiếu vitamin B12: Nếu bạn thấy một số triệu chứng sau, có thể bạn đang thiếu Vitamin B12: tê hoặc ngứa ran ở bàn chân, cẳng chân hoặc thiếu máu, hồng cầu giảm. Khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra hồng cầu. Nếu như dùng Metformin kéo dài, bạn cần hỏi bác sĩ về chế độ sử dụng Vitamin B12 để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Khi uống Metformin cần chú ý tác dụng phụ của thuốc

5. Sử dụng Metformin cần chú ý những gì?

Để tăng hiệu quả điều trị cũng như hạn chế tốt nhất những tác dụng phụ của thuốc, người bệnh lưu ý: 

  • Kiểm tra chức năng thận: Nếu phải điều trị bằng Metformin, bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra chức năng thận của bạn. Nếu bạn có vấn đề về thận, bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc hoặc thay thế bằng loại thuốc khác.
  • Cảnh giác với cồn: Sử dụng cồn khi đang dùng Metformin có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm như nhiễm toan axit lactic. Do đó, hãy hạn chế uống rượu khi sử dụng thuốc này.
  • Theo dõi đường huyết: Việc theo dõi thường xuyên đường huyết của bạn là rất quan trọng để biết liệu Metformin có hiệu quả trong việc kiểm soát mức đường huyết hay không. Có thể phối hợp Metformin với các thuốc khác để hỗ trợ tốt hơn việc kiểm soát đường huyết.
  • Chế độ ăn uống và vận động: Để nâng cao hiệu quả điều trị khi sử dụng Metformin, bạn cần đồng thời lưu ý đến thực đơn ăn uống và luyện tập hằng ngày. 

6. Khi nào nên gặp bác sĩ trong quá trình dùng Metformin?

Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào sau khi sử dụng Metformin, bạn nên gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều chỉnh phương pháp điều trị. Cụ thể, bạn cần đến bác sĩ nếu:

  • Bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng như mệt mỏi cực độ, khó thở, nhịp tim không đều hoặc lạnh tay chân.
  • Bạn có dấu hiệu của nhiễm toan axit lactic (đau cơ, cảm giác choáng váng, buồn nôn hoặc khó thở).
  • Bạn đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai. Metformin không được dùng trong thai kỳ, khi mang thai cần ngừng thuốc. Bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn và làm theo hướng dẫn.

Nếu bạn cần kiểm tra sức khỏe hoặc có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng Metformin hay các thuốc đái tháo đường, hãy gọi tới tổng đài 1900 56 56 56, MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn. 

Ngoài ra, bạn có thể đặt lịch xét nghiệm đái tháo đường ngay tại nhà với chi phí đi lại chỉ 10.000 đồng. MEDLATEC sẽ trả kết quả online và tư vấn kết quả cho bạn cụ thể.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.