Các tin tức tại MEDlatec
Mổ ung thư tuyến giáp: Tìm hiểu chi tiết phương pháp thực hiện
- 30/09/2024 | Mổ tuyến giáp kiêng ăn gì để mau hồi phục?
- 08/12/2024 | Người bị u tuyến giáp có uống được Collagen không và những lưu ý khác
- 11/12/2024 | Thực đơn cho người cắt toàn bộ tuyến giáp giúp hồi phục nhanh chóng
1. Vai trò của mổ ung thư tuyến giáp và đối tượng phù hợp
1.1. Vai trò
Mổ ung thư tuyến giáp là một loại phẫu thuật lớn được thực hiện để loại bỏ khối u bằng cách cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Trong ung thư tuyến giáp, tùy vào thể tuyến giáp và giai đoạn, đáp ứng với điều trị nội khoa hay không để có thể thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật tuyến giáp phù hợp.
Mổ ung thư tuyến giáp nhằm:
- Loại bỏ khối u, ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân.
- Chuẩn bị cho các liệu pháp bổ trợ như điều trị i-ốt phóng xạ hoặc hóa trị.
Hình ảnh mô phỏng vai trò của tuyến giáp đối với các hệ cơ quan của cơ thể
1.2. Đối tượng cần mổ ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật ung thư tuyến giáp được áp dụng trong nhiều trường hợp như:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú (và các biến thể khác nhau của thể nhú)
- Ung thư tuyến giáp thể nang.
- Ung thư tuyến giáp thể tế bào Hurthle.
- Ung thư tuyến giáp thể tuỷ chưa di căn xa.
- Ung thư tuyến giáp không biệt hóa giai đoạn tại chỗ.
- Người bị u tuyến giáp lành tính nhưng khối u có kích thước lớn gây chèn ép khí quản và thực quản làm người bệnh khó thở, khó nuốt. Hoặc u tuyến giáp lớn gây mất thẩm mỹ, người bệnh có mong muốn phẫu thuật.
- Bệnh nhân có hạt giáp nghi ung thư.
Qua sinh thiết tế bào tuyến giáp cho kết quả khối u ác tính (ung thư tuyến giáp). Có các di căn như di căn hạch cổ hoặc di căn xa đến xương, phổi. Trường hợp này nếu không cắt bỏ tuyến giáp thì các tế bào sẽ nhân lên nhanh chóng, thậm chí di căn đến các cơ quan lân cận hoặc xa hơn trong cơ thể.
Kết quả tế bào học tuyến giáp không xác định hoặc xét nghiệm dấu ấn phân tử trên bệnh phẩm gợi ý nguy cơ ác tính, cần phẫu thuật lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm xác định và điều trị loại bỏ nguy cơ cao.
1.3. Chống chỉ định mổ ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật tuyến giáp cũng có một số trường hợp chống chỉ định như:
- Bệnh nhân ở tuổi quá cao và có kích thước u tuyến giáp to, xâm lấn đến thực quản và khí quản, không thể cắt toàn bộ tuyến giáp.
- Bệnh nhân có chứng suy tim - suy thận nghiêm trọng, không đủ sức chống chịu với các phẫu thuật lớn.
2. Các phương pháp mổ ung thư tuyến giáp đang được áp dụng phổ biến nhất
2.1. Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp
Cắt bỏ một phần tuyến giáp được áp dụng với trường hợp người bệnh có khối u ở một bên tuyến giáp nhưng phạm vi lan của u này chưa rộng. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở cổ, tiếp cận thùy tuyến giáp bị ảnh hưởng. Sau đó, bác sĩ tiến hành loại bỏ khối u cùng với phần thùy tuyến giáp liên quan. Phần tuyến giáp còn lại sẽ tiếp tục duy trì chức năng sản xuất hormone cho cơ thể.
Đây là phương pháp cắt tuyến giáp bảo tồn, nghĩa là cắt bỏ hoàn toàn 1 thuỳ và eo tuyến giáp, giữ lại 1 thuỳ đối xứng. Đối tượng được chỉ định gồm: Người bệnh ở độ tuổi < 45 tuổi, ung thư giáp thể nhú, kích thước khối u < 1.0 cm, chưa có di căn hạch.
Phương pháp mổ ung thư tuyến giáp sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng khối u của bệnh nhân
2.2. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp
Cả hai thùy của tuyến giáp sẽ được cắt bỏ bằng phương pháp mổ ung thư tuyến giáp nếu khối u có phạm vi lan rộng, kích thước lớn. Một vết rạch ngang ở cổ sẽ được bác sĩ tạo ra để tiếp cận và loại bỏ hoàn toàn tuyến giáp cùng các khối u liên quan. Các hạch bạch xung quanh khối u cũng được vét loại bỏ.
3. Các kỹ thuật mổ tuyến giáp tiên tiến nhất hiện nay
3.1. Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi là phương pháp hiện đại, sử dụng các thiết bị chuyên dụng để loại bỏ khối u qua các vết rạch nhỏ. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được rạch một đường nhỏ trên cổ để đưa thiết bị nội soi có gắn camera vào. Nhờ công cụ này mà bác sĩ dễ dạng quan sát và cắt bỏ khối u.
Phẫu thuật được thực hiện với độ chính xác cao nhờ hình ảnh phóng to từ camera, phù hợp với các trường hợp bệnh có nhu cầu cao về thẩm mỹ hoặc mong muốn hồi phục trong thời gian ngắn. Có thể mổ ung thư thư tuyến giáp bằng nội soi cho bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn đầu với khối u dưới 2cm.
3.2. Phẫu thuật bằng robot
Quá trình mổ ung thư tuyến giáp được thực hiện bởi robot. Bác sĩ sẽ trực tiếp điều khiển robot thực hiện phẫu thuật qua hệ thống máy tính. Phương pháp này có chi phí khá cao, thường áp dụng với trường hợp bệnh nhân đề cao vấn đề thẩm mỹ sau phẫu thuật.
4. Một số vấn đề bệnh nhân có thể gặp phải sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp
- Buồn nôn, nôn (tác dụng phụ sau gây mê)
- Nhiễm trùng vết mổ, đau vết mổ.
- Tê bì tay chân sau mổ (do hạ canxi sau mổ)
- Khàn tiếng hoặc mất tiếng do tổn thương thần kinh.
Tái khám đánh giá hiệu quả sau mổ ung thư tuyến giáp
5. Sau khi mổ ung thư tuyến giáp người bệnh cần đặc biệt chú ý
- Chăm sóc vết thương tại vị trí mổ
+ Vùng da có vết mổ cần được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ và không cho tiếp xúc với nước trong tuần đầu sau phẫu thuật.
+ Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, đỏ hoặc chảy dịch để đến cơ sở y tế xử lý ngay.
- Dùng thuốc theo chỉ định
Bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp cần uống hormone thay thế mỗi ngày. Khi dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ liều lượng và thời gian uống thuốc do bác sĩ chỉ định.
- Tái khám định kỳ
Thực hiện xét nghiệm TSH và siêu âm tuyến giáp định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe.
Mổ tuyến giáp là phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân, giúp cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng của bác sĩ và bệnh nhân để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Nếu bạn hoặc người thân đang cân nhắc phẫu thuật, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả tuyến giáp cùng bác sĩ chuyên khoa Nội tiết của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ đặt lịch qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!