Các tin tức tại MEDlatec
Móng chân mọc ngược nên xử trí thế nào?
- 17/06/2024 | Khoé móng chân bị sưng mủ: nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý
- 01/10/2023 | Móng chân có sọc đen: nguyên nhân và cách khắc phục
- 01/07/2023 | Các bệnh về móng tay và biện pháp chăm sóc đúng cách
1. Tại sao móng chân mọc ngược?
Móng chân mọc ngược là hiện tượng phần góc hoặc cạnh móng chân đâm vào phần da mềm ở quanh móng, thường gặp nhất ở ngón cái. Tình trạng này thường phát triển theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Ngón chân bị đau, sưng nhẹ.
- Giai đoạn 2: Đau nhức, sưng tấy nghiêm trọng và có dịch.
- Giai đoạn 3: Viêm nghiêm trọng, thường kèm mủ, thậm chí biến dạng móng và ngón chân.
Đi giày chật một thời gian dài làm cho móng chân có nguy cơ bị mọc ngược
Các nguyên nhân khiến móng chân mọc ngược thường gồm:
- Đi giày quá chật hoặc mũi giày quá nhọn khiến cho ngón chân phải chịu áp lực nên bị phát triển sai hướng.
- Cắt móng chân quá ngắn hoặc cắt góc nhọn khiến móng mọc ngược vào trong.
- Va đập mạnh hoặc tổn thương móng chân làm cho móng mọc ngược.
- Một số người có xu hướng móng chân mọc ngược do yếu tố di truyền về hình dạng móng hoặc bất thường bẩm sinh trong cấu trúc bàn chân.
- Bệnh nấm móng, viêm khớp ngón chân, tiểu đường,...
2. Cần làm gì khi móng chân mọc ngược?
2.1. Khắc phục tại nhà
Nếu móng chân mọc ngược ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng biện pháp sau để giảm đau và ngăn ngừa viêm nhiễm tại nhà:
- Ngâm chân trong nước ấm
Ngâm chân trong nước ấm 15 - 20 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm đau và làm mềm da quanh móng. Bạn có thể thêm một ít muối vào nước để giúp khử trùng khu vực bị viêm. Ngâm chân đều đặn hàng ngày sẽ giúp giảm sưng và tạo điều kiện để móng phát triển lại đúng hướng.
- Đặt bông hoặc gạc dưới móng
Sau khi chân đã được ngâm và vệ sinh sạch, hãy nhẹ nhàng đặt một miếng bông hoặc gạc dưới cạnh móng mọc ngược. Sự có mặt của lớp bông gạc sẽ giúp cho móng được nâng lên, không tiếp tục đâm vào da. Bông hoặc gạc cần được thay đều mỗi ngày để tránh nhiễm trùng.
2.2. Can thiệp y tế
Nếu móng chân mọc ngược gây ra viêm nhiễm nghiêm trọng, có mủ hoặc không thể tự điều trị tại nhà, bạn nên tìm đến cơ sở y tế kiểm tra. Bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra, xác định mức độ nghiêm trọng và có biện pháp điều trị cụ thể:
- Dùng thuốc kháng sinh
Nếu vùng da quanh móng bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm nhiễm. Kháng sinh có thể được sử dụng dưới dạng thuốc uống hoặc bôi trực tiếp lên vết thương.
- Dùng thuốc giảm đau
Các loại thuốc chống viêm không steroid có thể được chỉ định nhằm mục đích giảm sưng và đau.
- Tiểu phẫu loại bỏ phần móng mọc ngược
Trong trường hợp móng mọc ngược đã xâm lấn sâu vào da và không thể khắc phục bằng phương pháp thông thường, bác sĩ có thể thực hiện một thủ thuật tiểu phẫu nhỏ để loại bỏ phần móng mọc ngược.
Trường hợp nặng, khi móng chân mọc ngược tái phát liên tục hoặc đã dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm nhiễm lan rộng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ toàn bộ móng chân. Tuy nhiên, có một số trường hợp móng có thể không mọc lại hoặc mọc ra với hình dạng bất thường.
Nếu bạn có móng chân mọc ngược nên tới gặp bác sĩ để thăm khám, xử trí để tránh tổn thương nghiêm trọng
2.3. Chăm sóc sau điều trị móng chân mọc ngược
Sau khi đã được can thiệp y tế, người bệnh cần chú ý chăm sóc chân bằng cách:
- Vệ sinh vùng ngón chân bị ảnh hưởng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc cồn sát trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Nếu vùng chân được băng bó sau tiểu phẫu, bạn cần thay băng thường xuyên và giữ cho vết thương khô thoáng.
- Nên đi giày dép rộng và thoáng để tránh làm tổn thương tái phát.
- Tái khám theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra tình trạng hồi phục của ngón chân và ngăn ngừa tình trạng tái phát.
2.4. Những lưu ý khi xử trí với tình trạng móng chân mọc ngược
- Không tự loại bỏ móng
Nhiều người có thói quen tự cắt bỏ phần móng mọc ngược tại nhà. Tuy nhiên, nếu xử lý không đúng, việc làm này có thể khiến tình trạng móng chân trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, người bệnh nên có sự tư vấn, can thiệp bởi bác sĩ có chuyên môn.
- Dùng thuốc đúng liều
Khi sử dụng các loại kem bôi hoặc thuốc uống do bác sĩ chỉ định cần tuân thủ đúng hướng dẫn để đảm bảo hiệu quả điều trị, tránh tác dụng phụ.
Tự ý loại bỏ móng chân mọc ngược sai cách có thể khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn
3. Phòng ngừa móng chân mọc ngược bằng cách nào?
- Chú ý khi cắt móng chân
+ Không cắt móng quá ngắn hoặc cắt vát góc nhọn.
+ Cắt thẳng theo đường viền móng để móng mọc đúng hướng.
- Chọn giày dép phù hợp
+ Đi giày dép rộng rãi, thoáng mát, không gây áp lực lên ngón chân.
+ Giảm tần suất sử dụng giày cao gót để ngón chân không bị ép vào nhau, dễ bị tổn thương và gây ra hiện tượng móng chân mọc ngược.
- Chăm sóc và theo dõi sự phát triển của móng
+ Vệ sinh chân sạch mỗi ngày để loại bỏ các yếu tố gây viêm nhiễm. Những người thường xuyên vận động bằng giày nên chú ý thay tất để chân được khô thoáng.
+ Ngâm chân trong nước ấm ít nhất 1 lần mỗi tuần.
+ Kiểm tra móng chân thường xuyên để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường và xử lý ngay.
- Tránh chấn thương
Khi vận động cần cố gắng tránh va đập mạnh vào móng chân. Những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao cần chọn giày phù hợp với tính chất hoạt động của mình để chân được bảo vệ tốt nhất.
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc hiểu và cách xử trí với hiện tượng móng chân mọc ngược. Nếu còn băn khoăn nào khác hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp và hướng dẫn chi tiết.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!