Các tin tức tại MEDlatec
Nguyên nhân và biến chứng của bệnh ho gà thường gặp nhất
- 10/03/2021 | Dấu hiệu bệnh ho gà, biến chứng và cách phòng tránh
- 05/07/2020 | Một số thông tin về bệnh bạch hầu ho gà uốn ván bạn nên biết
- 26/10/2020 | Biểu hiện và phương pháp trị dứt điểm bệnh ho gà
1. Nguyên nhân gây bệnh ho gà
Tác nhân gây bệnh ho gà là một loại vi khuẩn có tên là Bordetella pertussis, chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên. Trong thời gian ủ bệnh, vi khuẩn ho gà cư trú và phát triển ở lông mao biểu mô đường thanh quản và khí quản. Độc do vi khuẩn này tiết ra là Pertussis toxin là nguyên nhân gây nhiều biến chứng ho gà nặng.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ nhỏ
Nguy cơ lây nhiễm bệnh ho gà rất cao, nhất là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém và dễ lây nhiễm trong không gian khép kín như trường học, nhà trẻ, trong nhà,… Trẻ mắc phải ho gà thì trong 2 tuần đầu tiên kể từ khi khởi phát bệnh có nguy cơ phát tán vi khuẩn gây lây nhiễm mạnh nhất. Người lành khi tiếp xúc với dịch tiết niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi,… đều có nguy cơ mắc bệnh.
Nếu trẻ bị ho gà được điều trị sớm với kháng sinh phù hợp, sau khoảng 5 ngày vi khuẩn được kiểm soát thì không còn nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục điều trị để tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn, phòng tránh nguy cơ biến chứng.
2. Những biến chứng của bệnh ho gà thường gặp nhất
Sở dĩ ho gà là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở trẻ nhỏ một phần do khả năng lây nhiễm cao, ngoài ra còn do biến chứng phức tạp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Tiến triển bệnh tương đối phức tạp như sau:
Ho gà thường khởi đầu với triệu chứng sốt nhẹ
Sau thời gian ủ bệnh từ 7 - 10 ngày, trẻ bắt đầu sốt nhẹ hoặc không sốt, đi kèm với triệu chứng viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, ho, chán ăn,… Những triệu chứng này khá giống với cảm ốm thông thường nên nhiều bậc phụ huynh bỏ qua hoặc điều trị giống như các bệnh cảm ốm nhưng không hiệu quả.
Những ngày sau, tình trạng ho sẽ ngày càng nghiêm trọng, khiến trẻ không thể kìm hãm, ho liên miên kéo dài. Sau đó trẻ bị thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường kèm theo đờm dãi trong suốt, nặng hơn là nôn ói không kiểm soát.
Ho gà ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng nguy cơ cao tiến triển nặng khiến trẻ tử vong do bội nhiễm, biến chứng viêm phế quản - phổi, viêm phổi,…
2.1. Biến chứng viêm phổi
Đây là biến chứng ho gà thường gặp nhất, thường xuất hiện ở khoảng tuần thứ 2, thứ 3 của giai đoạn ho. Tác nhân gây viêm phổi có thể là tác nhân gây ho gà hoặc nhiễm khuẩn thứ phát, dù trường hợp này cũng đều nguy hiểm.
2.2. Biến chứng xẹp phổi
Khoảng 5% trẻ mắc ho gà gặp biến chứng xẹp phổi, nguyên nhân do các nút nhầy dẫn tới bít tắc các phế quản nhỏ.
Xẹp phổi do ho quá dữ dội ở trẻ bị ho gà rất nguy hiểm
Cẩn thận với biến chứng này do trong những cơn ho quá dữ hội, các phế nang có thể bị vỡ dẫn đến tình trạng tràn khí dưới da hoặc tràn khí mô kẽ.
2.3. Biến chứng thần kinh
Trẻ bị ho gà dẫn đến biến chứng thần kinh rất nguy hiểm, cần can thiệp kịp thời. Các biến chứng thần kinh thường gặp như:
-
Liệt nửa người, mất ngôn ngữ, liệt các chi do ho gà gây xung huyết hoặc xuất huyết não.
-
Co giật, thường gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ sức khỏe yếu mắc phải ho gà.
-
Tetanie xảy ra khi trẻ bị ho gà nôn mửa quá nhiều.
-
Bệnh não cấp hay còn gọi là chứng kinh giật ho gà.
2.4. Biến chứng khác
Các biến chứng khác trẻ có thể gặp là thoát vị rốn, loét hàm lưỡi, tụ máu dưới kết mạc, chảy máu nội sọ,…
Những biến chứng của ho gà này nếu không can thiệp và kiểm soát kịp thời đều gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.
3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa biến chứng ho gà ở trẻ hiệu quả
Trẻ mắc bệnh ho gà cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn. Đa phần trẻ nhỏ bị ho gà nhẹ có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà bằng cách: Cách ly trẻ mắc bệnh, cho trẻ nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, làm thông thoáng đường thở và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ bị ho gà nên được điều trị tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ
Trẻ bị ho gà nếu xuất hiện các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng hoặc biến chứng như: ho kéo dài, nôn nhiều, quấy khóc nhiều, ăn kém, cơ thể tím tái,… thì cần được cấp cứu và chăm sóc, theo dõi y tế. Cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu này ở trẻ, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc chăm sóc tại nhà khiến bệnh tiến triển nặng và dẫn tới biến chứng.
Đa phần trẻ được phát hiện và điều trị sớm bệnh ho gà đều chữa khỏi bệnh mà không gặp phải vấn đề sức khỏe quá nghiêm trọng. Song phòng ngừa bệnh vẫn được ưu tiên hơn cả bằng cách tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch để đem đến hiệu quả phòng bệnh cao lên tới 90%.
Cha mẹ có thể đưa trẻ đủ tuổi đi tiêm phòng vắc xin ho gà đơn tại cơ sở tiêm phòng dịch vụ hoặc tiêm theo Chương trình tiêm chủng mở rộng với vắc xin hỗn hợp 5 trong 1. Vắc xin 5 trong 1 này đã được Nhà nước cấp phép sử dụng và đảm bảo an toàn dựa trên thử nghiệm nhiều lần, giúp phòng đồng thời 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt là Haemophilus influenzae tuýp B.
Trẻ nhỏ hoặc người mắc bệnh ho gà khác trong gia đình cần được cách ly tại nhà, điều trị dứt điểm để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Đặc biệt là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu nên những người có dấu hiệu ốm sốt, ho đều không nên tiếp xúc gần với trẻ nhỏ.
Trẻ bị ho gà cần được cách ly tránh lây nhiễm cho các trẻ khác
Ngoài ra, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ tự vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Môi trường sống xung quanh trẻ và môi trường trường học cũng cần vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng.
Biến chứng của bệnh ho gà là rất nguy hiểm với sức khỏe của trẻ do hệ miễn dịch non nớt. Tốt nhất cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin ho gà và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất để bảo vệ, giúp trẻ phát triển tốt nhất trong những năm đầu đời.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được các chuyên gia giải đáp tận tình.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!