Các tin tức tại MEDlatec

Nguyên nhân và cách chữa hôi miệng - tư vấn từ bác sĩ

Ngày 29/10/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Chứng hôi miệng khiến hơi thở của người bệnh có mùi hôi khó chịu, gây ra sự bối rối, tự ti, ngại giao tiếp. Hoàn toàn có thể chữa khỏi chứng hôi miệng nếu biết nguyên nhân và điều trị phù hợp. Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu và áp dụng cách chữa hôi miệng hiệu quả trong bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp

Xác định nguyên nhân gây hôi miệng là rất quan trọng để điều trị phù hợp theo nguyên nhân và dứt điểm tình trạng này.

Hôi miệng khiến nhiều người tự ti, ngại giao tiếp

1.1. Hôi miệng do thực phẩm

Vụn thức ăn bám vào các kẽ răng bị phân hủy bởi nước bọt, đặc biệt là các thực phẩm chứa hợp chất sulfur là nguyên nhân gây ra mùi hôi. Những thức ăn thường gây mùi hôi miệng nặng như: hành, tỏi, các loại gia vị và rau củ đậm mùi,…

Nếu nguyên nhân là do thực phẩm, việc hạn chế những thực phẩm gây mùi này sẽ giúp cải thiện tình trạng hôi miệng. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn bằng cách súc miệng, đánh răng, dùng chỉ nha khoa,… để loại bỏ vụn thức ăn dư thừa và vi khuẩn phát triển cũng có tác dụng tốt.

Nếu những cách trên đã áp dụng nhưng hôi miệng không giảm hoặc giảm ít thì có thể do cả nguyên nhân khác kết hợp.

1.2. Hôi miệng do vấn đề nha khoa

Bệnh lý nha khoa như viêm nướu, sâu răng, bệnh nha chu,… là nguyên nhân hàng đầu gây hơi thở có mùi hôi. Ngoài ra tình trạng hôi miệng còn do các yếu tố cộng hưởng như:

Hôi miệng có thể do sâu răng hoặc các bệnh về răng lợi khác

  • Vệ sinh răng giả không đúng cách và không thường xuyên.

  • Khó vệ sinh răng miệng do niềng răng hoặc cấu tạo răng khấp khểnh.

  • Dị tật khoang miệng khiến vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển hơn.

1.3. Hôi miệng do bệnh lý khác

Ngoài bệnh lý ở răng và miệng, có khoảng 10% các trường hợp hơi thở nặng mùi xuất phát từ những bệnh lý như:

  • Bệnh tiểu đường, suy gan hoặc suy thận gây mùi tanh trong hơi thở.

  • Trào ngược dạ dày thực quản khiến hơi thở có mùi hôi và dễ gây viêm nhiễm.

  • Tắc ruột thấp khiến hơi thở có mùi hôi của phân.

1.4. Hôi miệng do khô miệng

Nước bọt có vai trò quan trọng với sức khỏe răng miệng, có tác dụng làm sạch miệng, loại bỏ vi khuẩn phát triển gây mùi hôi thối. Do đó, những người mắc bệnh khô miệng hoặc khô miệng do những nguyên nhân khác, hơi thở sẽ có mùi hôi khó chịu, đặc biệt là buổi sáng hoặc sau thời gian dài không uống nước.

Ngoài bệnh lý khô miệng do cơ địa, một số nguyên nhân có thể gây khô miệng như:

  • Tác dụng phụ của 1 số thuốc điều trị bệnh tâm thần, huyết áp cao, bệnh đường tiết niệu,…

  • Hút thuốc lá thường xuyên.

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây khô miệng và hôi miệng

  • Lười uống nước.

Tùy theo nguyên nhân mà tình trạng hôi miệng sẽ cần điều trị theo những hướng khác nhau, người bệnh hôi miệng có thể do nhiều nguyên nhân kết hợp.

2. Cách chữa hôi miệng đơn giản, hiệu quả cao

Sau khi xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôi miệng mà bản thân gặp phải, bạn có thể điều trị theo hướng thích hợp như sau:

2.1. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Để loại bỏ vụn thức ăn bám lại, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại và gây mùi hôi, nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn, sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Những biện pháp vệ sinh răng miệng bao gồm: đánh răng, súc miệng, dùng chỉ nha khoa, tăm nước,… Ngoài vệ sinh răng miệng hàng ngày, nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.

Lưỡi cũng là bộ phận cần vệ sinh sạch sẽ, cần cạo lưỡi vệ sinh hàng ngày nhưng tránh gây thương tích cho lưỡi. Đây là cách chữa hôi miệng đơn giản mà hiệu quả ít người chú ý.

2.2. Điều trị và khắc phục tình trạng khô miệng

Nếu hôi miệng do tình trạng khô miệng, các biện pháp sau sẽ giúp khắc phục:

  • Uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, chia thành nhiều ngụm nhỏ uống liên tục trong ngày.

  • Nhai kẹo cao su để kích thích miệng tiết nước bọt.

  • Tránh uống cà phê, hút thuốc lá, uống rượu bia.

Với tình trạng khô miệng mạn tính, bạn cần đi khám để bác sĩ có thể kê đơn thuốc kích thích hoặc nước bọt nhân tạo.

Chữa bệnh dạ dày để khắc phục tình trạng hôi miệng

2.3. Điều trị các bệnh liên quan

Các bệnh lý gây hôi miệng sau cần được điều trị triệt để như: đau dạ dày, các bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh tai mũi họng như viêm họng hạt, viêm mũi xoang, viêm amidan,… Với những trường hợp khó vệ sinh răng miệng do cấu trúc răng hoặc dị tật khoang miệng gây ra hơi thở có mùi, việc điều trị cũng cần được thực hiện.

Đi khám nha sĩ định kỳ 6 tháng/lần là thói quen tốt để cạo vôi răng - một trong những nguyên nhân gây hơi thở có mùi và để phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý răng miệng.

2.4. Nhai kẹo hoặc súc miệng khử mùi

Kẹo nhai và nước súc miệng có mùi trái cây, hoa quả, bạc hà,… có tác dụng khử mùi nhanh, tạo hơi thở thơm mát dễ chịu. Đây là cách chữa hôi miệng nhanh chóng song không giúp trị dứt điểm nguyên nhân gây ra hôi miệng.

3. Nhận biết chứng hôi miệng như thế nào?

Bạn có đang mắc bệnh hôi miệng hoặc tình trạng nhẹ hơn là hơi thở có mùi gây khó chịu cho những người xung quanh? Hãy kiểm tra bằng những cách sau đây:

Cách 1: Úp lòng bàn tay vào miệng và thở ra. Hơi thở được giữ lại mà mũi bạn có thể ngửi xem hơi có mùi hôi hay không.

Cách 2: Ngửi mùi trên chỉ nha khoa.

Dùng chỉ nha khoa để cà răng, sau đó bạn tự mình ngửi mùi trên chỉ nha khoa hoặc nhờ người giám định sẽ kiểm tra được tình trạng hôi miệng. Ngoài ra, cách này cũng cho biết bạn có đang vệ sinh răng miệng sạch sẽ hay không.

Cách 3: Nhờ người giám định.

Bạn ngồi đối diện gần với người giám định, sau đó bịt mũi và thở bằng miệng trong vài phút. Người giám định sẽ ngửi và kiểm tra hơi thở từ miệng bạn có mùi hôi hay không. Sau đó, hãy mím miệng và thở bằng mũi, nếu hơi thở từ cả mũi và miệng đều có mùi hôi thì khả năng do bệnh lý đường tiêu hóa hoặc hô hấp gây ra.

Nên kiểm tra hôi miệng và khám các bệnh lý răng miệng định kỳ

Cách 4: Kiểm tra tại phòng khám nha khoa.

Tại các phòng khám nha khoa, bạn có thể kiểm tra tình trạng hôi miệng bằng máy đo hiện đại. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ là người kiểm tra trực tiếp và chính xác bệnh hôi miệng cũng như tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Áp dụng những cách chữa hôi miệng theo đúng nguyên nhân có tác dụng điều trị, loại bỏ mùi hôi miệng hiệu quả. Hơi thở thơm mát giúp bạn tự tin, thành công hơn trong giao tiếp, công việc và cuộc sống.

Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7 nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.