Các tin tức tại MEDlatec

Nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ ăn vào là bị nôn

Ngày 20/06/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ ăn vào là bị nôn tuy là hiện tượng thường gặp nhưng rất có thể gây nguy hiểm nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Do đó, khi thấy con trẻ bị nôn trớ thì cha mẹ không nên chủ quan. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây nôn trớ cùng những cách xử trí khi trẻ bị nôn. 

1. Thế nào là nôn trớ ở trẻ em?

Nôn là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, sau đó trào ra khỏi miệng do sự co bóp của cơ trơn dạ dày ruột kèm theo sự co thắt của cơ trơn thành bụng.

Trớ là luồng thức ăn trào ngược đơn thuần sau ăn , nguyên nhân thường do thực quản không có sự co bóp của các cơ vân.

Nôn trớ là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Theo thống kê tại Mỹ, tỷ lệ trẻ bị trớ ít nhất một lần trong ngày lên đến 50% với trẻ dưới 3 tháng tuổi và 67% với trẻ 4 tháng tuổi.

2. Cách xử trí khi trẻ ăn vào là bị nôn

Khi trẻ gặp phải tình trạng nôn trớ (có thể là sữa hoặc thức ăn), điều đầu tiên mà mẹ cần làm lúc này là dùng một chiếc khăn sạch để lau miệng cho trẻ. Sau đó đề phòng trẻ trớ tiếp thì quàng khăn vào cổ cho bé. Để tránh làm tăng nguy cơ dịch trào ngược vào phổi thì khi đang nôn trớ mẹ tuyệt đối không được bế xốc trẻ lên.

Trẻ khi nôn trớ thường có cảm giác sợ hãi nên mẹ cần giữ thái độ nhẹ nhàng, không quát mắng khiến trẻ quấy khóc, mất bình tĩnh và trớ nhiều hơn. Lúc này, tốt nhất mẹ nên vuốt ngực và lưng trẻ theo chiều từ trên xuống dưới đồng thời trò chuyện để trẻ quên đi việc nôn trớ.

Khi trẻ nôn trớ, mẹ không nên quát mắng khiến trẻ sợ hãi và mất bình tĩnh

Giữ cho trẻ nằm yên, đúng tư thế kê cao đầu và phía thân trên cao hơn thân dưới để không dẫn đến hiện tượng trào ngược. Trường hợp trẻ bị trớ nhiều sữa thì cần đặt trẻ nằm quay nghiêng sang một bên để chất nôn không bị hít vào phổi. Khi trẻ ăn vào là bị nôn thì mẹ không nên cho trẻ uống tiếp sữa ngay sau đó mà cần nhanh chóng vệ sinh mũi miệng và thay quần áo cho trẻ để khử mùi khó chịu từ chất nôn.

Trường hợp trẻ bị sặc, nên thực hiện biện pháp Heimlich ở trẻ lớn chứ không nên dùng tay để móc thức ăn ra.

Khi nôn trớ, cơ thể trẻ sẽ mất một lượng nước lớn nên cần được bổ sung ngay, có thể dùng nước chín, nước trái cây loãng hoặc dung dịch Oresol. Cho trẻ uống từ từ, từng ngụm một hoặc dùng muỗng nhỏ.

Nếu tình trạng nôn trớ thuyên giảm thì tiếp tục cho trẻ uống 50ml nước chín và 50ml dung dịch Oresol luân phiên sau mỗi nửa giờ. Sau đó bé không nôn trớ nữa thì có thể cho bé bú bình hoặc bú sữa mẹ, sau mỗi 3 - 4 giờ tăng dần số lượng từ 80 - 100ml. Trong vòng 12 - 24 giờ tiếp theo, bé có thể ăn uống bình thường nếu không còn nôn trớ nhưng vẫn cần bổ sung nhiều nước và nên bắt đầu với những loại thực phẩm dễ tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc,...

Ngược lại, trường hợp bé nôn nhiều liên tục thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng trẻ ăn vào là bị nôn?

Để hạn chế tình trạng trẻ ăn vào là bị nôn, cha mẹ nên trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản cụ thể như sau:

Với trẻ đang bú sữa mẹ

Cho trẻ bú từ từ và tránh để trẻ bú quá no. Sau khi trẻ bú mẹ tối thiểu 15 phút mới được cho trẻ nằm xuống. Tư thế khi cho trẻ bú cũng rất quan trọng trong việc hạn chế tình trạng nôn trớ: bế trẻ sao cho mặt quay vào vú, mũi đối diện với núm vú đồng thời người và đầu trẻ phải nằm trên một đường thẳng. Sau đó, mẹ dùng tay đỡ mông và ôm sát con vào người cho đến khi môi trên của con chạm vú. Khi thấy con dần hé miệng thì chỉnh sao cho môi dưới của trẻ ở dưới núm vú.

Trẻ không nên nằm nghiêng bên phải khi no, do đó mẹ nên cho trẻ bú bên trái trước sau đó mới chuyển sang bú bên phải. Điều này giúp sữa trong dạ dày trẻ dễ dàng tuần hoàn hơn và hạn chế được tình trạng trào ngược dạ dày.

Sau khi trẻ đã bú no, không để trẻ nằm xuống ngay lập tức mà nên bế trẻ đứng lên và giúp trẻ ợ hơi bằng cách thực hiện động tác khum bàn tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ. Việc này giúp giải quyết một trong những nguyên nhân chính gây nôn trớ ở trẻ thông qua việc giảm lượng hơi mà trẻ nuốt phải vào dạ dày trong khi bú.

Không đặt trẻ sơ sinh nằm xuống ngay sau khi vừa bú xong

Đối với trẻ đang bú bình

Để trẻ không nuốt phải quá nhiều không khí vào dạ dày, khi cho trẻ bú bình mẹ cần chú ý nghiêng bình sữa sao cho sữa ngập cổ bình trong suốt quá trình con bú.

Đối với trẻ đang ăn dặm

Cha mẹ không nên bắt ép trẻ ăn quá nhiều dẫn đến tâm lý sợ hãi khi thấy thức ăn.

Trẻ bị ép ăn quá nhiều hoặc bú quá no có thể dẫn đến hiện tượng nôn trớ

Chia khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ nhưng vẫn phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng cần thiết. Nên tập cho trẻ thói quen tập trung ăn uống, thời gian ăn tối đa chỉ nên trong khoảng 30 phút trở lại. Bởi việc ăn lâu có thể dẫn đến cảm giác biếng ăn ở trẻ.

Hiện tượng không dung nạp được sữa tươi có thể gặp ở một số trẻ. Đối với những trường hợp này, mẹ có thể cho con uống sữa bò dạng sữa chua hoặc sữa đậu nành để thay thế.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể bổ sung chế phẩm men vi sinh có chứa các bào tử lợi khuẩn cho trẻ để giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, từ đó hạn chế được tình trạng trẻ ăn vào là bị nôn.

Lưu ý: Khi chưa được sự cho phép của bác sĩ, tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các loại thuốc chống nôn.

Nôn trớ tuy là hiện tượng thường gặp nhưng nếu cha mẹ không biết xử lý đúng cách thì rất dễ gây nguy hiểm, đặc biệt là khi chất nôn tràn vào khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp. Cha mẹ hãy trang bị được cho mình những kiến thức cần thiết để bình tĩnh xử trí khi trẻ ăn vào là bị nôn.

Mọi thắc mắc hay nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.