Các tin tức tại MEDlatec
Nhận biết tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ và cách điều trị, phòng ngừa
- 05/05/2023 | Đau cột sống lưng: các nguyên nhân, triệu chứng và cách ngăn ngừa
- 29/02/2024 | Thoái hóa cột sống cổ - Căn bệnh nghề nghiệp của dân văn phòng
- 12/11/2024 | Nguyên nhân và triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ai cũng nên biết
1. Tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ do đâu?
Cong vẹo cột sống ở trẻ là tình trạng xương cột sống bị vẹo sang một bên, trông giống hình chữ S hoặc chữ C khiến cột sống không giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường. Hiện tượng này thường xuất hiện ở vùng cột sống ngực, nhưng đôi khi có thể xảy ra ở vùng cột sống thắt lưng hoặc cả hai vùng.
Sự chậm trễ trong phát hiện và điều trị có thể khiến độ cong tiến triển nặng hơn trong giai đoạn tăng trưởng của trẻ, đặc biệt ở giai đoạn học đường.
Cong vẹo cột sống ở trẻ có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, cụ thể như sau:
- Vẹo cột sống vô căn: Đây là dạng phổ biến nhất, nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến yếu tố di truyền;
- Vẹo cột sống bẩm sinh: Xuất phát từ sự bất thường trong cấu trúc xương cột sống không hoàn chỉnh hoặc các đốt sống không hợp nhất với nhau khiến trẻ bị vẹo cột sống trước khi chào đời;
- Vẹo cột sống thần kinh cơ: Các cơ hỗ trợ cột sống bị suy yếu hoặc mất cân bằng do các bệnh lý về dây thần kinh và cơ bắp gây ra.
Cong vẹo cột sống ở trẻ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân
Các dấu hiệu điển hình có thể nhận thấy bao gồm:
- Vùng cột sống thắt lưng bị mất cân đối;
- Đau mỏi cột sống thắt lưng;
- Dáng đi bất thường (gù vẹo cột sống);
- Vai không đều, một bên nhô cao hơn bên còn lại;
- Hông lệch;
- Mất cân xứng vòng eo.
Nếu kết quả kiểm tra nghi ngờ có vấn đề, trẻ sẽ được chuyển đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhi hoặc bác sĩ phẫu thuật chuyên về dị dạng cột sống để được đánh giá kỹ lưỡng, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp,
2. Cong vẹo cột sống ở trẻ điều trị bằng phương pháp nào?
Trước khi lập kế hoạch điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ, bác sĩ sẽ cân nhắc một số yếu tố như sau:
- Vị trí cột sống cong vẹo;
- Mức độ cong vẹo;
- Độ tuổi của trẻ.
Việc điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ cần được xem xét nhiều yếu tố
Việc đánh giá các yếu tố này giúp bác sĩ xác định mức độ tiến triển của đường cong và từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Một số giải pháp điều trị phổ biến có thể được chỉ định, bao gồm:
Vật lý trị liệu
Đây là một trong những phương pháp điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ rất hiệu quả. Bằng việc thực hiện các bài tập chỉnh hình và hỗ trợ vẹo cột sống theo hướng dẫn của người có chuyên môn.
Điều trị nội khoa
- Theo dõi tình trạng: Nếu đường cong cột sống dưới 20 độ hoặc trẻ đã hoàn tất giai đoạn trưởng thành, bác sĩ sẽ khuyến cáo theo dõi định kỳ để đảm bảo tình trạng cong vẹo cột sống không tiến triển nặng hơn. Trẻ cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ, kết hợp với chụp X-quang mỗi 6 - 12 tháng cho đến khi tình trạng ổn định;
- Đai chỉnh hình cột sống: Được sử dụng với mục đích cố định cột sống, hỗ trợ điều chỉnh tư thế. Để đạt được hiệu quả, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì sử dụng trong thời gian dài.
Điều trị ngoại khoa (Phẫu thuật)
Trong trường hợp mức độ cong vẹo cột sống trở nên trầm trọng và các phương pháp khác không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Thanh kim loại được gắn vào cột sống bằng các móc, vít và dây để cố định và nắn chỉnh các đốt sống bị cong. Chỉ những đốt sống bị cong sẽ được nắn chỉnh và cố định, trong khi các đốt sống còn lại vẫn có thể di chuyển và hỗ trợ chức năng vận động của cột sống.
3. Tham khảo cách phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ
Cách phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ chủ yếu tập trung vào việc duy trì lối sống lành mạnh, chú trọng đến việc phát hiện sớm và bảo vệ cột sống trong quá trình phát triển của trẻ, cụ thể như sau:
Khám sức khỏe định kỳ
Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường cảnh báo tình trạng cong vẹo cột sống. Bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của cột sống, đặc biệt là trong các giai đoạn tăng trưởng nhanh (như tuổi dậy thì). Nếu có dấu hiệu cong vẹo, việc điều trị sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng tiến triển nặng.
Duy trì đúng tư thế
Tư thế sai có thể gây ra áp lực không đều lên cột sống, làm tăng nguy cơ vẹo cột sống. Vì vậy, khi ngồi, đứng hoặc mang vác đồ vật, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ duy trì tư thế đúng. Cụ thể:
- Khi ngồi học hoặc chơi, trẻ cần ngồi thẳng lưng, không cúi đầu hay vẹo người sang một bên;
- Học cách giữ vai và hông thẳng khi đứng;
- Tránh mang balo quá nặng, đặc biệt là trên một vai.
Duy trì đúng tư thế là biện pháp phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết khác sẽ giúp xương phát triển khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến xương khớp.
Khuyến khích các hoạt động ngoài trời
Thường xuyên vận động ngoài trời giúp trẻ phát triển xương và cơ bắp khỏe mạnh, đồng thời cũng giúp giảm căng thẳng cho cột sống. Các hoạt động ngoài trời như chạy, nhảy, đi bộ hoặc chơi thể thao không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn cải thiện sự linh hoạt của cột sống của trẻ.
Hy vọng với những thông tin được trình bày ở trên, cha mẹ sẽ có hướng theo dõi cũng như phòng ngừa hiệu quả tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ. Nếu phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ tình trạng cong vẹo cột sống nói riêng và các bệnh lý Cơ xương khớp ở trẻ nói chung, cha mẹ hãy liên hệ đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!