Tin tức

Thoái hóa cột sống cổ - Căn bệnh nghề nghiệp của dân văn phòng

Ngày 31/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Thoái hóa cột sống cổ đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa và một trong những đối tượng dễ mắc bệnh lý này nhất là dân dân văn phòng và những người thường xuyên sử dụng điện thoại. Đây là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt nên bạn không thể xem thường.

1. Số lượng người trẻ bị thoái hóa cột sống cổ đang nhiều hơn

Thoái hóa cột sống cổ là một quá trình thoái hóa tự nhiên có liên quan đến các bộ phận như sụn, đĩa đệm, dây chằng và hệ xương khu vực này. Tình trạng thoái hóa thường diễn ra ở đốt sống C5, C6 và C7 khiến người bệnh bị đau cổ khi vận động, đau có thể lan xuống các cánh tay cùng nhiều triệu chứng khác. Bệnh phát triển tương đối chậm và có thể khởi phát thoái hóa ở bất cứ giai đoạn nào. 

Có nhiều người trẻ gặp phải tình trạng thoái hóa cột sống cổ

Có nhiều người trẻ gặp phải tình trạng thoái hóa cột sống cổ 

Đây là bệnh lý mạn tính tương đối phổ biến, thường diễn ra ở độ tuổi 30 - 60. Những người bị thoái hóa các đốt sống cổ sẽ gặp phải khá nhiều khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, tình trạng thoái hóa các đốt sống cổ đang ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do thói quen sử dụng điện thoại, máy tính thường xuyên, sai tư thế, đặc biệt nhiều ở giới văn phòng. 

2. Những nguyên nhân gây bệnh 

Thực tế, nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa đốt sống cổ thường do thói quen làm việc hoặc sinh hoạt sai tư thế trong một thời gian dài, lười vận động cũng như chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học,... Những yếu tố này lâu dài sẽ làm cột sống bị thay đổi, trong đó, các tổ chức xương, sụn, đĩa đệm, dây chằng... ở khu vực cổ dần bị thoái hóa với những thay đổi như: 

2.1. Đĩa đệm bị tổn thương

Đĩa đệm là một lớp lót nằm ở giữa của các đốt sống để đảm bảo sự đàn hồi và hạn chế xóc, giúp bảo vệ các dây thần kinh ở cột sống. Đĩa đệm cũng sẽ giúp làm giảm sự ma sát của cột sống để giúp cơ thể chúng ta có thể vận động một cách linh hoạt hơn. 

Khi đĩa đệm gặp vấn đề thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự linh hoạt của cột sống. Ví dụ như: 

  • Đĩa đệm bị tổn thương sẽ khiến sự ma sát tăng lên và gây nên những cơn đau ở cổ. Tình trạng này khi không được điều trị, lâu dần sẽ dẫn đến bệnh lý thoái hóa cột sống cổ.
  • Thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng đến tủy sống cũng như rễ thần kinh, gây cảm giác đau. 

2.2. Gai xương

Khi các khớp cổ bị chấn thương, gai xương sẽ dần xuất hiện nhằm sửa chữa lại vùng khớp đã bị tổn thương. Những gai xương này đa phần không tác động xấu đối với sức khỏe. Thế nhưng, ở một vài trường hợp, khi các vai xương này va chạm và cọ xát sẽ đè lên xương, dây thần kinh. Đồng thời, chúng cũng sẽ gây sự chèn ép vào các cơ, mô và tủy sống khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức. 

Các đốt sống cổ bị thoái hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau

Các đốt sống cổ bị thoái hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau

2.3. Xơ hóa dây chằng

Dây chằng có tác dụng bảo vệ các đầu khớp và giúp liên kết các xương cột sống. Vì nhiều lý do mà dây chằng sẽ dần bị xơ hóa và làm cho những chuyển động ở vùng cổ trở nên khó khăn hơn. 

3. Những triệu chứng nhận biết bệnh lý

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ sẽ không có triệu chứng rõ ràng nhưng theo thời gian, biểu hiện sẽ dễ nhận biết hơn: 

3.1. Cảm giác đau nhức

Những cơn đau xuất hiện ở cổ - vai - gáy có tần suất ngày càng dày hơn. Bệnh nhân đôi khi có thể bị vẹo hoặc sái cổ. Những cơn đau sẽ lan dần đến vùng đầu và khiến bệnh nhân bị đau nhức ở các khu vực như chẩm, trán, mũi, mắt và dần lan xuống cánh tay. 

3.2. Chi trên bị mất cảm giác

Khi các đốt sống cổ bị thoái hóa, các rễ thần kinh vận động ở cánh tay sẽ dần bị chèn ép và khiến phần vai đến cánh tay bị tê bì. Từ đó, bệnh nhân sẽ khó để cảm nhận được nhiệt độ. Có nhiều tình trạng nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị teo cơ, tay mất cảm giác hoàn toàn và thậm chí là bị bại liệt. 

Bệnh có thể khiến các chi trên dần mất cảm giác

Bệnh có thể khiến các chi trên dần mất cảm giác

3.3. Lhermitte

Đây là dấu hiệu của chứng thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng. Lhermitte là cảm giác có luồng điện chạy từ cổ xuống sống lưng, đôi khi lan xuống cả tay và chân. Lhermitte xuất hiện khi bệnh trở nặng hơn hay khi người bệnh cúi gập cổ về phía trước, gây nên cảm giác cực kỳ khó chịu. 

3.4. Bị đau cứng cổ 

Cơn đau này thường xuất hiện vào buổi sáng, nhất là khi trời lạnh. Nếu ban đêm, người bệnh ngủ sai tư thế sẽ khiến vùng cổ bị cứng vào sáng ngày hôm sau. Cơn đau này có thể lây lan dần ra sau gáy, sau vùng đầu và cơn đau tăng dần mức độ khi bệnh nhân bị ho hoặc hắt hơi. Nặng hơn, người bệnh bị đau nhức sẽ không thể quay đầu sang hai bên mà cần phải xoay chuyển cả người. 

3.5. Triệu chứng khác

Bệnh nhân còn có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác đi kèm như: bị nấc cụt, ngáp nhiều hơn, mất đi sự thăng bằng, bị chóng mặt,... 

4. Cách chẩn đoán bệnh

Thông qua việc hỏi thăm về tiền sử bệnh lý, các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải cùng với việc khám chức năng vận động và phản xạ mà bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán phù hợp. Nhưng để đảm bảo chính xác, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu hơn như:

  • Chẩn đoán bằng hình ảnh: CT, X-quang, MRI,...
  • Các phương pháp để kiểm tra chức năng của hệ thần kinh gồm: Phương pháp điện cơ (Electromyography) hoặc nghiên cứu dẫn truyền thần kinh. 

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu được sử dụng để thăm khám bệnh lý

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu được sử dụng để thăm khám bệnh lý

5. Phương án điều trị thoái hóa cột sống cổ 

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thoái hóa cột sống cổ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp nhất, mục tiêu chính là bảo tồn các đốt sống cổ: 

5.1. Nghỉ ngơi

Bệnh nhân cần tránh căng thẳng quá mức, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và thư giãn. Khi nằm, cần tránh kê cao gối để không tác động xấu đến xương khớp ở cổ. 

5.2. Chườm nóng - lạnh

Giải pháp này sẽ giúp các cơn đau ở cột sống cổ giảm đi đáng kể. Đồng thời, chúng cũng hỗ trợ lưu thông máu rất hiệu quả. Người bệnh có thể chườm nóng rồi đến chườm lạnh theo hướng dẫn của bác sĩ. 

5.3. Sử dụng thuốc

Đa số các trường hợp bị thoái hóa cột sống cổ đều được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc để điều trị. Các loại thuốc thường được bác sĩ chuyên khoa kê đơn gồm có: nhóm thuốc giãn cơ, chống viêm, giảm đau,...

Thuốc kê đơn sẽ được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể

Thuốc kê đơn sẽ được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể

5.4. Tập vật lý trị liệu

Phương pháp này rất phổ biến đối với việc điều trị thoái hóa các đốt sống cổ. Các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp hạn chế được tình trạng bị co cứng ở các khớp cổ và thúc đẩy sự lưu thông máu. Nhờ đó, các hoạt động ở cổ - vai - gáy sẽ không còn gặp khó khăn như trước đó. 

Tình trạng thoái hóa cột sống cổ nếu để lâu dài sẽ khiến cho các hoạt động ở khu vực cổ - vai - gáy trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt. Chính vì vậy, ngay khi nhận thấy mình có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Cơ Xương Khớp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám và điều trị. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.