Các tin tức tại MEDlatec

Nhận diện triệu chứng và cách chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Ngày 15/11/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Loãng xương là một trong những vấn đề sức khỏe dễ gặp ở phụ nữ mãn kinh. Trong giai đoạn này, phụ nữ bị suy giảm nội tiết tố estrogen khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn, làm tăng nguy cơ loãng xương. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn nhận diện được triệu chứng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh và cách thức chẩn đoán đúng để kịp thời điều trị hiệu quả.

1. Nhận diện triệu chứng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

1.1 Triệu chứng loãng xương giai đoạn đầu

Các triệu chứng loãng xương ở giai đoạn đầu thường không rõ nét nên dễ bị bỏ qua: 

- Đau lưng thường xuyên tái diễn, nhất là vùng lưng dưới. Mức độ đau không quá mạnh nhưng kéo dài và xuất hiện thường xuyên. Nhiều người nhầm lẫn cơn đau này với thoái hóa cột sống hoặc đau cơ.

- Đau nhức xương khớp khi có sự thay đổi về thời tiết.

- Sức chịu lực của xương giảm nên dễ bị đau khi vận động mạnh hoặc mang vác đồ nặng. 

Loãng xương khiến phụ nữ mãn kinh thường xuyên đau nhức lưng dưới

1.2. Triệu chứng loãng xương giai đoạn tiến triển 

Khi loãng xương ở phụ nữ mãn kinh tiến triển nặng hơn sẽ gặp phải các triệu chứng rõ ràng và nghiêm trọng hơn:

- Xương mỏng và dễ gãy dù chỉ một cú ngã nhẹ hoặc va chạm nhỏ, nhất là xương sống, xương hông, xương cổ tay.

- Giảm chiều cao do loãng xương tác động trực tiếp lên cột sống, khiến các đốt sống dần bị xẹp lại. 

- Còng lưng do xẹp đốt sống khiến cột sống bị cong lại. Còng lưng làm mất đi vóc dáng tự nhiên, người bệnh khó khăn trong di chuyển, dễ gây tổn thương cột sống.

- Đau nhức thường xuyên ở cột sống và các khớp lớn như hông, gối. Cơn đau thường ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến người bệnh khó đi lại, khó ngồi hay đứng một chỗ quá lâu.

2. Chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng cách nào?

2.1. Khám lâm sàng và hỏi bệnh sử

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng để đánh giá sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và hỏi bệnh sử chi tiết. Những câu hỏi này nhằm xác định các yếu tố nguy cơ và tìm hiểu về thói quen sinh hoạt của người bệnh:

- Bác sĩ sẽ hỏi về các yếu tố nguy cơ cá nhân như tuổi tác, cân nặng, tiền sử gãy xương, mãn kinh và các bệnh lý liên quan. Ngoài ra, bệnh sử gia đình cũng là yếu tố quan trọng vì loãng xương có thể liên quan đến yếu tố di truyền.

- Bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi về mức độ hoạt động thể chất, chế độ ăn, thói quen hút thuốc hoặc uống rượu vì đây là các yếu tố dễ làm giảm mật độ xương.

2.2. Xét nghiệm chẩn đoán loãng xương

Để xác nhận chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ mãn kinh, bác sĩ sẽ yêu cầu một số xét nghiệm chuyên sâu, giúp đánh giá mật độ xương và mức độ tổn thương xương:

2.2.1 Đo mật độ xương (DEXA)

Phương pháp đo mật độ xương bằng máy DEXA là chỉ định đầu tay trong chẩn đoán loãng xương. DEXA đo lường mật độ khoáng chất trong xương tại các vị trí như hông, cột sống và cẳng tay, giúp xác định mức độ suy giảm mật độ xương.

Bệnh nhân sẽ nằm trên bàn chụp và máy DEXA sẽ phát ra tia X với các mức năng lượng để đo mật độ xương. Quá trình này thường diễn ra trong khoảng 10 - 15 phút.

Kết quả đo mật độ xương được thể hiện qua chỉ số T-score. T-score từ -1 trở lên là bình thường, từ -1 đến -2.5 là suy giảm mật độ xương (tiền loãng xương), dưới -2.5 là loãng xương.

Đo mật độ xương DEXA - phương pháp chẩn đoán chính xác loãng xương 

2.2.2. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp đánh giá mức độ dưỡng chất quan trọng đối với xương và kiểm tra các chỉ số liên quan đến sự suy giảm mật độ xương.

- Canxi và vitamin D: Thiếu canxi và vitamin D có thể là dấu hiệu của nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.

- Các chất chỉ điểm sinh học: Một số chất chỉ điểm sinh học trong máu như CTX và P1NP có thể được kiểm tra để xác định tốc độ tái tạo và phá hủy xương. 

2.2.3. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp bổ sung trong chẩn đoán loãng xương. Bác sĩ sẽ kiểm tra các chỉ số sinh hóa trong nước tiểu để đánh giá tình trạng chuyển hóa của xương.

- Hydroxyproline: Sản phẩm phụ của quá trình phân hủy collagen trong xương. Tăng hydroxyproline trong nước có thể cho thấy xương đang có tốc độ phân hủy nhanh - dấu hiệu của loãng xương.

- Creatinine: Thường dùng để đánh giá chức năng thận. Do thận đóng vai trò quan trọng đối với duy trì cân bằng canxi và khoáng chất cho xương nên đây cũng là chỉ số được quan tâm.

2.2.4. Xét nghiệm hình ảnh khác

Ngoài các phương pháp trên, một số phương pháp hình ảnh khác có thể được sử dụng khi cần thiết để chẩn đoán và đánh giá mức độ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh:

- Chụp X-quang: Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện đau nhức xương, nhất là ở cột sống hoặc hông. Kết quả chụp X-quang giúp phát hiện tổn thương và đánh giá cấu trúc xương.

- Chụp CT-Scanner hoặc MRI: Nếu cần kiểm tra chi tiết hơn về tổn thương xương và mô mềm xung quanh, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT-Scanner hoặc MRI. Những phương pháp này chỉ sử dụng cho trường hợp cần làm rõ hơn các vấn đề phức tạp khác tại xương.

Khám xương khớp định kỳ giúp sàng lọc loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Để phát hiện sớm loãng xương, phụ nữ mãn kinh nên thực hiện kiểm tra mật độ xương định kỳ, đặc biệt là khi có các yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình, thiếu hoạt động thể chất hoặc chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D. 

Phụ nữ mãn kinh phát hiện để loãng xương kịp thời có thể phòng ngừa nguy cơ gãy xương, bảo vệ ổn định sức khỏe hệ xương. 

Quý khách hàng có nhu cầu sàng lọc loãng xương ở phụ nữ mãn kinh có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn phương pháp phù hợp.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.