Các tin tức tại MEDlatec

Nhuộm tóc có gây hại không? Cần lưu ý vấn đề gì?

Ngày 01/08/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nhuộm tóc giúp che giấu những khuyết điểm của tóc và giúp bạn đẹp hơn, cá tính hơn. Ngày nay, nhuộm tóc đã trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về việc nhuộm tóc có thể gây hại cho sức khỏe. Vậy nhuộm tóc có hại không và cần lưu ý điều gì?

1. Vì sao nhiều người thích nhuộm tóc?

Có rất nhiều lý do khiến nhiều người thích nhuộm tóc và thường xuyên nhuộm tóc, cụ thể như sau:

Nhiều người thích nhuộm tóc để thể hiện cá tính

- Thể hiện cá tính, tạo ra sự khác biệt: Nhuộm tóc là sở thích của rất nhiều người trẻ. Đây là một cách thể hiện cá tính của các bạn trẻ, giúp họ tạo nên sự khác biệt và cũng là cách thu hút sự quan tâm của mọi người xung quanh.

- Làm đẹp: Khi nhuộm màu tóc phù hợp, bạn sẽ có vẻ ngoài trẻ trung hơn, năng động hơn và tự tin, vui vẻ hơn rất nhiều.

- Phù hợp với kiểu tóc: Khi tạo kiểu tóc thì màu tóc cũng rất quan trọng. Có những kiểu tóc đẹp nhưng màu tóc lại không phù hợp dẫn tới mái tóc của bạn không thể có được vẻ đẹp trọn vẹn nhất. Do đó, có thể nói rằng chọn màu tóc cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công cho kiểu tóc của bạn.

- Che khuyết điểm: Người bị bạc tóc sớm thường nhuộm đen tóc để che khuyết điểm của tóc và giúp họ tự tin hơn với vẻ ngoài của mình.

2. Nhuộm tóc có hại không?

Nhiều người rất thích nhuộm tóc để mình có một vẻ ngoài đẹp hơn, tự tin hơn và cá tính hơn nhưng lại băn khoăn về việc “nhuộm tóc có hại không”. Thực tế, nhuộm tóc có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe như sau:

- Khiến tóc yếu, dễ hư tổn và gãy rụng: Đây là tác hại rõ ràng nhất khi nhuộm tóc mà bạn có cảm nhận được. Trong thuốc nhuộm có chứa nhiều hóa chất độc hại và khiến cho mái tóc bị giảm độ ẩm, bong tách các lớp mô và yếu dần đi, từ đó thường xuyên gãy rụng. Theo thời gian, mái tóc của bạn sẽ không còn được bóng mượt và bồng bềnh như trước. Để có thể khắc phục tình trạng này, bạn nên cắt đi phần tóc đã bị khô và hư tổn.

Thuốc nhuộm tóc khiến tóc khô, yếu và dễ gãy

- Gây hại cho da đầu, mắt: Không chỉ gây hại cho tóc, nhiều loại thuốc nhuộm còn có chứa những thành phần hóa học gây kích ứng da đầu và mắt. Vì thế nhiều người có cảm giác ngứa rát, ngứa như bị kiến đốt sau khi nhuộm tóc, da đầu trở nên nhạy cảm và yếu hơn. Bên cạnh đó, thuốc nhuộm tóc còn có thể khiến mắt bị đỏ và một số trường hợp nghiêm trọng còn gây ảnh hưởng đến thị lực.

- Gây hen suyễn: Không chỉ người được nhuộm tóc mà những nhà tạo mẫu tóc cũng cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc nhuộm tóc. Theo một số chuyên gia, nếu tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc trong suốt một thời gian dài có thể gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt làm tăng nguy cơ bị hen suyễn và dị ứng da.

P-phenylenediamine là một loại hóa chất có tính kích ứng rất mạnh và chất độc hại này xuất hiện nhiều trong các sản phẩm thuốc nhuộm tóc. Khi được làm nóng, nó có thể đi vào các mao mạch, tủy xương và có thể gây ra dị da và tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Bên cạnh đó, persulfate trong thuốc tẩy tóc cũng là loại hóa chất độc hại. Nếu tiếp xúc thường xuyên cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

- Thay đổi nội tiết cơ thể: Một số loại thuốc nhuộm tóc có chứa alkylphenol ethoxylate – loại hóa chất độc hại này thường được tìm thấy trong các loại thuốc trừ sâu. Loại hóa chất này có thể ngấm dần vào da đầu và gây ra sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể. Không những vậy, isopropyl alcohol có chứa trong các loại thuốc nhuộm tóc cũng có thể gây đau đầu và thậm chí là một số triệu chứng trầm cảm.

Thành phần độc hại trong thuốc nhuộm tóc có thể ảnh hướng đến mẹ bầu và thai nhi

- Có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi: Khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý rất nhiều đến sức khỏe và luôn phải cẩn trọng trong mọi hành động. Các chuyên gia khuyên rằng, trong thai kỳ, mẹ bầu không nên nhuộm tóc vì việc tiếp xúc với các thành phần độc hại từ thuốc nhuộm tóc có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi.

- Tăng nguy cơ ung thư: Thường xuyên tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư bàng quang, ung thư hạch, ung thư vú,...

3. Phải làm sao để nhuộm tóc an toàn?

Để hạn chế những tác hại của thuốc nhuộm tóc đối với sức khỏe, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Không để thuốc nhuộm quá lâu để hạn chế những thành phần độc hại trong thuốc ảnh hưởng đến tóc và da đầu.

- Khi đã nhuộm tóc xong, bạn nên xả tóc bằng nước ấm hoặc nước lạnh để hạn chế tối đa nguy cơ rụng tóc.

- Trong quá trình nhuộm tóc cho khách, các nhà tạo mẫu tóc nên dùng gang tay để tránh việc thuốc nhuộm tóc gây ảnh hưởng đến da tay và dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe.

Nên thường xuyên dưỡng tóc sau khi nhuộm tóc

- Khi nhuộm tóc, nên hạn chế để tóc tiếp xúc với nhiệt, chẳng hạn như sấy tóc hoặc ép tóc.

- Không nên nhuộm tóc nhiều lần chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu bạn muốn đổi màu tóc thì nên đợi ít nhất 6 tháng.

- Nên lựa chọn những sản phẩm thuốc nhuộm tóc uy tín để hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro sức khỏe từ những loại hóa chất độc hại. Lưu ý đến hạn sử dụng của sản phẩm và bảo quản thuốc nhuộm tóc đúng cách để đảm bảo chất lượng của thuốc.

- Để đảm bảo an toàn cho da, trước khi nhuộm tóc, bạn nên kiểm tra xem loại thuốc đó có phù hợp với làn da của bạn không, có gây dị ứng không,...

- Không dùng thuốc nhuộm tóc để nhuộm lông mi, lông mày để tránh ảnh hưởng đến mắt, trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.

- Với những trường hợp đã nhuộm tóc thì nên thường xuyên dưỡng tóc hoặc gội đầu bằng dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho tóc để cải thiện tình trạng hư tổn và gãy rụng tóc.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc nhuộm tóc có hại không và một số lưu ý khi nhuộm tóc để bạn có thể làm đẹp cho mái tóc mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.